Thư ký thông báo đến giờ tòa khai mạc, bà mệt mỏi gượng dậy vẫy tay báo cho đứa cháu cõng vào phòng xử án…
Không đi đứng được nhưng bà Hoa vẫn phải “đáo tụng đình” do bị con khởi kiện
Ai nuôi ông lớn?
Cụ bà tên Trần Thị Hoa (*), 82 tuổi ngồi co rúm trên chiếc ghế dành cho bị đơn. Nguyên đơn là con trai bà, ông Trần Văn Khanh, 49 tuổi. Con kiện mẹ ra tòa để đòi lại căn nhà mà mẹ cùng các cháu vẫn ở lâu nay. Xử sơ thẩm, TAND Q.Bình Tân tuyên ông Khanh thắng. Buộc phải trả lại nhà cho con trai nên cụ bà kháng cáo. Cùng lúc, Viện trưởng Viện KSND Q.Bình Tân ký kháng nghị xem xét kết quả cấp sơ thẩm đã tuyên.
Trong phiên phúc thẩm này, ông Khanh thuê một người đại diện thay mình trình bày sự việc, đồng thời trả lời các câu hỏi của chủ tọa. Tôi để ý, từ đầu đến cuối khi phiên xử diễn ra, câu chữ nào người này thốt ra cũng như cố tình gằn giọng hòng tạo sự quyết liệt, dứt khoát, lấn át. Một tay cầm xấp tài liệu, tay còn lại liên tục chém vào khoảng không, ông lớn tiếng: “Cấp phúc thẩm xử cho y án sơ thẩm. Nhà này là của ông Khanh. Năm 2001, bà Hoa đã bán căn nhà ở Q.10, chia cho các con mỗi người một phần tiền. Ông Khanh mang tiền mình được chia về Q.Bình Tân mua đất cất nhà, nay có địa chỉ ở đường Hồ Văn Long. Cất xong, ông Khanh cho mẹ, chị và các cháu về ở, còn mình ra ngoài thuê trọ cho tiện việc làm ăn. Cũng bởi các chị xúi mẹ bán nhà nên ông mới khởi kiện”.
Thay mặt bà cụ già yếu, người con gái của bà đứng lên phản biện: “Nhà này của mẹ, chỉ ở không bán. Người cứ đòi lấy nhà và đuổi mọi người đi chính là ông Khanh. Nhà có được tất cả do mẹ bỏ tiền. Vì không biết chữ, mọi giấy tờ mua bán, coi ngó xây dựng mẹ giao hết cho Khanh”. Tòa hỏi các giấy tờ liên quan đến căn nhà ai nắm. Người con gái khẳng định: “Tất tần tật mẹ giữ”.
Có lẽ nhận thấy sự “yếu thế” của mình, vị đại diện ông Khanh nhanh nhảu chen ngang: “Do ông Khanh bận đi làm mới đưa mẹ giữ giùm. Đây cũng chính là… sai sót lớn nhất của ông Khanh”. Người này vừa dứt lời, tôi theo phản xạ quay nhìn phía ông Khanh, thấy ông ngồi chân vắt chữ ngũ, đầu gật gật ra chiều tâm đắc. Vị đại diện chưa tha, nhấn mạnh: “Sống chỗ khác nhưng cách vài ba ngày là ông Khanh về cho mẹ tiền tiêu xài”. Tôi ngồi sau lưng, không quan sát được những biểu hiện trên nét mặt cụ bà, song thấy rõ đôi vai bà run lên. Bà nói mà như khóc: “Nó có cho tui đồng nào đâu. Toàn về quậy tui không!”. Chẳng thèm để ý lời mẹ già, ông Khanh đứng lên rành rọt: “Tính ra, tôi không tranh chấp với mẹ mà là với bà chị đây (ông chỉ tay vào người con gái thay mặt bà Hoa - PV). Bả với hai con bả sống cùng mẹ tôi trong căn nhà này. Giờ không đòi, mai mốt mẹ chết, nhà bị họ chiếm sao?”.
Bà Hoa bất ngờ than mệt, xin tòa chút thời gian để người cháu cõng ra sân thoát khỏi bầu không gian ngột ngạt. Lúc bà lụi hụi đứng lên thì chủ tòa chậm rãi: “Ông nhìn mẹ mình đi. Bà tuổi này rồi, ông đòi lại nhà thì mẹ ở đâu? Đạo làm con, thay vì báo hiếu, chăm sóc mẹ già, ông chỉ chăm chăm tranh giành tài sản. Ai cho ông hình hài? Ai nuôi ông khôn lớn? Có người mẹ nào muốn giành giật tài sản với con, bởi nó có bằng những gì bà đã cho ông trong cuộc đời, tình thương, sự chăm sóc”. Phòng xử án bất ngờ lặng đi nhưng nhanh chóng trở lại ồn ào do ông Khanh thể hiện quyết tâm phải lấy nhà, nếu không mai mốt mẹ chết sẽ thuộc về “người ta”.
Ông Trần Văn Khanh bỏ ra ngoài sau phiên xử phúc thẩm
Tựa nước ao bèo
Tòa phúc thẩm cho biết sẽ tạm dừng phiên xử để tiến hành làm rõ một số chi tiết như nguồn gốc đất cùng các giấy tờ liên quan, do căn nhà đến giờ vẫn chưa được hợp thức hóa chủ quyền. Ông Khanh bỏ ra ngồi một góc, không thèm liếc mắt về phía người mẹ già, dù chỉ một lần, huống hồ chạy đến giúp đứa cháu đang loạng choạng cõng bà cụ rời phòng xử ra đến bãi giữ xe giữa nắng trưa. Tôi lao theo, níu chân bà xin một cuộc trò chuyện. Bà khóc, giọng run run, đứt quãng: “Tui đau thắt ruột xé gan”.
Lời mở đầu câu chuyện đưa bà về những tháng ngày bươn chải, khổ sở nuôi các con bằng hàng trăm nghề, từ gánh nước mướn, buôn trái cây, bán đậu hủ, cháo lòng, bánh khọt… Chồng mất năm bà 37 tuổi. Cái nghèo khiến bà lực bất tòng tâm nhìn hai trong số năm đứa con vì đói ăn, bệnh tật mà từ bỏ cõi đời. Nỗi đau trở thành động lực: “Còn mình thằng Khanh là con trai, tui thương nó nhiều hơn tất thảy, cho đi học nghề, làm việc đàng hoàng mà giờ nó quay ra phụ bạc mình”.
Người con gái kể rằng, một bữa ông Khanh hỏi tiền đi làm giấy tờ nhà, lúc về ông hoan hỷ thông báo, chuyến này một là huy hoàng hai là điêu tàn. Hóa ra, ông đang tìm người để bán căn nhà nói trên. Mấy lần thấy người ta đến coi nhà để mua, bà cụ đuổi đi, cho biết nhà này để ở chứ không rao bán. “Từ đó, lâu lâu nó đi nhậu về lớn tiếng dọa nạt, kêu mẹ cho bán nhà khiến mẹ đổ bệnh. Tui ngại tiếng hùa với mẹ nên dọn ra riêng, để mấy đứa nhỏ ở lại chăm sóc bà” - người con gái cho hay. Chị gái đi, ông Khanh đuổi luôn mấy người cháu ra ngoài, nói sẽ thuê người chăm sóc mẹ, còn cho biết chuẩn bị kết hôn với một người rất giàu, mai mốt sửa căn nhà thành ba tầng, giang sơn của mẹ thuộc về… tầng ba! “Chưa gì mà nó định nhốt tui trên cao. May người đàn bà kia thấy nó quá ham chơi, cờ bạc, nhậu nhẹt, nợ nần nên bỏ đi rồi. Vì hết tiền nó mới về giành nhà, đuổi cổ người đã sinh ra nó” - người con gái cố ngăn, nhưng bà cụ vẫn cố sức nói trong tiếng nấc nghẹn ngào.
TUYẾT DÂN
Bản án nào cũng thật đáng tiếc Không vội vàng như ở tòa sơ thẩm, sự cẩn thận, khách quan của cấp phúc thẩm là một tín hiệu đáng mừng, qua vận dụng thấu đáo điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự về đánh giá chứng cứ: Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác; Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định giá trị pháp lý của từng chứng cứ. Để tuyên quyền sở hữu một ngôi nhà, trong trường hợp này căn nhà vẫn chưa được hợp thức hóa chủ quyền, đòi hỏi hội đồng xử án phải xem xét, xác minh nhiều chứng cứ liên quan như: nguồn gốc nhà đất; nguồn tài chính mua đất cất nhà; quá trình sử dụng nhà đất; quá trình kê khai và đóng thuế nhà đất… Đây là một vụ án rất đau lòng bởi các đương sự có mối quan hệ ruột thịt: mẹ - con. Bỏ qua việc ông Khanh đã vi phạm Luật Hôn nhân Gia đình: Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình; nghiêm cấm con có những hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ (điều 35 Luật HNGĐ) thì việc tranh chấp của ông Khanh còn nhiều điều đáng bàn, bởi cho thấy sự xuống cấp của đạo đức con người, phận con cái đối với bậc sinh thành. Cho con một hình hài, nuôi nấng con nên người, không cha mẹ nào không đau đớn thấy con chẳng những không trọn đạo hiếu thuận, còn quay sang đối xử tệ bạc với mình chỉ vì chút tài sản ít ỏi. Nhất là ở cái tuổi của bà Hoa, rất cần sự chăm sóc, hỏi han, cái tình của con. Mong rằng, bản án của cấp phúc thẩm tới đây thể hiện được sự sáng suốt, khách quan hòng trả lại sự công bằng cho các đương sự. Tuy nhiên, với riêng tôi, bản án thắng hay thua vẫn là điều đáng tiếc bởi tình mẹ con vốn dĩ đã không còn. Nguyên đơn thắng thì người mẹ sẽ ra sao, ở đâu, còn nếu bị đơn thắng, liệu bà cụ có bớt đau buồn với người con đã cạn tình này? Luật sư Nguyễn Định Tường |