Nước mắt chưa dứt ở vùng bão

04/11/2013 - 15:06

PNO - PN - Chúng tôi mang tiền ủng hộ của Công ty nội thất Nhà Xinh và bạn đọc Báo Phụ Nữ về vùng Gio Linh, Vĩnh Linh của Quảng Trị. Những vườn cao su đổ gục sau bão số 10 vẫn còn đó: khô quắt, xác xơ, mủ đông cứng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nước mắt của chủ nhân những vườn cao su như chực trào khi ai chạm đến gánh nặng họ đang mang. Những người phụ nữ đi nhận quà cứu trợ, cảm ơn không ngớt tấm lòng của bạn đọc dành cho chị em lúc khốn khó. Họ cho biết: “Cuộc sống cả gia đình trông vào đó, nợ ngân hàng cả đống, từ nay con cái ăn học răng đây?”.

Chị Võ Thị Tháo, thôn Đồng, thị xã Trung Sơn, huyện Gio Linh khóc: “Hai đứa con đi học xa, điện về, mẹ khóc con khóc, gia tài cả nhà là 0,5 ha cao su, chừ trắng tay. Con nói thôi thì bỏ học. Không được, cực mấy ba mẹ cũng cố nuôi con. Nhưng chừ lấy chi mà nuôi đây, khi nợ ngân hàng 40 triệu, tiền phục hồi sản xuất không biết mượn mô bởi chị em quanh mình ai cũng rứa”. Chị nói thêm một câu tôi nghe rụng rời: “Bão vào, em lạy trời gió mạnh bay cái nhà cũng được, sau đó che vài miếng tôn để ở, chứ gãy cao su thì chết đứng”. Chị Nguyễn Thị Tích xen vào: “Bữa bão vừa dứt, ra vườn cao su mà như đi đám ma”. Nợ chồng chất, người ít nhất là 40 triệu, cao nhất hơn 100 triệu, toàn vay ngân hàng.

Nuoc mat chua dut o vung bao

Chị Đỗ Thị Lý - PCT Hội LHPN Quảng Trị trao quà Báo Phụ Nữ cho chị em ở Vĩnh Linh

Cao su gãy rạp, bắt đầu khô rút. “Không bán được mô - chị Nguyễn Thị Huyền, thôn Tân Trại Thượng, xã Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Linh nói - họ không thèm mua, mà bán củi cũng lỗ, bởi phải thuê máy cắt rồi quật gốc lên. Nhưng không dọn để làm lại thì răng đây? Rồi tiên mô mà mua phân bón, thuê công. Hai đứa con đi học đại học ở Huế và TP.HCM, mỗi tháng gần 10 triệu, vay đâu bây giờ? Sổ đỏ thì ngân hàng giữ rồi”. Bất lực.

Chị Võ Thị Tháo sụt sùi: “Cao su nhà tui mới trồng, 2ha, nợ ngân hàng 50 triệu. Chừ chúng tôi xin Nhà nước, ngân hàng cho khoanh nợ, giãn nợ để trồng lại”.

Vẫn cố gắng, bởi người dân không biết trồng gì, làm gì ở đất này. Chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN Vĩnh Linh thở dài: “Thiệt hại cao su huyện ni lên tới 2.000 tỷ. Cảm ơn Báo và các nhà hảo tâm đã chia sẻ với bà con, nhưng nói thiệt, khổ kiểu ni không biết kéo dài đến bao giờ mới dứt”. Bà con trồng cao su, hồ tiêu từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam cũng bị thiệt hại nghiêm trọng do bão, đang mong ngóng một chính sách khoan sức dân, gỡ khó cho họ. Đó là chính sách giãn nợ, khoanh nợ, cho vay, hỗ trợ vốn...

Mấy chục năm qua, tại Quảng Trị, xác định trồng cây gì để giảm nghèo vẫn là câu hỏi lớn. Người dân vẫn tiếp tục trồng cao su, dù các chuyên gia đã cảnh báo loại cây công nghiệp này không thích hợp ở miền Trung.

 Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI