Núi lửa lớn nhất thế giới phun trào ở Hawaii

29/11/2022 - 06:08

PNO - Ngọn núi lửa lớn nhất thế giới Mauna Loa đã hoạt động trở lại lần đầu tiên sau gần 40 năm. Các chuyên gia cảnh báo về những nguy hiểm khi núi lửa đang liên tục phun dung nham và tro nóng.

 

Những dòng sông đá nóng chảy có thể nhìn thấy trên Mauna Loa, ngọn núi lửa lớn nhất thế giới  
Những dòng sông đá nóng chảy có thể nhìn thấy trên Mauna Loa, ngọn núi lửa lớn nhất thế giới

Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS), áp lực đã gia tăng tại Mauna Loa trong nhiều năm. Vụ phun trào, bắt đầu từ rạng sáng 28/11, ban đầu chỉ xảy ra ở khu vực lõm trên đỉnh núi lửa, ở thị trấn Kona, bờ biển phía tây của đảo chính Hawaii. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết dung nham hiện đang thoát ra khỏi các vết nứt ở bên cạnh. 

USGS thông báo trên trang web: “Sự phun trào của Mauna Loa đã di chuyển từ đỉnh núi đến khu vực rạn nứt đông bắc, nơi các khe nứt đang cung cấp một số dòng dung nham”.

Cơ quan này cho biết hiện không có mối đe dọa ngay lập tức nào đối với những người sống bên dưới vùng phun trào, nhưng cảnh báo với tốc độ lan rộng nhanh chóng của dung nham sẽ có nhiều diễn tiến khó lường.

"Dựa trên các sự kiện trong quá khứ, giai đoạn đầu của vụ phun trào khu vực rạn nứt Mauna Loa, vị trí và sự tiến triển của dòng dung nham có thể thay đổi nhanh chóng" - USGS cho biết.

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng gió có thể mang theo khí núi lửa và tro mịn xuống dốc. Một khuyến cáo về tro bụi đã được ban hành theo hướng gió của núi lửa, dự báo ​​sẽ có một lớp tro tích tụ nhẹ trên các con tàu ở vùng biển dọc theo phía đông nam của đảo Lớn.

Nhà nghiên cứu núi lửa Robin George Andrews cho biết vụ phun trào ban đầu đã được ngăn chặn, nhưng hiện đang lan rộng.

Là 1 trong 6 núi lửa đang hoạt động trên quần đảo Hawaii, Mauna Loa đã phun trào 33 lần kể từ năm 1843. Lần phun trào gần đây nhất vào năm 1984, kéo dài 22 ngày và tạo ra dòng dung nham chảy đến Hilo trong khoảng 7km.

Thu Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI