Nước mắm độ đạm cao nhiễm thạch tín: Chuyên gia lên tiếng!

18/10/2016 - 11:30

PNO - Nếu đúng như kết luận trên thì khả năng biển tại các tỉnh, thành ven biển nước ta bị ô nhiễm môi trường rất cao. Để kiểm chứng việc này thì phải tiến hành làm các xét nghiệm”, PGS.TS Thịnh nhìn nhận.

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát 150 mẫu nước mắm được sản xuất từ các cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh, thành trên toàn quốc. Các sản phẩm trên được mua trực tiếp từ đại lý phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ bán lẻ và cửa hàng bán sản phẩm đặc sản.

Kết quả thử nghiệm Arsen tổng cho thấy, có đến 101/150 mẫu nước mắm được khảo sát có hàm lượng thạch tín cao quá mức cho phép. Đáng chú ý, 95,65 % nước mắm độ đạm cao thì chứa thạch tín càng nhiều gây hoang mang dư luận.

Đánh giá đã thực sự chính xác?

Trước thông tin trên, trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, cá nhân ông chưa thật sự tin tưởng vào những kết luận mới được đưa ra.

Nuoc mam do dam cao nhiem thach tin: Chuyen gia len tieng!
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo PGS.TS Thịnh để có kết quả khảo sát các mẫu nước mắm được chính xác thì cần phải làm nhiều lần, nhiều vị trí khác nhau, đặc biệt nhiều cơ quan phân tích khác nhau cùng làm các thí nghiệm. Nếu chỉ tiến hành một lần rồi đưa ra các con số trên thì chưa thể chính xác được.

"Thạch tín là chất rất độc và luôn bị nghiêm cấm đối với bất cứ sản phẩm nào. Tôi nghĩ rằng con số đó không đủ tin cậy. Phía nhà sản xuất thì khẳng định làm đúng quy trình, còn kết quả phân tích thì ngược lại.

Vậy ở đây ai đúng ai sai? Tôi nghĩ cần xem xét và đánh giá thận trọng. Nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất nước mắm cũng như ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam", PGS.TS Thịnh nói.

Vị chuyên gia cho rằng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cần chịu trách nhiệm về những kết luận mà mình đưa ra. Nếu đúng thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ cũng như tiêu hủy những sản phẩm kém chất nước.

Ngược lại nếu như thông tin đưa ra sai sự thật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì làm ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp sản xuất nước mắm.

3 khả năng nước mắm bị nhiễm thạch tín

Phân tích kỹ hơn về khả năng nước mắm bị nhiễm thạch tín, PGS.TS Thịnh cho rằng có 3 khả năng xảy ra:

Thứ nhất là nước dùng trong quá trình làm nước mắm có thể bị nhiễm arsen. Tức là nguy cơ ô nhiễm nguồn nước rất cao. Để kết luận nước mắm cao đạm chứa thạch tín hay không thì bắt buộc phải xét nghiệm nguồn nước tại nơi sản xuất.

Thứ hai, cá dùng làm nguyên liệu sản xuất nước mắm bị nhiễm arsen. Nguyên liệu chủ yếu ở đây là cá biển. Điều đó có nghĩa là nước biển của chúng ta bị ô nhiễm.

Thứ ba, muối dùng làm nguyên liệu sản xuất nước mắm bị nhiễm arsen. Đồng nghĩa với việc quá trình cô muối bị nhiễm các chất độc hại.

"Như vậy, nếu đúng như kết luận trên thì khả năng biển tại các tỉnh, thành ven biển nước ta bị ô nhiễm môi trường rất cao. Để kiểm chứng việc này thì phải tiến hành làm các xét nghiệm”, PGS.TS Thịnh nhìn nhận.

Đánh giá riêng về nước mắm truyền thống, vị chuyên gia khẳng định, quá trình ủ cá, chờ cá phân hủy để tạo ra sản phẩm nước mắm rất lâu. Tuy nhiên sản phẩm tạo ra được đánh giá cao vì độ đạm, chất lượng nguyên chất.

Vĩnh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI