Hôn nhân bế tắc là thực trạng khá phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Hay nói cách khác, nhiều cặp vợ chồng đang “mắc kẹt” trong hôn nhân ở nhiều mức độ, tính chất riêng. Chất lượng hôn nhân xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của vợ chồng mà cả con cái. Báo Phụ nữ TPHCM mở diễn đàn Hôn nhân “mắc kẹt” - đâu là lối thoát? nhằm chia sẻ đến bạn đọc những bài viết của người trong cuộc, qua trải nghiệm, mỗi người có cái nhìn, cách xử lý để tìm lối ra cho hôn nhân, cho cuộc đời mình. Bài viết cho diễn đàn xin bạn đọc gửi đến email: toasoan@baophunu.org.vn. |
Mẹ về với ba khi vừa 17 tuổi, không có lễ cưới nào. 1 năm sau, mẹ sinh chị Hai tôi. Những chuyện thâm cung bí sử của thế hệ trước, chúng tôi không được rõ ngọn ngành. Chỉ biết chị của mẹ từng là vợ của ba. Dì từng sinh cho ba 1 đứa con, nhưng ba không thừa nhận.
Nửa thế kỷ mẹ ở bên ba, từ thuở tôi có ký ức, là chuỗi ngày dài ghen tuông, chịu đựng, cay đắng đủ điều của mẹ. Ba vốn là “cậu Hai” nhà địa chủ, nên cả thời thanh xuân của ông phần lớn dành để đi… cua gái mà tôi hay gọi là đi "gieo rắc đau thương". Mãi cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể biết chính xác mình có bao nhiêu anh chị em. Ngoài 15 người từ 4 vị phu nhân (gọi thế cho sang, bao gồm cả mẹ tôi) của ba, số con rớt rơi, thật khó biết.
Mẹ kể, ngày mẹ mang thai tôi, bụng thừ lừ, ba vẫn còn bận tung tăng bên nhà người phụ nữ khác, người cùng làng, với người chị khác mẹ, lớn hơn tôi 1 tuổi. Mỗi khi ba về nhà là đòn roi lại trút xuống mẹ. Đỉnh điểm là một lần mẹ bị đá lệch bụng bầu (mang tôi trong đó) sang một bên. Các bà trong làng bày mẹ rải đậu ra đất rồi cúi nhặt, nằm nghiêng bên kia để chỉnh bụng lại. Trong khi đó, mẹ vẫn phải ra đồng làm lụng, chiều về vẫn phải chăm 3 đứa con chồng - đứa lớn nhất chỉ nhỏ hơn mẹ 10 tuổi.
|
Nửa thế kỷ mẹ ở bên ba là những chuỗi ngày dài khổ đau, uất ức, chịu đựng... (ảnh minh họa) |
Có lần tôi hỏi mẹ: “Khổ vậy, sao mẹ không bỏ quách ba cho rồi?”. Mẹ nói: “Ở quê không có lệ bỏ chồng. Có lần bị ba con đánh dữ quá, mẹ chạy về nhà ngoại (ở huyện bên cạnh - NV). Đích thân ông ngoại dắt mẹ qua trả cho nhà nội”.
Mỗi khi phát hiện một mối quan hệ “ngoài luồng” của ba, mẹ lại làm dữ, nhờ nhà nội can thiệp. Ba cũng hứa hẹn các kiểu rồi được dăm bữa nửa tháng lại chứng nào tật nấy. Nói có thể bạn không tin, nhưng đến hơn 70 tuổi, ba tôi vẫn còn cặp bồ và giờ ông đã hơn 80 tuổi, chúng tôi cũng không dám chắc ông có đang tung tăng với ai nữa không.
Mẹ đã chịu đựng, dồn hết tâm sức vào mấy đứa con. Lâu lâu “lòi” ngang hông ra đứa con nào đó ba làm rớt đâu đó, mẹ cũng nhận, cũng coi như con, cũng dạy dỗ, dặn chúng tôi phải yêu thương nhau, vì dù sao đó cũng là anh chị em mình.
Có lẽ vì biết "nết" mẹ tôi vậy, nên ba không chừa. Nửa thế kỷ là những lần đi hoang, quay về, hứa hẹn rồi lại đi hoang, quay về, hứa hẹn… Tôi nghĩ, thế gian chắc chỉ có mình mẹ tôi có sức chịu đựng lớn như vậy chứ nếu là mình, tôi chắc sẽ bỏ quách gã chồng trăng hoa không thuốc chữa.
Ngày qua ngày, năm qua năm, chúng tôi dần lớn lên và… thật kinh khủng khi các anh chị rơi vào vết xe đổ của ba - cũng có những mối quan hệ ngoài luồng. Tâm lý học nói đúng - dù muốn dù không, những đứa con rồi sẽ trở thành bản sao của cha mẹ, ít hoặc nhiều. Khi nhận ra nguy cơ đổ vỡ rơi vào gia đình nhỏ của mình, biết đâu chẳng rơi tiếp vào những đứa cháu, chúng tôi đã tìm cách ngăn chặn, cũng đã thử tách cha mẹ ra - đưa bà/ông về nhà mỗi đứa con, nhưng đành bất lực.
|
Những cuộc hôn nhân mắc kẹt để lại hậu quả rất lớn nơi những đứa con (ảnh minh họa) |
Mỗi khi ba “tung tăng”, mẹ giận bỏ đến ở với mấy đứa con. Được một thời gian, ba đến tận nhà con… đòi vợ. Nếu ba không đến, mẹ sẽ lo lắng kiểu không biết ba ở nhà sẽ ăn uống ra sao hoặc tệ hơn là có… tranh thủ thời gian để tung tăng nữa, rồi lỡ đâu lại lòi ra đứa trẻ ngang hông, lại phiền.
Có khó tin lắm không nếu tôi nói rằng đến tận bây giờ, hai cụ ông cụ bà tuổi đều đã qua mốc “cổ lai hi” vẫn cách đôi tháng lại đại chiến, ghen tuông. Ông đòi bỏ bà, bà đòi bỏ ông, gọi khắp con cháu yêu cầu giải quyết cho ông bà ly hôn. Thế nhưng khi chúng tôi cố gắng giải quyết, mang đơn về cho các cụ thì tuần sau lại… yên chuyện, nói "sợ mất mặt với họ hàng, sui gia, chòm xóm" (dù hàng xóm, sui gia, họ hàng đều biết cả), rồi tháng sau lại ầm ầm lên đòi ly hôn, đòi chia tài sản. Cụ ông bảo mình mất tự do. Cụ bà bảo không thể chịu đựng nổi nữa.
“Tòa án huyện không thể xử trung ương”. Chúng tôi tự an ủi mình như vậy và tìm cách tránh cho bọn trẻ càng ít tiếp xúc với ông bà càng tốt, dẫu biết điều đó không hay, dẫu biết mối “họa” tương lai là con cái có thể sẽ không về thăm mình - như chúng tôi đã tránh về thăm cha mẹ để tránh phải nghe, phải thấy những chuyện đau lòng mà bản thân bất lực không thể xử lý.
Một cuộc hôn nhân mắc kẹt hơn nửa thế kỷ, hậu quả chất chồng. Điều duy nhất đáng mừng là chúng tôi - những đứa con của ba mẹ đã tự nhìn thấy, tự sửa mình (sau những sai lầm chúng tôi đã gây ra vì… giống cha giống mẹ), những mong có thể kết thúc bao nghiệt oan ngay ở thế hệ chúng tôi, những mong giảm bớt các hậu quả có thể nhìn thấy trước ở tương lai.
Bạn à, nếu bạn đang kẹt trong cuộc hôn nhân đau khổ với lý do “vì con”, tôi mong bạn hãy “vì con” theo một cách khác - tránh cho những đứa trẻ không phải chứng kiến, không phải tổn thương, chịu đựng bầu không khí độc hại trong gia đình và đặc biệt là tránh để chúng bước theo vết chân sai của cha của mẹ. Thời gian bạn mắc kẹt trong cuộc hôn nhân càng dài, hậu quả sẽ càng lớn mà thôi.
Uyên Thi