Núi Dinh, đâu chỉ dành riêng cho "dân trekking"!

09/11/2023 - 06:52

PNO - Nói đến núi Dinh, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến đỉnh La Bàn và những cung đường trek tuyệt đẹp ẩn mình trong núi. Tuy nhiên, tôi đến núi Dinh, không chỉ để trekking.

Trước đây tôi là một biên tập viên với gần 20 năm trong nghề. Nhưng vì một số lý do, đặc biệt là sau trận đại dịch COVID-19, tôi quyết định rời khỏi văn phòng và tìm đến thiên nhiên.

Tôi đã đi gần như sắp hết các cung đường trek ở miền Nam và thích núi Dinh nhất, vì vậy, đây cũng là nơi tôi đến nhiều nhất. So với những nơi khác, núi Dinh có rất nhiều cung đường trek đẹp (ngắn, dài có đủ) dẫn đến các đỉnh mang những cái tên cũng đẹp không kém như: đỉnh La Bàn, đỉnh Sân Bay, đỉnh Mù Sương…

Đỉnh La Bàn, một trong những đỉnh đẹp ở núi Dinh được nhiều trekker biết đến. Ảnh Lan Hồ
Đỉnh La Bàn, một trong những đỉnh đẹp ở núi Dinh được nhiều trekker biết đến - Ảnh: Lan Hồ

Về tên gọi, có nhiều người giải thích rằng, ngọn núi được đặt theo tên của ông Nguyễn Văn Dinh, người có công khai phá vùng đất này. Cũng có người nói, núi có nhiều cây cối và suối thác, khí hậu quanh năm mát mẻ nên toàn quyền Pháp ngày trước đã cho xây dựng dinh thự ở đây nghỉ mát, vì vậy ngọn núi có tên là núi Dinh. 

Ngoài ra, còn có người lý giải, tên gọi núi Dinh xuất phát từ việc một vị tướng nhà Nguyễn là trưởng cơ Yên Thành Hầu đưa quân từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu rồi xây dựng dinh trại tại núi, từ đó mà thành tên.

Núi Dinh thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có độ cao gần 500m so với mực nước biển. Không chỉ nổi tiếng bởi các đỉnh đẹp cheo leo, các cung đường trek đầy sức hút mà núi Dinh còn có rất nhiều điều thú vị chờ bạn khám phá.

Nơi đây không khí mát mẻ trong lành, cảnh vật hoang sơ, núi non hùng vĩ với nhiều suối lẫn thác, đặc biệt là các cung đường trek đẹp, có lẽ vì vậy nơi đây được mệnh danh là “thánh địa” của dân trekking ở miền Nam. Nói vậy, nhưng nếu là dân “ngoại đạo”, thì bạn cũng đừng quá lo lắng. 

Ghé thăm khu Căn cứ Núi Dinh

Điểm thu hút du khách của núi Dinh không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ đây còn là vùng đất ghi dấu những chiến tích oai hùng của quân và dân huyện Châu Thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Năm 1993, căn cứ núi Dinh đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia - Ảnh: Internet
Năm 1993, căn cứ núi Dinh đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia - Ảnh: Internet

Với địa thế hiểm trở cùng nhiều hang động trải dài, núi Dinh được các cán bộ chiến sĩ chọn làm căn cứ hoạt động bí mật. Các hang ở đây tương đối rộng, nhiều cây cối che phủ, lòng hang sâu, thông nhau, có nhiều hốc, nhiều ngách dẫn ra bìa rừng và suối… do đó rất phù hợp để làm nơi trú ẩn, cũng như dễ dàng thoát thân nếu bị tấn công bất ngờ.

Hiện nhiều hang động ở núi hiện đã không còn nguyên vẹn nhưng các dấu xưa, tàn tích cũ vẫn còn. Nếu muốn tìm hiểu về lịch sử hào hùng của cha ông, bạn có thể đến hang Dây Bí, hang Tổ, hang Mai, hang Dơi, hang Ông Trọng, Bưng Lùng…

Ngày 16/12/1993, khu Căn cứ núi Dinh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Vãn cảnh chùa nơi lưng chừng núi

Ước tính, ở núi Dinh có hơn 100 ngôi chùa, am, điện, miếu lớn nhỏ nằm rải rác ở khắp chân và lưng chừng núi. Một số cũng đồng thời là căn cứ cách mạng. Trong đó, đặc biệt nổi tiếng là chùa Hang Mai khoảng 100 tuổi, nằm cách khu căn cứ hang Mai 100m. 

Lối xuống ngôi chùa Hang Mai 100 tuổi. Ảnh Lan Hồ
Lối xuống chùa Hang Mai - Ảnh: Lan Hồ

Tiền thân chùa chỉ là một am nhỏ được dựng lên để thờ Phật, nằm ẩn mình giữa thiên nhiên hùng vĩ. Sau này, nhiều vị cao tăng đến đây tu tập, hoằng pháp nên chùa đã được sửa sang, trùng tu lại trông bề thế và khang trang hơn.

Tham quan chùa Hang Mai, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng tượng Phật nặng hơn 10 tấn, ngắm một phần cảnh đẹp của thành phố Vũng Tàu từ trên cao. 

Chùa Hang Mai thấp thoáng giữa rừng cây. Ảnh Lan Hồ
Chùa Hang Mai thấp thoáng giữa rừng cây - Ảnh: Lan Hồ

Có hai cách để đến chùa Hang Mai, nếu thích leo núi, bạn chinh phục đỉnh La Bàn sau đó đi xuống chùa từ đỉnh này. Nếu không quen đi bộ, bạn có thể chạy xe máy lên thẳng chùa theo đường bê tông rồi men theo các bậc thang đến chùa. 

Ngoài chùa Hang Mai, ở núi Dinh còn rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác thu hút nhiều người dân, Phật tử về hành hương, khấn lễ như: chùa Phật Quang, chùa Diệu Linh, chùa Hang Tổ, chùa Tây Phương… 

Dọc các đường mòn lên núi bạn sẽ thấy rất nhiều ngôi chùa như thế này. Ảnh Lan Hồ
Dọc các đường mòn lên núi có rất nhiều ngôi chùa như thế này - Ảnh: Lan Hồ

Đắm mình trong dòng suối mát 

Tắm suối hay ngồi lặng yên bên bờ nghe tiếng nước chảy róc rách cũng là một trải nghiệm thú vị đối với nhiều người khi đến núi Dinh. Ngoài hệ thống hang động trải dài, thiên nhiên kỳ vĩ, núi Dinh còn có dòng suối xanh trong, mát lạnh chảy từ đỉnh len lỏi qua những rừng cây, vách đá xuống phía dưới tạo thành vô số những “hồ bơi” tự nhiên tuyệt đẹp.

Dòng suối xanh trong, mát lạnh ở núi Dinh. Ảnh Lan Hồ
Dòng suối xanh trong, mát lạnh ở núi Dinh - Ảnh: Lan Hồ

Ở núi Dinh có suối Tiên và suối Đá. Phần suối chảy từ đỉnh xuống (thượng nguồn) được gọi là suối Tiên, còn phần dưới chân núi (hạ nguồn) được gọi là suối Đá. Dòng nước trong mát từ suối Tiên ào ạt đổ xuống suối Đá chia thành 5 tầng hồ. Để dễ phân biệt các hồ, người dân đã đánh số thứ tự hồ 1, hồ 2, hồ 3, hồ 4, hồ 5 tính từ chân núi lên.

Các hồ có nước quanh năm nên bạn có thể đến vào mùa nào cũng được. Tuy nhiên, đẹp nhất vẫn là mùa mưa. Bởi mùa mưa suối có nhiều nước hơn, dòng chảy từ trên đổ xuống các vách đá phía dưới cũng mạnh hơn tạo thành vô số những thác nước lớn nhỏ trông rất đẹp mắt.

Suối ở đây khá trong và sạch, do đó bạn có thể tắm, nếu thích. Bạn cũng có thể trải bạt ngồi dưới những bóng cây ăn uống, trò chuyện cùng bạn bè. Hay thả mình trên những tảng đá lớn bằng phẳng dọc hai bên suối hít căng buồng phổi bầu không khí trong lành của núi rừng, ngắm mây trời lãng đãng trôi, lắng nghe âm thanh của tiếng chim hòa cùng tiếng nước chảy róc rách.

Dạo chơi núi Dinh sau đó tắm suối là “tiết mục” được nhiều bạn trẻ yêu thích. Ảnh Lan Hồ
Dạo chơi núi Dinh sau đó tắm suối là “tiết mục” được nhiều bạn trẻ yêu thích - Ảnh: Lan Hồ

Đến núi Dinh, nhớ Đà Lạt

Thời tiết ở núi Dinh cũng rất đặc biệt, thay đổi không ngừng, trở lạnh nhiều vào lúc chiều tàn và buổi sáng. Nếu thường xuyên đến đây, sẽ không khó để bắt gặp những vạt rừng sương mờ phủ khắp lối để rồi lòng bỗng dưng mộng mơ Đà Lạt.

Sương mù xuất hiện dọc đường và ở đỉnh La Bàn vào buổi sáng. Ảnh Lan Hồ
Sương mù dọc đường và ở đỉnh La Bàn vào buổi sáng - Ảnh: Lan Hồ

Nếu có thời gian thong thả dạo chơi dọc theo các đường mòn trong núi, chịu khó để ý bạn cũng sẽ bắt gặp rất nhiều loài hoa rừng với sắc màu rực rỡ hay những cây nấm với nhiều hình dáng kỳ lạ, đẹp mắt.

Những cây nấm đẹp mắt như thế này khá nhiều trong rừng, nhất là vào mùa mưa. Ảnh Lan Hồ
Những cây nấm đẹp mắt như thế này khá nhiều trong rừng, nhất là vào mùa mưa - Ảnh: Lan Hồ

Cuối cùng, nói đến núi Dinh, tôi tin rằng không chỉ tôi, mà những người yêu thiên nhiên từng đến đây sẽ có rất nhiều điều để chia sẻ. Bởi ngọn núi này có quá nhiều thứ để khám phá, tìm hiểu và cảm nhận. 

Nếu muốn khám phá nơi này, bạn đừng ngại nữa nhé. Bởi, núi Dinh không chỉ dành riêng cho dân trekking!

Lan Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI