Đạm càng cao, arsen càng lớn
Hai ngày qua, thông tin nước mắm nhiễm arsen khiến cộng đồng “dậy sóng”. Chị Linh Đa (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) băn khoăn: “Vì nghĩ nước mắm có hàm lượng đạm cao và tạo mùi thơm ngon nên từ khi con gái một tuổi, gia đình đã dùng nước mắm để nêm vào cháo cho cháu ăn. Không biết cho con ăn “chất gây ung thư” như vậy, sau này sức khỏe con thế nào”.
Chị Nguyễn Lan Thương (Q.Hà Đông, Hà Nội) than thở: “Nước mắm là thứ ngày nào tôi cũng dùng, ấy thế mà giờ nghe đài báo đưa tin nước mắm cao đạm có lượng thạch tín cao, sợ quá. Biết chọn loại nước mắm nào đây?”. Trên mạng xã hội, đây cũng là chủ đề thu hút đông đảo người quan tâm. Hầu hết, người tiêu dùng (NTD) đều có chung một tâm lý - đó là sự hoang mang khi không biết lựa chọn loại nước mắm nào an toàn cho sức khỏe gia đình.
Theo thông tin công bố của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi NTD, kết quả khảo sát 150 mẫu nước mắm cho thấy, có tới 125 mẫu không đạt các chỉ tiêu về thành phần hóa học, hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng muối so với tiêu chuẩn hoặc công bố trên nhãn hàng hóa. Cụ thể, 51% mẫu có kết quả chỉ tiêu nitơ toàn phần nhỏ hơn những gì doanh nghiệp công bố trên nhãn hàng hóa; 20% mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ axít amin; 2% mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ ammoniac.
Đặc biệt, có khoảng 67% mẫu có hàm lượng arsen cao, dao động từ 1 - 5mg/l, vượt ngưỡng cho phép theo quy định của Bộ Y tế. Trong khi đó, theo QCVN 8-2:2011/ BYT, hàm lượng arsen cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa chỉ là 1mg/l. Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi NTD còn cho hay, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng.
Minh chứng là có tới 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 trở lên có hàm lượng arsen vượt ngưỡng quy định. “Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện arsen vô cơ, với giới hạn phát hiện là 0,01mg/l”, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi NTD thông tin.
|
Nhiều nước mắn chứa arsen. Ảnh: Internet |
Arsen hữu cơ không hại
Trái với lo lắng của NTD, bà Trần Thị Dung - chuyên gia của Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản cho biết, loại arsen phát hiện trong khảo sát trên gần như vô hại. “Bản chất nước mắm đã chứa hàm lượng arsen hữu cơ cao do tự thân thủy, hải sản có chứa chất này. Tuy nhiên arsen hữu cơ gần như vô hại, tại châu Âu còn cho phép hàm lượng arsen trong nước chấm lên tới 30mg/l”.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) phân tích, arsen tồn tại ở hai dạng hữu cơ và vô cơ. Arsen vô cơ là arsen ở trạng thái nguyên tử hoặc phân tử, chưa kết hợp với chất nào khác, loại này rất độc hại. Loại thứ hai là arsen tham gia quá trình phản ứng hóa học, kết hợp với một chất khác tạo thành hợp chất hữu cơ. Loại arsen hữu cơ này không độc.
“Trong quản lý thực phẩm, cơ quan chức năng chỉ quan tâm đến arsen vô cơ. Trong nước biển luôn có arsen hữu cơ. Cá biển có thể bị nhiễm arsen hữu cơ, nhưng không độc hại. Cá chỉ bị nhiễm arsen vô cơ khi môi trường biển ô nhiễm do các nhà máy thải hóa chất”, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia thủy sản Nguyễn Tử Cương - ủy viên Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, arsen hữu cơ trong các sản phẩm nước mắm không phải vấn đề đáng lo lắng. Từ năm 2012 tới nay, các nước châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đều bỏ chỉ tiêu arsen khi kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thủy sản nói chung, trong đó có mặt hàng nước mắm nhập khẩu. Bộ NN-PTNT cũng đã bỏ chỉ tiêu này khi phân tích thành phần sản phẩm. Theo ông Cương, cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề này, tránh để người dân hoang mang và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất.
Điều đáng nói là không chỉ tới những ngày gần đây, chất lượng của nước mắm là vấn đề được dư luận quan tâm trong suốt một thời gian dài. Những tranh luận như tiêu chuẩn nào để được gọi là nước mắm, có hay không nước mắm siêu độ đạm, tác động của arsen hữu cơ trong nước mắm… đến nay vẫn chưa có câu trả lời thích đáng từ đơn vị quản lý.
Tháng 6/2016, Thanh tra Bộ Y tế cho hay lần đầu tiên trong 10 năm gần đây, cơ quan này sẽ tiến hành thanh tra nước mắm, nước chấm đóng chai do có nhiều phản á nh về tên gọi, nhãn mác, chất lượng, phụ gia sử dụng trong sản phẩm… Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin, đánh giá cụ thể về chất lượng nước mắm trên thị trường.
Báo cáo Thủ tướng kết quả thanh tra nước mắm trước ngày 22/10
Ngày 18/10, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, từ 12/10 đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra thị trường nước mắm tại Hà Nội và TP.HCM.
Trong thời gian tới, đoàn sẽ mở rộng tới một số địa phương khác có truyền thống sản xuất nước mắm như Phú Quốc (Kiên Giang). Mục đích của đợt kiểm tra này là để rà soát lại hồ sơ công bố đối với các sản phẩm nước mắm, quy trình sản xuất, giấy phép lưu hành, lấy mẫu xét nghiệm các loại nước mắm trên thị trường.
Ông Phong khẳng định ở Việt Nam không có khái niệm nước mắm công nghiệp hay thủ công. Tuy nhiên, nước mắm phải đảm bảo các yêu cầu về hàm lượng đạm, axít amin, đúng với hồ sơ công bố. Kết quả thanh tra, theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/10.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, phó giám đốc doanh nghiệp tư nhân chế biến thực phẩm Hạnh Phúc (TP.HCM): Chẳng doanh nghiệp nào bỏ arsen vào nước mắm Cách công bố của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi NTD không rõ ràng, dễ gây hiểu lầm. Chỉ số arsen mà đơn vị này công bố là arsen tổng, trong đó bao gồm arsen hữu cơ và arsen vô cơ. Arsen hữu cơ là hoạt chất tự nhiên sinh ra từ bản thân con cá đem làm mắm hoàn toàn không gây độc đối với người sử dụng. Còn arsen vô cơ gây độc nhưng chẳng có nhà sản xuất nước mắm nào đem arsen cho vào sản phẩm vì chất này không có bất cứ tác dụng nào đối với nước mắm. Doanh nghiệp của tôi không hề biết chuyện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi NTD lấy mẫu nước mắm của mình đem đi kiểm nghiệm. Chỉ khi tổ chức này công bố kết quả và khách hàng của công ty gọi điện phản ánh, thậm chí là đòi trả lại sản phẩm, chúng tôi mới hay. Cách làm này là không rõ ràng, dễ gây hoang mang dư luận và tổn hại đến doanh nghiệp. Chúng tôi đang đợi ý kiến từ Bộ Y tế. Đăng Thư (ghi) |
H.Anh