Nước, đá tinh khiết: Công nghệ cao, vệ sinh... thấp

09/06/2013 - 07:38

PNO - PN - Mặc dù đầu tư số tiền không nhỏ vào hệ thống máy móc công nghệ cao, khép kín, tuy nhiên nhiều cơ sở sản xuất đá viên tinh khiết, nước tinh khiết đóng chai… hiện nay lại bỏ ngỏ khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm. Sự cẩu thả...

Nuoc, da tinh khiet: Cong nghe cao, ve sinh... thap

Các công đoạn đóng gói, bốc xếp đá đều được làm bằng tay trần

Sáng ngày 6/6, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của TP. Hà Nội, do ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội dẫn đầu đã có buổi kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất đá viên tinh khiết Ngọc Hường tại số 85 đường Trung Văn, xã Trung Văn, Từ Liêm (Hà Nội). Không khó để tìm thấy cơ sở này khi cách đó chục mét, người ta đã có thể nghe tiếng máy làm đá kêu ầm ĩ, nước chảy tràn ra khỏi xưởng khiến cả một đoạn đường lớn bị đọng nước bẩn. Mỗi khi có ô tô, xe máy chạy qua, nước lại bắn lên tung tóe. Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài, khi tiến vào bên trong khu vực sản xuất đá, người ta không khỏi “rùng mình” trước sự bừa bộn, thiếu vệ sinh của cơ sở này.

Cơ sở được trang bị máy làm đá có công nghệ hiện đại, tiên tiến với quy trình sản xuất khép kín. Nước sau khi lấy từ giếng khoan được lọc thô rồi tiếp tục chuyển qua máy lọc, sau đó đưa vào làm lạnh và cuối cùng là đóng gói. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là dù đầu tư cả khoản tiền lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng, song cơ sở lại bỏ qua điều kiện quan trọng nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.

Gọi là xưởng song thực chất đây là khu vực sân nằm trước cửa nhà được dựng lên tạm bợ và che vá bằng những tấm lợp. Khu vực tường của kho chứa đá rêu mốc. Cơ sở rộng hơn 40m2 song khắp nơi, từ khu vực để máy lọc, sản xuất tới kho hàng đều lênh láng nước. Tuy chưa đến giờ cao điểm song cứ khoảng năm phút lại có hai-ba chiếc xe máy vào xưởng nhận đá. Để không mất thời gian, những xe hàng này “thản nhiên” phi thẳng vào trong xưởng để bốc đá khiến khắp nơi vương vãi bùn đất. Khu vực giếng khoan, nguồn nước sản xuất đá của cơ sở nằm cách máy làm đá chừng hơn 3m trở thành điểm “tập kết” rác thải của xưởng. Rác bẩn, chậu vỡ được vứt bề bộn trên nền sân rêu mốc, bốc mùi tanh nồng. Quần áo được chăng dây, treo lủng lẳng khắp nơi trong xưởng. Vì vậy mà đoàn kiểm tra vào kiểm tra nguồn nước, máy lọc đều phải cúi người, gạt tay đẩy mớ quần áo hỗn độn mới có thể vào bên trong.

Nuoc, da tinh khiet: Cong nghe cao, ve sinh... thap

Áo quần treo khắp nơi trong khu vực sản xuất

Cơ sở sản xuất nước đá tinh khiết Ngọc Hường đã mở được hơn một năm với bốn nhân công, tuy nhiên, tất cả đều không được trang bị quần áo bảo hộ theo đúng quy định. Quá trình đóng gói, vận chuyển đá đều được làm bằng tay trần. Điều đặc biệt, bao bì đựng đá vứt lung tung, đám dưới sàn nhà, đám trong chậu nước, đám vắt lên bồn xả đá… đều ướt nhẹp. Theo các chuyên gia, đây chính là một trong những điều kiện để các vi sinh vật xâm nhập vào sản phẩm. Viên đá dù được sản xuất bằng nguồn nước tinh khiết đến mấy mà không được bảo quản đúng quy định thì vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe con người. Trong khi đó, nhân viên cơ sở này cho biết, vào mùa cao điểm, cơ sở xuất kho từ 8 - 10 tấn đá mỗi ngày.

Trước tình hình sản xuất đá tinh khiết của cơ sở Ngọc Hường, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành lập biên bản, tạm đình chỉ sản xuất. Ông Nguyễn Khắc Hiền khẳng định: “Cơ sở sản xuất theo quy trình khép kín nhưng vệ sinh khu vực sản xuất không đảm bảo, nước đá làm bẩn khắp khu vực nền nhà, công nhân làm việc không có bảo hộ lao động, quần áo treo bừa bộn…”. Do kiểm tra đột xuất, chủ cơ sở đi vắng, chưa trình được các giấy tờ liên quan nên đoàn kiểm tra mới chỉ ra quyết định tạm đình chỉ để cơ sở khắc phục điều kiện vệ sinh. Trong thời gian tới, nếu không khắc phục được thì sẽ cho ngừng hoạt động.

Theo ông Lê Đức Thọ - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 69 cơ sở sản xuất đá viên tinh khiết và khoảng hơn 370 cơ sở sản xuất nước đóng chai tinh khiết. Con số này hứa hẹn tăng lên hàng năm, đặc biệt vào mùa hè. Trong tuần qua, đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã kiểm tra hai đơn vị sản xuất nước đóng chai tinh khiết tại Cầu Giấy, Hà Nội. Hai cơ sở này đều bị tạm đình chỉ để khắc phục. Điểm chung của các cơ sở sản xuất là dù đầu tư trang thiết bị công nghệ cao song tất cả đều không đảm bảo được điều kiện vệ sinh thực phẩm, nhân công không được huấn luyện qua các khóa an toàn vệ sinh thực phẩm và không có dụng cụ, quần áo bảo hộ cần thiết.

Ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết thêm, vấn đề nước sạch, đá sạch là chủ đề nóng mỗi khi bước vào mùa cao điểm. Vì vậy, trong đợt kiểm tra này, Sở Y tế Hà Nội sẽ xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn không khỏi băn khoăn, liệu rằng khâu kiểm tra, giám sát các cơ sở không đạt chuẩn này có được tiến hành chặt chẽ, hay chỉ một vài ngày sau đó, đâu lại vào đấy? Đó cũng không phải điều khó hiểu, bởi ngay chính tại cơ sở Ngọc Hường, phó chủ tịch xã Trung Văn cho biết, đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của xã vừa kiểm tra cách đây nửa tháng song… không phát hiện những điểm bất thường như hiện tại (?!).

 Huyền Anh

Nuoc, da tinh khiet: Cong nghe cao, ve sinh... thap

Các vật dụng chế biến đá tinh khiết đều rất bẩn

Ở TP.HCM, hiện nay các cơ sở sản xuất đá tinh khiết đạt tiêu chuẩn không nhiều, chủ yếu là các cơ sở sản xuất theo hộ gia đình mọc lên như nấm.

Dạo quanh một số cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành ở Q.Gò Vấp, Bình Thạnh… cho thấy quá trình sản xuất như xử lý nguồn nước, chế biến đá, cho đá vào túi… đều thực hiện theo phương pháp thủ công. Vì sản xuất thủ công nên trung bình cứ ba-bốn tiếng các cơ sở mới sản xuất xong một mẻ đá. Những mẻ đá này sau đó được đem ra đóng gói, hoặc cho vào thùng chuyển thẳng cho khách hàng. Nhiều nơi đá chưa kịp tiêu thụ được chất thành đống bừa bãi trên khay, nền nhà, dùng vải phủ hờ lên trên. Bên cạnh đó, các bộ phận để sản xuất đá tinh khiết cũng không đảm bảo, hầu hết các máy móc, khuôn, dao cắt, máy xay đều có dấu hiệu gỉ sét nhưng không được thay thế và làm sạch. Cụ thể, tại cơ sở sản xuất đá tinh khiết P.16, Q.Gò Vấp, các công đoạn sản xuất đá tinh khiết đều do các nhân viên lao động thực hiện thủ công. Nhân viên cởi trần cầm thau nhựa hứng nước máy và đổ vào khuôn dài. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy nguồn nước sử dụng để sản xuất được chứa trong các thùng, can nằm la liệt trên nền nhà... Ông chủ cơ sở cho biết, đó là nước dự trữ để phòng khi cúp điện không bơm được. Dưới nền đất là các khay đá, dao cắt, xe đẩy, bao bì… để bừa bãi. Lối ra vào nơi sản xuất thì ướp nhẹp, nhân viên đi chân đất ra vào thoải mái tại nơi chế biến và đóng gói đá. Các đống đá tinh khiết được kê trên một miếng ván gỗ, bên trên dùng một miếng vải bạt phủ lên.

Tại cơ sở sản xuất nước đá ở Quốc lộ 13 Q. Bình Thạnh, nhân viên tên M. cho biết: “Mỗi ngày cơ sở sản xuất ít nhất ba tấn đá tinh khiết các loại, lượng đá cung ứng tập trung vào nhà hàng, quán ăn… Những ngày đơn đặt hàng nhiều, thì nhân viên và máy móc hoạt động liên tục mới kịp tiến độ, vì thế các khâu xử lý trong quy trình chế biến không được kỹ càng”. Thực tế không phải vào mùa cơ sở này mới làm kỹ càng mà quy trình đều như nhau, nghĩa là nước hứng từ vòi nước máy (không rõ từ nguồn giếng khoan hay nguồn từ nhà máy nước) không hề đun sôi, bao đựng đá thì đã ngã màu và để ở dưới sàn nhà, chắc chắn khi uống vào sẽ bị nhiễm khuẩn. Mỗi túi đá tinh khiết tại cơ sở có giá bán 7.000đ/túi 5kg, loại đá viên tinh khiết không đóng túi thì bán với giá 3.000 - 4.000đ/kg. Riêng đối với những ngày khan hiếm đá thì có thể tăng lên từ 500 - 1.000đ/kg cho các loại.

Kim Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI