Nước giàu “thoát ra” khỏi đại dịch, nước nghèo lại “chìm sâu”

05/06/2021 - 15:07

PNO - Malaysia đang có số người chết và ca nhiễm kỷ lục, bệnh nhân COVID-19 đang tràn ra hành lang tại các bệnh viện ở Argentina, Nepal thì có đến 40% dân số dương tính… Khắp châu Á và Nam Mỹ, các ca nhiễm tăng lên mức kỷ lục - đối lập hoàn toàn với sự lạc quan ở Mỹ, Anh, các nước châu Âu khi mùa hè bắt đầu.

Kẻ dùng không hết, người tìm không ra

Bước vào gần cuối năm thứ hai của đại dịch, sự xuất hiện của các biến thể và khoảng cách toàn cầu trong việc tiếp cận vắc xin đã khiến nhiều nơi trên thế giới rơi vào giai đoạn khủng hoảng. Argentina, Malaysia, Nam Phi và nhiều nước khác đã thiết lập lại các cuộc phong tỏa. Thái Lan, Singapore và Đài Loan, những quốc gia, lãnh thổ đã kiểm soát virus trong phần lớn năm 2020, đã đóng cửa các trường học và nhà hàng trước những làn sóng mới. Trong tháng qua, làn sóng thứ hai thảm khốc ở Ấn Độ đã giết chết trung bình hơn 3.000 người mỗi ngày...

Người thân của một bệnh nhân chết vì COVID-19 cầu nguyện tại nhà xác bệnh viện ở Kuala Lumpur, Malaysia, vào cuối tháng Năm
Người thân của một bệnh nhân chết vì COVID-19 cầu nguyện tại nhà xác bệnh viện ở Kuala Lumpur, Malaysia, vào cuối tháng Năm

Có nhiều lý do cho đợt tăng số lượng ca nhiễm khác nhau giữa các quốc gia, nhưng nó có cùng phản ánh là sự mất cân bằng về kinh tế - xã hội.

Ông Claire Standley, giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học y tế toàn cầu và An ninh, Đại học Georgetown (Mỹ), cho biết: “Trên toàn cầu, số trường hợp nhiễm mới đã giảm so với mức cao nhất là hơn 800.000 ca mỗi ngày vào cuối tháng Tư (hiện tại là hơn nửa triệu người). Tuy nhiên, nhiều nước đã giữ cho các ca bệnh ở mức thấp trong hơn một năm như Úc và Singapore lại đang chứng kiến những ổ dịch nhỏ khiến họ đóng cửa một phần đất nước và trì hoãn kế hoạch mở lại biên giới”.

Theo các chuyên gia, cách duy nhất để ngăn chặn sự gia tăng như vậy là tăng nhanh lượng tiêm chủng, mà Mỹ và châu Âu vốn đã tăng tốc từ lâu trong khi phần còn lại của thế giới tụt lại phía sau. Theo dữ liệu của New York Time, ở Bắc Mỹ, cứ 100 người thì có 60 liều vắc xin được tiêm, so với 27 ở Nam Mỹ và 21 ở châu Á. Ở châu Phi, tỷ lệ là hai liều trên 100 người. 

Rút ngắn khoảng cách với quốc gia dễ bị tổn thương

Thực tế ở các nước, áp đặt các biện pháp phong tỏa chỉ làm giảm sự lây lan của virus chứ không thể chấm dứt virus. Theo nhiều nhà khoa học, việc đóng cửa biên giới còn có thể làm xuất hiện các biến thể mới có khả năng kháng vắc xin cao hơn. Matthew Richmond, nhà xã hội học tại Trường Kinh tế London, cho biết, khi những đợt bùng phát mới xuất hiện, việc nhiều khu vực thiếu đầu tư vào chăm sóc y tế đã khiến các hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ và quá trình triển khai vắc xin bị trì hoãn chính là nguyên nhân của bùng phát virus mới

Đứng trước sự cấp bách này, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do Nhật Bản cùng Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) tổ chức, các quốc gia giàu có đã đồng ý tài trợ 2,4 tỷ USD để giúp các nước nghèo tiếp cận sâu rộng hơn với nguồn cung vắc xin COVID-19. Số tiền này sẽ cho phép COVAX đảm bảo 1,8 tỷ liều vắc-xin phân phối đến các quốc gia có thu nhập thấp từ đây đến năm 2022.  

Jose Manuel Barroso, Chủ tịch GAVI, nói đây là bước tiến lớn để hướng tới một thế giới được bảo vệ. Ông cho biết, các quỹ mới đã nâng tổng số tiền tài trợ cho chương trình COVAX lên 9,6 tỷ USD. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga gọi kết quả này là “một bước tiến cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa” đối với việc tiếp cận vắcxin công bằng. Nhật đã đóng góp 800 triệu USD cho chương trình COVAX.

Trong khi đó, Mỹ cho biết sẽ cung cấp cho thế giới 80 triệu liều vắc xin trong nay mai và số vắc xin này sẽ được phân phối công bằng, căn cứ theo khoa học và phối hợp với COVAX. “Trong vài ngày nữa, Tổng thống Joe Biden sẽ thông báo chi tiết về kế hoạch phối hợp để cung cấp cho thế giới 80 triệu liều vắc xin Mỹ đang có sẵn hoặc sẽ sớm có”, Ngoại trưởng Blinken cho biết.

Tính đến nay, COVAX đã phân phối 77 triệu liều vắc xin cho 127 quốc gia kể từ tháng Hai. Tuy nhiên, chương trình gặp khó khăn về nguồn cung khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu vắcxin trong bối cảnh nước này đang trải qua đợt bùng phát dịch lớn. 

Trọng Trí (theo Reuters, MSN)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI