Nước mắt ngày hòa bình

22/04/2025 - 21:10

PNO - Ngày 22/4, Hội LHPN quận 4 tổ chức chương trình họp mặt, giao lưu với thành viên CLB Nữ cựu tù. Những câu chuyện được kể lại từ các nhân chứng đã khắc họa rõ nét nỗi đau, sự khốc liệt của chiến tranh, đồng thời khắc sâu giá trị của hòa bình.

Bà Nguyễn Thùy Trinh - Ủy viên Ban thường vụ quận ủy quận 4 - trò chuyện cùng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài
Bà Nguyễn Thùy Trinh - Ủy viên Ban thường vụ quận ủy quận 4 - thăm hỏi, trò chuyện cùng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài

“Cha hy sinh trong thời chống Pháp, tôi buồn lắm nhưng nghĩ cha mất rồi thì mình còn mẹ. Vậy mà 3 tháng sau, mẹ bệnh. Gia đình rất khổ, không có tiền thuốc thang nên mẹ mất. Khi đó tôi mới buồn nhiều”, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài bắt đầu câu chuyện với thế hệ cán bộ Hội trẻ.

Nhưng nghịch cảnh ấy chưa phải là tất cả trong cuộc đời mẹ. Năm 1967, chồng mẹ trở thành liệt sĩ, hy sinh khi tham gia kháng chiến chống Mỹ. Năm 1978, mẹ nghe tin con trai Lê Văn Hoàng hy sinh tại chiến trường biên giới Tây Nam.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài (bìa phải) chia sẻ
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài (bìa phải) kể lại một thời đấu tranh gian khổ

Đau lắm, nhưng mẹ lấy lý do chồng, con hy sinh vì đất nước để tự nâng đỡ mình vượt qua những tháng ngày khó khăn. Nỗi căm thù giặc nung nấu khiến người mẹ có 7 đứa con xung phong vào chiến trường trở nên mạnh mẽ.

Mẹ bắt đầu đến với cách mạng bằng công việc của một giao liên. Sau đó, Ban quân sự thành lập lực lượng đặc công, mẹ xin về hoạt động tại đơn vị này để đánh trực diện vào kẻ thù. Trong suốt thời gian chiến đấu, mẹ bị máy bay Mỹ bắn bị thương ở đầu, sau đó bị tù đày, trở thành thương binh 4/4.

Trải qua sự khốc liệt trong chiến tranh, nên những ngày qua, chứng kiến cả nước hòa mình trong không khí chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mẹ Hữu Tài không giấu được niềm vui qua lời bộc bạch: “Mẹ không nghĩ mẹ sống được tới ngày hòa bình. Nhưng không ngờ, mẹ đã được chứng kiến hòa bình đến 50 năm”.

Nữ cựu tù Lê Thị Ngân
Nữ cựu tù Lê Thị Ngân từng phải chịu những đòn tra tấn dã man của kẻ thù khi mới 13 tuổi

Tại buổi họp mặt, nữ cựu tù Lê Thị Ngân không ngăn được nước mắt khi nhớ lại khoảng thời gian sống trong địa ngục tù đày. Gia đình có 4 anh chị em, nhưng 2 người anh lớn của bà đã hy sinh năm 1967. Tháng 10/1967, chị gái tham gia cách mạng rồi về dẫn bà vô chiến khu. Năm đó, bà 13 tuổi, được các anh chị giao nhiệm vụ đi thư từ căn cứ vô Sài Gòn và được dặn “nếu bị lính bắt thì nói không biết gì”.

Tháng 5/1968, trong lần làm nhiệm vụ ở đợt 2 cuộc tổng tiến công Mậu Thân, trên đường từ Bến Lức về Phú Lâm (quận 6 ngày nay), bà bị bắt và đưa về trại giam Thủ Đức. Được các chị dặn “hôm qua nói sao thì hôm nay nói y như vậy”, bà cứ thế mà làm theo. Cô bé 13 tuổi nhỏ thó bị lính đá văng vào tường sau mỗi câu trả lời, rồi chúng nắm tóc bà kéo dậy. Tàn bạo hơn, chúng chích điện vô 2 tai bà đến ngất xỉu. Di chứng của những trận hành hạ đó khiến thần kinh bà bị ảnh hưởng nặng nề.

Chia sẻ về sức mạnh giúp mình vượt qua những năm tháng tù đày, nữ cựu tù Lê Thị Ngân nói: “Chế độ lao tù dã man vô cùng. Chúng càng hành hạ, tôi càng căm thù. Điều đó tiếp thêm sức mạnh để tôi vượt qua đòn roi tàn bạo. Ngoài ra, trong tù, tôi được các chị giáo dục để gởi trọn niềm tin rằng, cách mạng Việt Nam sẽ chiến thắng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Niềm tin đó giúp tôi cố gắng mỗi ngày để vượt qua năm tháng tù đày”.

Thường trực Hội LHPN quận 4 chụp ảnh lưu niệm cùng thành viên CLB Nữ cựu tù trong ngày họp mặt
Thường trực Hội LHPN quận 4 chụp ảnh lưu niệm cùng thành viên CLB Nữ cựu tù trong ngày họp mặt

Sau 50 năm nhìn lại, nữ cựu tù cho biết, điều bà tự hào nhất đó là sự đổi mới của đất nước qua bao năm chiến tranh ác liệt. Từ Sài Gòn xưa, nay TPHCM đã thay đổi mạnh mẽ với những tuyến đường cao tốc vành đai mở ra, tàu metro hiện đại không thua bất cứ nơi nào… “Tôi đứng trên cao nhìn dòng sông Sài Gòn uốn lượn. Quận 4 trong Sài Gòn xưa nay đã đổi mới, phát triển vươn lên…”, bà Ngân phấn khởi nói.

Cuộc họp mặt đã chứng kiến không ít giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt thế hệ trẻ. Bà Nguyễn Thùy Trinh – Ủy viên Ban thường vụ quận ủy quận 4 đã gởi lời tri ân sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, các nữ chiến sĩ cách mạng, nữ cựu tù và thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Bà cho rằng buổi họp mặt là dịp để thế hệ hôm nay tri ân những người phụ nữ đã thực tiếp tham gia kháng chiến, giữ gìn hòa bình cho đất nước, cũng là dịp để ôn lại truyền thống anh hùng đó mà noi theo, mà sống xứng đáng để không phụ lòng các cô, các dì đã hy sinh xương máu xây nên nền độc lập này.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI