'Nước mắt' di sản

22/06/2018 - 10:37

PNO - Sau này, chúng ta cái gì cũng có, nhưng lại không có chúng ta - câu thoại trong một bộ phim thật đúng trong những ngày chiếc cầu khủng xây trái phép xuyên lõi di sản thế giới Tràng An.

Đã hơn ba tháng kể từ khi báo chí “khui” ra việc chiếc cầu dài hơn 500m, được xây lên một cách ngang nhiên, đâm thẳng vào lõi di sản thế giới Tràng An, gây bức xúc trong dư luận. Đã hơn ba tháng, biết bao nhiêu công văn từ Trung ương tới địa phương đã chỉ ra những sai phạm và ngày 30/6 tới là thời hạn để báo cáo kết quả kiểm điểm của tập thể, cá nhân liên quan đến công trình xây dựng trái phép này. Dù kết quả cuộc kiểm điểm ra sao, sự thật không thể tránh được là: Tràng An nay đã không còn là Tràng An như trước.

'Nuoc mat' di san
Chiếc cầu “khủng” được xây dựng ngay trong vùng lõi di sản thế giới Tràng An

Nhờ “phúc” của một ai đó hay một đơn vị, tập thể nào đó, đã có một vết thương sâu hiển hiện ngay trước mắt, giễu cợt chúng ta. Nhưng vết thương ấy dường như chưa đủ cảnh tỉnh những người làm công tác quản lý di sản. Bài học Tràng An hay bao nhiêu bài học trước đó - từ Hoàng thành Thăng Long, cố đô Huế… không làm họ nao núng khi đặt bút ký những văn bản đẩy di sản vào nguy cơ bị bức tử.

Khi vết thương Tràng An chưa dịu, việc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) bác bỏ đề xuất xây dựng điểm dừng chân, dịch vụ, tham quan du lịch kết hợp mua, bán hải sản, giới thiệu sản phẩm tại vụng Cặp Táo, vịnh Hạ Long khiến người dân buộc phải hỏi: những người làm quản lý, bảo vệ di sản đang đặt di sản hay lợi ích từ di sản lên hàng đầu.

UNESCO Việt Nam từng nhiều lần khuyến cáo những địa phương có di sản không nên coi di sản như một công cụ phát triển kinh tế. Qua những bài học nhãn tiền, nhiều chuyên gia trong nước cũng cảnh báo về sự mất cân đối giữa khai thác di sản và bảo tồn, phát huy di sản hiện nay ở nước ta. Thế nhưng, hết lần này tới lần khác, ở khắp các địa phương, tình trạng xâm hại di sản ở nhiều mức độ vẫn đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ.

'Nuoc mat' di san

Hoàng thành Thăng Long cũng đứng trước nguy cơ bị cảnh báo tước danh hiệu vì xuống cấp, ngập nước, cỏ mọc cao

 

Khi câu chuyện Tràng An bùng phát, dư luận cũng đặt câu hỏi về vai trò, chức năng của Bộ VH-TT-DL trong những ngày di sản bị “xẻ thịt”. Đành rằng, việc phân cấp quản lý di sản, di tích đã được đưa dần về cấp cơ sở để quản lý sâu sát và phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Thế nhưng, có hay không sự “khoán trắng” của bộ cho cơ sở khi hàng loạt vụ chảy máu di sản diễn ra trong nhiều năm mà việc hậu kiểm lại bỏ lọt?

Khi một sự vụ nào đó xảy ra, điều công chúng nhận được hầu hết là quanh co và thoái thác. Bản kiểm điểm ngày 30/6 tới của chính quyền H.Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) về vết thương Tràng An cũng chỉ là một văn bản của “sự đã rồi”. Sẽ còn nhiều câu chuyện tương tự Tràng An xảy ra nếu gốc rễ vấn đề - ý thức di sản ở ta - chưa tường tận.

Đầu tháng Bảy tới sẽ diễn ra hội nghị quản lý di sản thế giới, do Chính phủ chủ trì. Không biết đây là hội nghị thứ bao nhiêu về một câu chuyện cũ mà vẫn còn mới này? 

Đậu Dung

GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia:
“Một số người nghĩ, có danh hiệu rồi muốn làm gì thì làm”

'Nuoc mat' di san

Hiện nay, UNESCO có ba loại hình vinh danh: một là các di sản văn hóa vật thể theo Công ước năm 1972. Hai là các di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước năm 2003. Ba là các ký ức tư liệu của từng khu vực, toàn cầu. Ba loại này xét theo các tiêu chí khác nhau và cực kỳ khắt khe, thông qua hội đồng từng cấp; luôn có một tiểu ban, tổ chuyên gia tư vấn bao gồm các học giả xem xét. Tới khi ra phiên họp của hội đồng, càng gay gắt hơn.

Với từng công ước khác nhau, quy định bảo vệ di sản cũng có những điểm khác nhau. Với Công ước năm 1972, khi có dư luận trên truyền thông, UNESCO sẽ cử người đến kiểm tra. Công ước năm 2003 chưa có những quy định cụ thể, nhưng các quốc gia hằng năm đều phải nộp báo cáo về quá trình bảo vệ di sản sau khi được công nhận. Trong thực tế, việc có tước bỏ danh hiệu hay không, theo Công ước năm 1972, người ta đã thực hiện rồi.

Cũng phải nói thẳng rằng, vừa qua, chúng ta chấp hành các quy định của UNESCO chưa tốt, nhất là các di sản theo Công ước năm 1972. Rất nhiều lần người ta đã đưa ra cảnh báo, như vịnh Hạ Long, cố đô Huế… Nếu việc tước danh hiệu xảy ra, đó là điều rất đáng tiếc.

Tâm lý của một số cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ di sản ở địa phương hiện nay là cứ có danh hiệu rồi thì muốn làm gì thì làm, bất chấp cả Luật Di sản Việt Nam, bất chấp cả công ước cũng như những cam kết của Việt Nam đối với UNESCO. Vụ xâm hại di sản thế giới Tràng An vừa qua là một điển hình.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc:
“Nếu bị tước danh hiệu, đó là nỗi nhục quốc gia”

'Nuoc mat' di san

Việc những di sản vật thể, phi vật thể ở nước ta được UNESCO ghi nhận là thành công lớn, tạo nhiều thuận lợi để phát triển du lịch cũng như quảng bá hình ảnh đất nước. Tuy nhiên, nó cũng sẽ động chạm tới quan hệ bảo tồn - phát triển, nhất là chuyện liên quan tới lợi ích từ những hoạt động du lịch. Đây là một nhận thức để chúng ta hội nhập với thế giới, cũng là cơ hội để thay đổi những quan điểm; nếu không, chúng ta sẽ đứng trước những mâu thuẫn. Những mâu thuẫn đó đã nảy sinh trong thực tế, không còn trong lý thuyết nữa.

Tôi không biết mọi người còn nhớ chuyện Khánh Hòa xin rút vịnh Nha Trang khỏi danh sách danh thắng quốc gia không. Rõ ràng, với những ràng buộc như thế, cách khai thác theo phương thức cũ là hết sức xô bồ, tùy tiện, buộc phải thay đổi, dù có thể đụng chạm một nhóm lợi ích nào đó.

Mặt khác, trong quá trình quản lý, chúng ta chưa quan tâm chuyện hài hòa giữa khai thác và bảo tồn, dẫn tới tình trạng xâm phạm di sản một cách vô lý. Ví dụ, chuyện doanh nghiệp xây một chiếc cầu dài hơn 500m, rộng 1,4m, xuyên lõi di sản thế giới Tràng An. Một công trình quy mô rất lớn, hầu như lộ thiên, không ai không thấy. Nhưng chúng ta đã buông lỏng và không loại trừ có sự thông đồng ở đây.

Sự thật như thế nào, phải chờ các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Nhưng dù kết quả thế nào đi nữa, có một sự thật khác đáng bận tâm hơn, khủng khiếp hơn: di sản của chúng ta đã bị xâm hại, khó trở về nguyên trạng. Điều đó làm mất đi hình ảnh Việt Nam, làm mất đi lòng tin của tổ chức vinh danh đối với chúng ta. Nếu một ngày nào đó di sản bị rút khỏi sự vinh danh ấy, đó là nỗi nhục quốc gia.

Tôi cho rằng, đó là những bài học lớn và không nên lặp lại. Muốn vậy, phải xử lý rõ ràng, minh bạch.

Du Nguyên (ghi)

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI