Nước có chính danh - Dân có ngôn thuận

20/07/2016 - 06:06

PNO - Kể từ phán quyết lịch sử ngày 12/7, phía Trung Quốc, ngoài những hành động tiếp tục, gây căng thẳng trên Biển Đông là hầu hết những phát ngôn… tự tuyên bố, tự công bố...

Ngày 18/7/2016, Thông tấn xã Việt Nam tuyên bố bác bỏ nội dung sai sự thật của báo chí Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 14/7/2016 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM).

Trong cuộc gặp người đồng cấp, khi đề cập vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” do hai Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10/2011 nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định lại lập trường của Việt Nam đối với phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Nuoc co chinh danh - Dan co ngon thuan
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 14/7/2016 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM)

Thế nhưng, thái độ thẳng thắn và thông điệp rõ ràng của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã bị nhiều cơ quan báo chí chính thống Trung Quốc xuyên tạc thành “Việt Nam tôn trọng lập trường của Trung Quốc về vụ kiện trọng tài Biển Đông”, “Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán song phương về vấn đề biển và quản lý đúng đắn những khác biệt với Trung Quốc nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực”.

Nên nhớ, ngay trong ngày 12/7, sau khi Tòa Trọng tài Thường trực PCA ra phán quyết bác bỏ Đường chín đoạn của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016… Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài.

Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”.

Đó là lập trường, là phát ngôn nhất quán, duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chính phủ Việt Nam trên chính trường quốc tế cũng như trước toàn thể nhân dân Việt Nam.

Đã không ít người… bất ngờ về sự xuyên tạc của báo chí Trung Quốc!

Đã rất nhiều người chẳng lấy làm lạ gì về thái độ “ảo tung chảo” của “nước lớn”!

Theo báo Tiền Phong (ra ngày 16/7), trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết cuối cùng hôm 12/7, Trung Quốc liệt kê có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ ủng hộ lập trường của nước này về thẩm quyền của Tòa. Tuy nhiên, sau đó, Campuchia, Fuji, Ba Lan và Slovenia đã lên tiếng phủ nhận.

Hay website Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington D.C công bố: “Từ khi phán quyết ngày 12/7 được đưa ra, chúng tôi xác định có 34 nước công khai kêu gọi tôn trọng phán quyết, bốn nước công nhận phán quyết nhưng không kêu gọi tuân thủ và chỉ ba quốc gia và vùng lãnh thổ phản đối phán quyết”. Ba quốc gia và vùng lãnh thổ đó là Trung Quốc, Đài Loan và Pakistan.

Kể từ phán quyết lịch sử ngày 12/7, cho đến thời điểm này, phía Trung Quốc, ngoài những hành động tiếp tục gây căng thẳng trên Biển Đông là hầu hết những phát ngôn… tự tuyên bố, tự công bố; là những hành vi đe dọa thay vì chứng minh bằng những cơ sở pháp lý, những chứng cứ lịch sử hay thực thể biển.

Khi những con số ảo cứ tung ra, khi những lời xuyên tạc trắng trợn tiếp tục bịa đặt, ngay ở cấp ngoại giao nhà nước thì còn có chỗ nào cho Sự Thật - từ chính nơi “thiên biến vạn hóa” ấy?

“Binh bất yếm trá” vốn được dụng trong thuật nhà binh để bày mưu tính kế; bởi dành sự thắng thua, được mất ở nơi sinh tử liền kề, đôi khi người ta không loại trừ mưu “trá”. Nhưng kể cũng là hạ sách.

Còn trên lĩnh vực cương thổ, đã “rành rành định phận ở sách Trời”, trên phương diện ngoại giao quốc thể, mà hẳn dụng “trá” thì có là chí thành (thành tâm, thành ý), đạt được thành tín - như một chuẩn mực về đạo đức làm người mà văn hóa thần truyền Trung Hoa đã răn dạy?

Đến đây, sực nhớ “nụ cười đắt giá nhất trong lịch sử Trung Hoa” của nàng Bao Tự thời Tây Chu. Chu U Vương si mê mỹ nhân Bao Tự. Chỉ có điều nàng ta suốt ngày ủ dột, chẳng bao giờ nở một nụ cười. U Vương lệnh ai làm Bao Tự cười sẽ thưởng nghìn lạng vàng. Viên quan Quách Thạch Phủ hiến kế U Vương đốt lửa phong hỏa đài, vốn dùng để báo hiệu cho các chư hầu mỗi khi nước Chu có biến. U Vương nghe theo, cho phóng lửa phong hỏa đài. Quả nhiên, các chư hầu lập tức kéo đến nhưng ngớ ra vì chẳng thấy giặc giã đâu, chỉ thấy Bao Tự đang cười nắc nẻ. U Vương thì hả lòng hả dạ vì mỹ nhân đã chịu cười.

Về sau, khi Thân Hầu mượn quân của Khuyển Nhung tiến đánh nước Chu, U Vương cho đốt lửa đánh trống phong hỏa đài nhưng không một chư hầu nào đến cứu. U Vương mặc giáp xông trận, bị giết ngay dưới chân núi Vi Sơn, nhà Tây Chu bị diệt vong.

Chuyện ấy, thi sĩ Lý Bạch đã cảm khái mà có thơ rằng “Mỹ nhân nhất tiến hoán thiên kim” (nụ cười của người đẹp đổi nghìn vàng).

Hậu sinh của thi tiên thời Đường liệu chừng có còn mơ mộng cái nụ cười đắt giá ấy hay đã nhận rõ, một lần nói dối, hay nhiều lần không nói thật, thậm chí còn trêu đùa, hả hê trên cái sự dối ấy thì chuốt lấy họa tự diệt vong như nhà Tây Chu.

Đã hơn một lần nói dối có nghĩa là chưa bao giờ biết nói thật. Hoặc, không dám nói gần Sự thật. Sợ Sự thật.

Luận về đạo trị vì quốc gia, Khổng Tử xứ Trung Hoa nói rằng “Dân vô tín bất lập” (dân không thành thật thì nước khó vững bền).

Nước bền vững khi nước có chính danh - Dân có ngôn thuận.

Công lý không thuộc về kẻ mạnh.

Kẻ mạnh một khi cố chiếm đoạt, cưỡng bức công lý thì ấy là… kẻ loạn!

Ngẫm thấy không sai.

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI