Kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7

Nước mắt chảy ngược lặng nhìn chồng ra pháp trường

27/07/2024 - 06:15

PNO - Anh Trần Văn Đang bị bắt khi đặt 10 ký thuốc nổ áp sát tường Câu lạc bộ Sĩ quan, bà Tô Thị Hai trở thành vợ liệt sĩ. Cháu ngoại của bà nói: “Đời bà đã quá đau đớn, hẩm hiu, hết tiễn chồng rồi tiễn con..."

“Đả đảo đế quốc Mỹ”, “Hồ Chí Minh muôn năm”, tiếng hô hào hùng, dõng dạc bỗng ngưng bặt nửa chừng vì phát súng nổ sớm hơn dự kiến. Tại “pháp trường cát” cạnh trụ sở Hỏa xa, bùng binh chợ Bến Thành, Sài Gòn (quận 1, TPHCM ngày nay), anh Trần Văn Đang gục xuống. Lẫn trong dòng người có mặt rạng sáng 22/6/1965 đó, có một phụ nữ tuổi đôi mươi đứng nhìn từ phía xa xa, đôi hàm răng cắn chặt, 10 ngón tay bấu vào nhau, lạnh toát. Chị là Tô Thị Hai - vợ của người vừa ngã xuống.

Được phát bánh bao trên xe, bà Tô Thị Hai không ăn, để dành thắp hương cho ông tại nghĩa trang liệt sĩ TPHCM (TP Thủ Đức) - Ảnh: Quang Tuấn, chụp sáng 19/7/2024
Được phát bánh bao trên xe, bà Tô Thị Hai không ăn, để dành thắp hương cho ông tại nghĩa trang liệt sĩ TPHCM (TP Thủ Đức) - Ảnh: Quang Tuấn, chụp sáng 19/7/2024

Người anh hùng “đẹp mãi tuổi đôi mươi”

Ngày 20/3/1965, anh Trần Văn Đang bị bắt khi đang đặt 10 ký thuốc nổ áp sát tường Câu lạc bộ Sĩ quan ở số 3 Võ Tánh, quận Tân Bình, TP Sài Gòn thời bấy giờ - nơi sĩ quan và phi công Mỹ thường lui tới giải khuây. Kế hoạch bại lộ do chính người cùng chở thuốc nổ đi đánh trận với anh phản bội, nhưng anh và đơn vị Biệt động Sài Gòn không hay biết.

Khi tình hình tạm lắng, chị Tô Thị Hai xin làm công nhân quay ống chỉ tại hãng Sicovina ở kho 11, Tân Thuận (gần cầu Khánh Hội, quận 4) để thăm dò, nghe ngóng tin chồng (nơi đây cũng là cơ sở cách mạng). Chị tìm cách làm quen những người phu trong trại giam Chí Hòa để nắm được giờ giấc khu tử tù. Một lần giả trang thành phu cắt cỏ, chị trà trộn cùng những người phu vào trại và đã nhìn thấy chồng. Vợ chồng đứng cách nhau chỉ 5 - 7m mà như ngàn trùng xa…

Cuộc hội ngộ không có nước mắt, nụ cười, cũng không có vòng tay ôm. Trong vài phút gặp gỡ ấy, chị kịp nhìn thấy những vết bầm tím khắp người anh, nhưng ánh mắt anh vẫn rạng ngời khí phách. Ánh mắt như truyền cho chị ngọn lửa rực đỏ của tình yêu nước. Khoảng nửa tháng sau khi gặp anh ở trại giam, chị nghe loa phát hung tin sáng mai địch đưa anh ra Bến Thành xử bắn.

Ở cây cột định mệnh, anh Đang mặc chiếc áo sơ mi sáng màu và chị nhận ra ngay đó là chiếc áo chị mua cho chồng. Trước phút hành quyết, anh vẫn điềm nhiên uống trà, chải tóc, hút thuốc... Anh từ chối bữa cơm cuối cùng, không chịu bịt mắt “để được nhìn đồng bào tôi”.

Dòng ký ức dào dạt của bà Tô Thị Hai (sinh năm 1941) ngắt ngang bởi câu hỏi của cháu ngoại, anh Lê Quang Tuấn: “Bà ngoại thấy ông ngoại có đẹp trai không?”. Bà trả lời liền: “Đẹp chứ sao hông!”. Cháu dí dỏm hỏi tiếp: “Còn bà ngoại hồi trẻ cũng đẹp lắm hả?”. Bà cười: “Bà ngoại thì chỉ vầy thôi còn ổng đẹp”. Trong ký ức bà, ông luôn đẹp mãi ở tuổi đôi mươi...

Trên chuyến xe lam từ Sài Gòn về quê Củ Chi đầu thập niên 1960, chị Hai với giỏ xách và nón lá đã gặp anh Đang trong tình huống đặc biệt. Khi người đi cùng phả khói thuốc lá khiến chị Hai và mọi người trên xe khó chịu, anh Đang đã thẳng thắn đề nghị người kia dập thuốc vì trên xe có phụ nữ, trẻ em.

Thời gian ngắn sau đó, một tiệm sửa xe hơi chuyển về chợ Gò Vấp, đối diện cửa hàng gạo của người cậu ruột mà chị Hai thường lui tới. Người thợ sửa xe trong tiệm chính là anh Đang. Biết gia đình chị Hai có truyền thống cách mạng, đặc biệt cậu Ba của chị Hai là đồng chí Tô Ký với cái tên gắn liền những chiến công hiển hách (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Thiếu tướng Tô Ký), anh Đang càng mến thương, cảm kích.

Mong ước một căn nhà, dù lớn dù nhỏ cũng vui

Ở tuổi 83, tâm trí lẫn lộn, chợt nhớ chợt quên, bà Tô Thị Hai vẫn in đậm ký ức tháng ngày ngắn ngủi được sống bên chồng. Nhớ lần theo ông về Vĩnh Long ra mắt mẹ chồng, bà cùng cả nhà lội ruộng cắt lúa và bị đỉa bám. Nhớ lần đơn vị ông ở Củ Chi tổ chức đám cưới tập thể, do hầm chật hẹp, thủ trưởng phải lần lượt tuyên bố hết cặp này đến cặp khác. Các cô dâu đều đơn sơ trong chiếc áo bà ba, tiệc cưới chỉ có cháo gà, khoai mì nhưng rất vui.

Bà Hai mường tượng: “Ổng hiền lắm, chậm rãi, ăn uống đơn giản, thường chỉ thích cắn dưa leo ăn không với cơm. Vợ chồng chưa kịp cãi nhau chuyện gì. Ổng đi hoạt động suốt, mỗi lần ổng về thăm nhà, tui mừng lắm, mừng vì vợ chồng gặp nhau, mà hơn hết là thấy ổng còn sống”.

Bà thú thật, lúc mới quen ông, biết ông là “Việt cộng”, bà cũng lo cảnh ông bị bắt bớ, tù đày. Nhưng tình yêu cách mạng rực lửa ở ông đã truyền sang cho bà cũng như bao người khác để về sau bà hăng hái tham gia cách mạng, trở thành một nữ quân báo. Khi về làm công tác thương binh xã hội ở UBND quận Phú Nhuận, bà kiên cường lăn lộn ngày đêm trên nhiều mặt trận: tham gia đấu tranh với tệ nạn ma túy, mại dâm, chăm lo cho các đối tượng xã hội…

Con trai của ông bà tên Trần Đạt Khanh (sinh năm 1962) không may bị tai nạn phải cưa chân 3 lần; sau đó đột tử ở tuổi 29. Con gái là Trần Thị Kim Chi (sinh năm 1964) đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc, năm 1992 quay về nước làm thủ tục ly hôn rồi bặt tin đến ngày nay. Bà Tô Thị Hai vừa công tác, vừa bán thuốc lá, cà phê nuôi cháu ngoại Lê Quang Tuấn ăn học. Trên chiếc xe đạp có cột cái gối ở ghi đông, bà đèo cháu trên từng cây số.

Bà Tô Thị Hai cùng cháu ngoại Lê Quang Tuấn bên những hình ảnh, tư liệu lịch sử về cuộc đời hoạt động của ông bà
Bà Tô Thị Hai cùng cháu ngoại Lê Quang Tuấn bên những hình ảnh, tư liệu lịch sử về cuộc đời hoạt động của ông bà

Hiện bà cháu sống đời đạm bạc bên nhau trong căn nhà của vợ chồng ông Trần Vũ Bình (con trai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai vang danh của Biệt động Sài Gòn). Với sự cưu mang, giúp đỡ của ông Bình, anh Tuấn hiện có công việc ổn định. Sau những biến cố gia đình, căn nhà bà Hai mua ở quận Phú Nhuận đã không còn giữ được. Mấy lần hỏi về ước nguyện ở tuổi xế chiều, bà đều chia sẻ: “Mong có cái nhà, lớn nhỏ gì bà cháu hủ hỉ cũng vui”.

Có khi nhớ nhà cũ quá, bà từ quận 1 lần tìm về quận Phú Nhuận, xin chủ mới cho vào nhà ngủ 1 đêm. Rồi có khi bà đi đâu mất biệt, gọi điện không bắt máy. Đến tối bà mới nghe điện thoại rồi khoe bà vừa được… mổ mắt từ thiện.

Anh Tuấn nghẹn lời: “Đời bà đã quá đau đớn, hẩm hiu, hết tiễn chồng rồi tiễn con. Dù bà không nói, nhưng tôi biết tâm nguyện cuối đời của bà là được thấy mẹ tôi quay về”. Anh Tuấn cho biết bà rất hay kể chuyện ngày xưa. Sau khi ông hy sinh, bà được tổ chức sắp xếp đưa ra Bắc tập kết.

Vì quá thương con, không thể gửi con lại miền Nam, nhưng nếu đưa đi theo thì lại sợ tiếng khóc trẻ thơ vô tình làm lộ nơi ẩn nấp của cả đoàn, bà đã chọn ở lại, dành trọn cuộc đời lo cho con cháu.

Trần Văn Đang - tuổi 23 và cuộc đời bất tử

- Anh Trần Văn Đang - sinh năm 1942, trong gia đình nông dân tại Long Hồ, Vĩnh Long. Anh mồ côi cha từ nhỏ.

- Lớn lên, anh theo người chú ruột lên Sài Gòn làm nghề phụ xe, học thợ máy, thợ điện, làm công tại tiệm, sau đó đi sửa chữa dạo, sạc bình ắc quy. Năm 18 tuổi, anh tham gia Biệt động thành.

- Ngày 20/3/1965, anh bị địch bắt khi chuẩn bị đánh mìn ở Câu lạc bộ Sĩ quan. Khi đó anh đang giữ chức vụ Trung đội phó Đội 67 Biệt động Sài Gòn (đơn vị Bảo đảm chiến đấu A20-A30 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2022). Bị tra tấn dã man, anh vẫn không khai báo.

- Ngày 9/4/1965, phiên tòa đặc biệt được mở để xét xử anh Trần Văn Đang. Anh từ chối luật sư biện hộ và bị kết án tử hình.

- Trong thư gửi thế hệ trẻ vào tháng 10/1966, Bác Hồ tuyên dương, động viên thanh niên cả nước học tập gương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và Trần
Văn Đang.

- Ngày 6/11/1978, Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Trần Văn Đang, Huân chương Thành Đồng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Ba

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI