Nửa quãng đường, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch

07/08/2013 - 17:00

PNO - PN - Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ (PN) học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015” (Đề án 295) của Thủ tướng Chính phủ, Hội LHPN TP đã xây dựng riêng kế hoạch triển khai đề án nhằm phù hợp với tình hình thực tế của...

* Bà có thể cho biết kế hoạch cụ thể của Thành Hội nhằm thực hiện Đề án 295?

Bà Phạm Ngọc Hiền: Mục tiêu của Hội LHPN TP đặt ra là từ đây đến năm 2015 cần đạt được những kết quả như: ít nhất 70% lao động nữ (LĐN) được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về dạy nghề và việc làm; nâng tỷ lệ LĐN trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh học nghề đạt 40%, trong đó tăng nhanh tỷ lệ LĐN được đào tạo trung cấp - cao đẳng nghề; tỷ lệ LĐN có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70%; lồng ghép đề án “Đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đến năm 2020”. Phấn đấu 50% trở lên LĐN nông thôn được phổ biến, hướng dẫn kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao hơn. TT GTVL thuộc Hội LHPN TP và câu lạc bộ dạy nghề thuộc các cấp Hội PN thực hiện tư vấn học nghề, GTVL và tạo việc làm cho khoảng 5.000 PN hàng năm, trong đó khoảng 2.500 LĐN được đào tạo nghề.

* Đến nay, dự án đã đi được gần nửa chặng đường, kết quả như thế nào?

- Tính đến nay, nhiều chỉ tiêu đã vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể: về công tác đào tạo nghề, Hội LHPN TP đã phối hợp với các đơn vị đào tạo hơn 3.000 học viên với nhiều ngành nghề như chăm sóc sức khỏe tại nhà, thợ làm tóc, nấu ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; về tư vấn, GTVL, TT GTVL Hội LHPN TP đã giới thiệu hơn 3.000 LĐ có việc làm, tiếp nhận 193 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển trên 20.000 LĐ. Bên cạnh đó, 24 quận/huyện Hội cũng đã tổ chức các lớp học tại cơ sở với trên 16.800 PN tham gia, trên 21.100 PN được học các lớp nâng cao như vi tính, kết cườm, pha chế thức uống, may công nghiệp, duy trì và củng cố 290 mô hình tổ nhóm ngành nghề với trên 5.100 thành viên.

Nua quang duong, nhieu chi tieu vuot ke hoach

Khóa học chăm sóc sức khỏe tại nhà là một trong những khóa học phù hợp với mọi đối tượng phụ nữ

* Bà có thể cho biết những khó khăn trong quá trình thực hiện?

- Qua khảo sát cho thấy, LĐN trên địa bàn có nhu cầu đào tạo và GTVL chiếm 50,64%. Tuy nhiên có nhiều lớp học nghề được mở chưa phù hợp với nhu cầu học viên và đặc điểm địa bàn nên không phát huy hết hiệu quả. Bên cạnh đó, khó khăn hiện nay là kinh phí đào tạo nghề còn hạn hẹp nên các cấp Hội chỉ tập trung vào các ngành nghề thời vụ như giúp việc nhà, cắt may, trang điểm...

* Trước tình hình đó, Thành Hội có các giải pháp tháo gỡ ra sao?

- Hội LHPN TP đang phối hợp với Sở LĐ-TB-XH TP chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở dạy nghề xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề phù hợp với các cấp độ đào tạo cho LĐN, đặc biệt xây dựng giáo án, giáo trình những nghề mới phù hợp với thị trường LĐ và LĐN như dịch vụ gia đình, chăm sóc sức khỏe tại nhà, chăm sóc thẩm mỹ. Đa dạng hóa hình thức, phương thức đào tạo nghề như dạy nghề chính quy, thường xuyên, liên kết, liên thông… Phối hợp với ngân hàng, sở, ban ngành liên quan tập trung nguồn lực từ các chương trình, dự án để xây dựng các mô hình hỗ trợ việc làm như: hỗ trợ vốn vay, thành lập tổ sản xuất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu; tổ chức ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm cho LĐN.

Trong giai đoạn 2013-2015, Hội LHPN các cấp tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của LĐN, đặc biệt là PN vùng ven; đa dạng các hình thức tư vấn nghề phù hợp với LĐN tại cơ sở, chọn những ngành nghề phù hợp, GTVL trước và sau đào tạo nghề; khai thác các dự án, chương trình hỗ trợ PN, các nguồn quỹ của Hội và của TP để giúp LĐN vay vốn học nghề và tổ chức việc làm, tập trung chủ yếu vào các đối tượng PN khó khăn, PN đơn thân, PN khuyết tật, nữ nông dân...

* Xin cảm ơn bà!

 Lê Uyên Phương (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI