Nước bọt chỉ điểm sức khỏe lợi hại

14/10/2017 - 08:30

PNO - Nước bọt có tác dụng gì? Nước bọt là một dịch thể giỏi kiêm nhiệm: làm ẩm niêm mạc miệng, sơ chế thức ăn, kháng khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa, giảm đau…

Người ta còn dự báo, tương lai nước bọt sẽ thay thế xét nghiệm máu trong việc truy tìm sớm những chỉ dấu của một số căn bệnh thời đại như đái tháo đường, ung thư... 

Nuoc bot chi diem suc khoe loi hai
 

Ít hay nhiều đều lo 

Mỗi ngày cơ thể tiết ra chừng 1.500ml nước bọt. Nước bọt ít là thủ phạm số một gây khô miệng, từ đó kéo theo hôi miệng, bợn lưỡi, sâu răng, viêm lợi, nuốt đau, nứt môi...

Thủ phạm trực tiếp làm khan hiếm nước bọt nằm ngay bản doanh tuyến nước bọt (viêm nhiễm, nghẽn tắc, sỏi…) hoặc do mất nước, thiếu máu, tác dụng phụ của thuốc (kháng histamin, an thần, lợi tiểu, cao huyết áp…).

Nước bọt nhiều, đầy trong miệng thường không gây khó dễ cho chúng ta trừ bất tiện phải khạc nhổ thường xuyên. Viêm tuyến nước bọt, thiếu vitamin B3, trẻ mọc răng là những nguồn cơn phổ biến gây lạm tiết nước bọt.

Nuoc bot chi diem suc khoe loi hai
 

Mùi có vấn đề

Đa phần chúng ta ngửi mùi nước bọt qua hơi thở, khăn tay, hắt hơi hay qua giao tiếp, hôn. Nước bọt nguyên bản không mùi, chỉ khi lẫn tế bào chết, thức ăn thừa, vi khuẩn kỵ khí hay đón tiếp một vị khách vãng lai nào đó, mới có mùi.

Như vậy, lúc khỏe mạnh nước bọt vẫn cơ hữu một ít mùi nhất định, chỉ khi quá “nhức đầu” chúng mới đóng vai trò phát ngôn một vấn đề sức khỏe. Nước bọt quá nặng mùi là điểm chỉ sớm khoang miệng đang có biến (sâu răng, cao răng, nha chu, viêm họng, viêm amidan, viêm xoang…).

Nước bọt hôi còn có một số phiên bản đặc biệt như mùi trứng thối (H2S), mùi long não, mùi aceton, mùi amoniac… Lần lượt đó là những màn báo hiệu đáng ngại của các bất ổn liên quan đến gan, xoang, insulin (tiểu đường) và thận.

Đổi vị khác thường

Nếu không phải do thức ăn, thuốc men thì biến động về vị của nước bọt cũng có thể nói thay một bất ổn nào đó. Nước bọt có vị chua, kèm nóng rát họng miệng thì có thể lôi ngay chứng trào ngược dạ dày - thực quản ra trước “vành móng ngựa”.

Miệng đắng ngắt thường xuyên là tiếng thở dài không khỏe của  gan, mật. Rối loạn  tuần hoàn, trao đổi chất, nội tiết đôi khi cũng gửi sứ giả đường xa có mùi tanh đến nước bọt.

Nuoc bot chi diem suc khoe loi hai
 

Vị tanh (sắt) trong miệng là cú chỉ tay về một điểm chảy máu sở tại (chân răng, nướu, lưỡi, vòm miệng) hay xa hơn ở mũi, xoang, thực quản, dạ dày… Các ca ngộ độc chì, đồng, thủy ngân, crom cũng thường lưu lại vị tanh kim loại không lẫn vào đâu được trên đầu lưỡi nạn nhân.  

Nước bọt có vị ngọt lợ dù không dùng chén chè nào thì khá rõ bệnh đái tháo đường đã gửi ít glucose vào nước bọt (đa phần khi đường huyết tràn đến khoang miệng thì bệnh đã nặng). Người bệnh viêm tụy mạn, các bà, các cô dùng thuốc ngừa thai thỉnh thoảng cũng có thể cảm nhận được vị ngọt nhẹ trong miệng. 

Không phải bất thường nào của nước bọt, đàm cũng mang lại điềm gở, lắm khi đó chỉ là chút “tinh tướng” của loại dịch tiết này. Chẳng hạn khô miệng đơn giản do nói nhiều, uống ít nước. Thở mùi tanh cá do bữa cỗ nhiều món cá. Nếm phải vị kim loại là do khổ chủ dùng vitamin tổng hợp có chất vi lượng…

Trường hợp rõ mười mươi thì sau khi nhận thông điệp từ nước bọt, bạn vẫn cần ghi nhận thêm những chỉ điểm khác mới có được bức tranh toàn cảnh về bệnh tật nếu có. Tốt nhất sau đó phải gửi “bức tranh” đến các bác sĩ  mới rõ trắng đen. 

Đàm cũng là tay “chỉ điểm” giỏi
- Đàm lẫn nước bọt nhiều hơn bình thường nhưng vẫn giữ chất màu trong là dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi mới phát.  Đàm màu vàng hoặc ngả xanh là “chỉ thị màu” đặc hiệu của viêm phế quản, phổi đã có bội nhiễm, còn khi chuyển sang nhầy vàng là bệnh sắp khỏi.
- Khạc ra đàm có sợi máu hoặc lổn nhổn đốm máu li ti vào buổi sáng hay không theo giờ giấc nào: cẩn thận ung thư vòm họng, ung thư khí quản (cần thêm nhiều triệu chứng toàn thân khác).
- Đàm lẫn tia máu tươi, có thể nhẹ nhàng do viêm họng, nhưng đôi khi là dấu chứng của lao phổi, giãn khí - phế quản.
- Đàm sủi bọt màu hồng là chỉ điểm “không đụng hàng” của phù phổi cấp, còn được mệnh danh “chết đuối trên cạn”.
- Đàm toàn màu đỏ hoặc nâu bầm vẫn là cảnh báo hai năm rõ mười về điểm xuất huyết đâu đó, đa phần là từ nơi phát tích đường thở.
- Đàm màu chocolate cũng chỉ thị màu không lẫn vào đâu được của áp xe gan amip vỡ.  

Bác sĩ Đỗ Trình Thoại

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI