Nước Kiến Giang dâng cao, lòng người con gái lấy chồng xa cuồn cuộn

19/10/2020 - 19:34

PNO - Ở những vùng cao ráo, người ta vẫn bán hoa và quà cho Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, nhưng lúc này ở rốn lũ, các mẹ, các chị gái đang quay cuồng trong đói khát và kiệt quệ.

“Em ơi, cha mẹ chị nguy rồi" nhìn chị khóc, tôi đứng im bất lực. Chiều nay chị mới kể cho tôi việc cha mình kê cao giường tủ, mẹ thì vắt cơm nắm để dự phòng nước lên. Vậy mà cách 2 giờ đồng hồ sau: “Nước lên cao quá rồi, nhắn được ai cứu mạ mi với. Mạ lên cơn hen, bọ đang trên nóc nhà chờ  người đi qua”(người Quảng Bình gọi cha bằng “bọ”, mẹ bằng “mạ”).

Cách nhà mẹ đẻ hơn 200 cây số, chị chỉ biết cầu trời. Phong Điền quê chồng, nơi chị làm dâu, nước trong nhà cũng quá đầu gối. 2 đứa con chị la oai oái ngán ngẩm ngồi trên chiếc giường kê cao nhưng vẫn nơm nớp rơi xuống nước. 5 tạ lúa thu hoạch vụ thu hè chưa kịp cất giờ ướt sũng mốc meo. Lợn, gà treo lên cao kêu oang oác vì đói, người còn chưa nấu được cơm mà ăn thì lấy đâu ra rau cám cho vật nuôi.

Những tấm hình ám ảnh của mùa lũ năm nay có khuôn mặt mẹ già
Giá mà con gái được ở bên cha mẹ những lúc thế này. Ảnh: Facebook

Nhưng tâm trí chị bây giờ không phải ở nhà mình, mà ruột gan dồn về Quảng Ninh, Lệ Thủy - nơi mẹ cha, chị gái cùng bà con đang cầu cứu. Trước đây 1 tuần, mẹ chị còn gửi thức ăn vào cứu trợ cho con gái, giờ thì con gái ở Huế lực bất tòng tâm ngóng Quảng Bình, lòng cuộn sóng khi nghe tin nước mỗi lúc một lên cao.

Bệnh hen suyễn đã sống chung với mẹ chị 50 năm nay, cha chị là trụ cột chính trong gia đình. Ông hiền lành nhưng có phần gia trưởng nên bà gần như lép vế trong nhà. Việc cha "đọc lệnh" cho mẹ đi sơ tán bên hàng xóm có nhà cao hơn, là một quyết định sáng suốt. Lý do cha chị chưa chịu đi là phải cất gọn di ảnh của ông bà tổ tiên. Ông là tộc trưởng nên việc thờ tự cúng cấp trở thành nhiệm vụ tối thượng hàng đầu. Mẹ chị nấu ăn ngon như ngày nay là do cha chị “gò” nấu ăn từ khi cưới nhau về.

Nghĩ tới cảnh cha già 75 tuổi đang trông từng chiếc ghe chiếc xuồng đi ngang qua, không phải để cứu mình mà để đưa vợ lên trạm y tế xã, chị lại sốt ruột. Điện thoại không liên lạc được, số máy của chị gái đang “thuê bao”, gọi số máy của  những người xung quanh thì mạng yếu nghe câu được câu mất. Chị bấm một loạt tin nhắn để điện thoại ai còn pin và mở máy ra thì biết để cứu cha mẹ.

Những hình ảnh xót lòng người xem
Những hình ảnh xót lòng người xem. Ảnh: Facebook

Xem trên mạng, thấy nước vào nhà dân cao 2 mét, tạo thành sóng lớn, người dân nhấp nhô bám vào cửa sổ, chị ước gì có được một phép màu, nhưng những tiếng tút dài đang rơi vào im lặng. Chị ước giá mà được bên cha mẹ lúc này.

Nhà có 3 chị em gái, chỉ có chị cả lấy chồng trong huyện, còn 2 người nữa lấy chồng xa. Ngày ấy, cha chị một mực cấm con gái lấy chồng ngoại tỉnh, nhưng rồi chính ông cũng phải gật đầu vì quyết tâm của các con. “Tụi con lớn rồi, xin bọ mạ cho chúng con được quyết định lấy hạnh phúc. Sướng con hưởng, khổ con chịu”. Vậy mà giờ đây, khi con cái đã lớn, 2 chị em vẫn chưa thoát được sự cưu mang của cha mẹ già.

Em gái út lấy chồng tận Bình Dương, đường con cái gian nan nên tiền lương công nhân không đủ tiền thuốc thang chạy chữa. Chị thì lấy anh họ tôi, nhưng gánh nặng nhà nội lại quá lớn, khi em trai chồng bị bệnh, vợ chồng chị phải cưu mang, trong khi thằng con lớn bị hẹp van tim, nhập viện như cơm bữa. Dù chị chẳng dám than van với ai, nhưng nhìn gia cảnh con gái, cha mẹ chị nào có thể làm ngơ.

Tin tức cha mẹ chờ mãi thẳng thấy đâu, trong khi trên Facebook đâu đó lại vang lên tiếng kêu cứu. Đọc tin chung với chị, tôi cám cảnh, nặng lòng.

Có những nóc nhà chỉ toàn phụ nữ và trẻ em
Có những nóc nhà chỉ toàn phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Facebook

Ngoài đường, ở những vùng cao ráo, người ta vẫn bán hoa và quà cho Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, nhưng lúc này ở vùng rốn lũ, mẹ và chị gái của chị dâu tôi, cùng bao người đang quay cuồng trong đói khát và kiệt quệ. Điều họ cần lúc này chỉ là mạng sống, miếng ăn, chỗ ngủ được khô ráo, không ai nhớ tới một sự xa xỉ nào khác.

Mực nước dòng Kiến Giang vẫn đang lên, lòng người con gái lấy chồng xa cũng đang cuồn cuộn. Mẹ chị đã có ai giúp chưa, cha chị có còn ôm nóc nhà, bà con xung quanh có kịp lánh nạn gác tài sản lên được không? Từ tâm lũ Phong Điền và nhiều phương trời, có biết bao người con đang hướng về cha mẹ với nỗi lòng quặn thắt. Chỉ chờ đợi phép màu....

Lâm Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI