Sẻ chia khó khăn, cùng nắm tay dìu khúc ruột miền Trung đứng lên sau hoạn nạn, nhiều chuyến xe cứu trợ của các tổ chức, cá nhân… bắt đầu lăn bánh từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Tôi cùng bạn bè cũng gom góp được chuyến hàng trị giá hơn 500 triệu đồng để lên đường. Nơi tôi đến, được xem là vùng đất khó khăn nhất của tỉnh Quảng Bình. Vùng đất mỗi năm có khoảng ba tháng bị nước lũ cô lập. Vùng đất chỉ có hơn 200 gia đình người Rục, một trong số những dân tộc ít người đặc biệt nhất Việt Nam.
|
Đường vào bản Ón |
Ân nhân của người Rục
Từ trung tâm thành phố Đồng Hới, chúng tôi đi thêm khoảng 200km mới tới được Thượng Hóa, xã nghèo của huyện miền núi Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình). Chiếc thuyền gỗ của người dân Thượng Hóa, chở chúng tôi qua một thung lũng mênh mông. Người chèo thuyền chỉ vào cột điện cao thế chìm trong nước và bảo: “Ta đang đi thuyền trên con đường bê tông để vào bản Ón, con đường cả tháng nay đã bị ngập sâu hơn 4m.
Năm nào đến mùa lũ, nước mưa dâng lên, sau đó chẳng biết thoát đi đâu nữa nên người dân phải sống chung với lũ vài tháng một lần. Người già trẻ nhỏ có việc cần rời khỏi bản đều phải sử dụng thuyền bơi qua những con đường bị ngập lụt”.
Theo tìm hiểu, đời sống của 200 hộ dân nơi đây rất khó khăn. Bình thường bà con đói ăn quanh năm vì lạc hậu, thiếu phương tiện sản xuất, không có nhiều đất đai để trồng cây lương thực; nay lại bị nước lũ cô lập hàng tháng trời, càng không thể cấy trồng, không biết làm gì ngoài chờ đợi cứu trợ từ nơi khác. Nhiều nhà đã hết gạo lâu rồi. Cũng may có bộ đội biên phòng luôn sát cánh với dân bản.
|
Người Rục mong có một cây cầu để đi lại thuận tiện hơn |
Bộ đội Biên phòng Cà Sèng đóng quân tại huyện Minh Hóa cũng là những người đã có công “khai sinh” ra dân tộc này. “Chính các anh đã tìm thấy chúng tôi vào cuối năm 1959 nhân một chuyến tuần tra biên giới, khi đó chúng tôi chỉ là một nhóm vài chục người sống trong hang sâu, leo trèo trên vách đá, sinh sống, leo trèo chuyền cành nhanh như sóc. Nhiều ngày tìm cách tiếp cận, bộ đội đã vận động được người Rục rời hang đá để xuống định cư tại ba bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ, thuộc xã Thượng Hóa. Từ đây tộc người Rục được biết đến là em út trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được thế giới liệt kê vào một trong mười tộc người kỳ lạ nhất thế giới”. Anh Cao Xuân Tư, trưởng bản Ón, trầm ngâm nhớ về lịch sử người Rục ở vùng này.
Người Rục ở hang đá, sống dưới những vòm đá, mái đá lèn chảy ra những dòng nước trong suốt gọi là nước Rục. Khi được tìm thấy, người ta lấy luôn cái tên đặc trưng ấy để đặt cho tộc người này. Trước khi rời hang đá, người Rục vốn sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Họ quen leo trèo trên các triền núi cao để săn bắn, hái lượm. Dù đã có nhiều năm xa rời cuộc sống trong hang đá, nhưng đến nay, nhiều người Rục vẫn giữ thói quen gắn bó mật thiết với cuộc sống hoang sơ, tự nhiên. Vì thế, thi thoảng, dân bản lại phải đốt đuốc đi tìm những người già mải mê đi rẫy mà… quên về nhà.
Khó khăn chồng chất
Theo anh Cao Xuân Tư, đời sống người Rục ở bản Ón mãi không thể “khá” lên được vì thiếu đất sản xuất và hôn nhân cận huyết. Nhiều năm trước đây có những trường hợp, cậu và cháu ruột lấy nhau. Đám cưới diễn ra, đại diện họ nhà trai sang nhà gái, rước cháu ngoại về làm dâu. Việc bố đẻ và con gái ruột bỗng dưng trở thành thông gia của nhau là chuyện hết sức bình thường.
|
Để vào nơi sinh sống của hơn 200 hộ dân người Rục, phải đi thuyền vào |
“Khi còn ở trong hang đá, người Rục không có khái niệm thế nào là hôn nhân cận huyết. Nhưng ngày nay, mọi việc đã dần thay đổi. Là trưởng bản, tôi cũng hiểu điều đó nên đã nói với bà con rằng, “không kết hôn với người cận huyết thì mới bảo vệ được người Rục trước sự tồn vong”, trưởng bản Ón nói.
Mặc dù nơi định cư của bà con là vùng đất cao nhưng tuyến đường độc đạo đến nơi ở của đồng bào Rục rất thấp nên chỉ cần một trận mưa lớn là ngập sâu. Đợt mưa lũ đầu tháng Chín, tuyến đường đến ba bản của người Rục ngập hơn 5m, giao thông bị chia cắt thường xuyên.
Anh Cao Văn Hiến, trưởng bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, thở phào cũng may, đợt này không ai thiệt mạng. Trước khi mưa lũ chia cắt, chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đã vào tận bản để tuyên truyền, đưa bà con đến nơi an toàn, tài sản trong nhà đã chất lên cao. Bộ đội biên phòng và công an xã, giúp dân kê lại đồ đạc khi mưa lũ.
Anh Hiến giọng đầy hàm ơn: “Dân bản Mò O Ồ Ồ yêu quý các cán bộ nhiều lắm. Người dân đi làm nương, lũ tới nhanh, chưa thấy dân về là bộ đội cầm đèn pin đi tìm suốt đêm để đưa dân trở về bản. Lũ về, bộ đội chia từng gói mì, cân gạo, còn đi thuyền đến từng nhà để đưa thực phẩm tiếp tế. Không có bộ đội thì chúng tôi chẳng biết phải sống thế nào?”.
Cao Văn Linh ở bản Ón là một người Rục cực kỳ thân thiện. Thấy thuyền cập bến, Linh tấp tểnh lội xuống nước, kéo chúng tôi lên bờ. Một tay khuân gạo, tay kia giơ lên ngang mặt tôi giải thích: “Em chỉ có một tay để làm việc thôi. Tay còn lại bị liệt mất rồi”.
Cách đây ba năm, Linh theo người già trong bản vào rừng kiếm thức ăn. Vì leo vách núi không giỏi bằng người già, Linh bị ngã xuống vách đá tưởng chết. May mắn là người ta tìm thấy Linh nằm thoi thóp dưới vách núi, bèn cõng về, đưa đi cấp cứu. Nhìn Linh, anh Cao Xuân Tư bảo “tội lắm cô ơi!”. Sau khi về bản, chân tập tễnh, một tay hỏng hẳn, não đập xuống đá nên để lại di chứng nặng nề. Thi thoảng đang bình thường lại lăn đùng ra ngất, chả biết gì. Vợ Linh thấy vậy bèn bỏ đi lấy chồng bản khác. Mình Linh nuôi con, chẳng có sức đi kiếm ăn… nên đứa trẻ là con của cả bản này.
|
Hằng năm, có khoảng 2-3 tháng, người Rục sống trong cảnh nước "bao vây" |
Chẳng khá hơn Cao Văn Linh, ông Cao Văn Đăm ở bản Ón, tính đến nay gần 60 tuổi vẫn phải một mình nuôi cậu con trai mù lòa. Cha con ông Đăm sống trong ngôi nhà hơn chục mét vuông tăm tối. Trong nhà, không có bất cứ tài sản nào đáng giá, góc bếp có vài chiếc xoong nhôm cũ mèm đã bị mất quai. Vợ ông Đăm mất sớm, ông ở vậy nuôi con với một nỗi lo khổng lồ: “Nay mai tôi mà chết thì không biết hắn (con trai ông Đăm) sống nổi một mình hay không?”.
Khi hỏi ước mơ của ông là gì, ông trả lời ngay: “Tôi chẳng ước gì nhiều hơn một con bò”. Nói đoạn, ông nhìn ra khoảng không trước nhà, nơi có bãi cỏ xanh rì. Giải thích cái lơ đãng đó, anh Tư kể cho chúng tôi nghe, con bò với người Rục là tài sản quý giá. Mơ đến đủ ăn còn khó, mơ như ông Đăm là giấc mơ hoang đường của nhiều người dân nơi này.
Hiện, cả ba bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ có 209 hộ. Trong đó, 80% là hộ nghèo và cận nghèo. Trước đây, theo Quyết định 30A của Thủ tướng Chính phủ trong vòng bảy năm, từ 2009 đến 2016, bà con được nhận gạo hỗ trợ từ Chính phủ. Từ 2016 đến nay, các bản này tiếp tục nhận được hỗ trợ giai đoạn 2 của Chương trình 30A và 135, hỗ trợ cây con, giống để sản xuất bền vững.
Song, do đặc điểm trũng thấp, hằng năm ngập lụt, điều kiện canh tác rất khó khăn, hạn chế. Bà con ở đây chủ yếu dùng sản phẩm phụ từ trồng rừng. Theo ông Đinh Thanh Văn, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa, chỉ riêng bản Mò O Ồ Ồ, được bộ đội biên phòng hỗ trợ sản xuất lúa nước Rục Làn nên tạm ổn. Còn hai bản Ón và Yên Hợp, việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước lũ nên rất khó khăn. Diện tích sản xuất tại bản Ón đang bị ngập khoảng 60%. Có những hộ khó khăn, việc thiếu ăn kéo dài triền miên.
Đặc điểm truyền thống và tập quán sản xuất lâu đời chi phối nên bà con người Rục không di dời đến vùng không ngập lụt. Họ mong muốn có một chiếc cầu ở bến đò sát bản để đi lại thuận tiện hơn. Nhưng hiện tại, quãng đường ngập quá sâu nên không thể làm cầu, chỉ có thể đắp cao mặt đường lên chừng 5-6m. Để giải quyết triệt để, nghĩa là xây một cái cầu như mơ ước, lại nằm ngoài khả năng của người Rục vì rất tốn kém.
Chi Mai