Nửa năm học online, thi vào lớp 10 thế nào?

30/03/2022 - 08:41

PNO - Kỳ tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM năm học 2022-2023 sẽ chính thức quay lại với phương thức thi tuyển ba môn toán, văn và ngoại ngữ sau một năm phải thực hiện xét tuyển vì dịch bệnh phức tạp.

Nhưng, ở năm học này, học sinh lớp Chín học trực tuyến kéo dài gần hết học kỳ. Nhiều ý kiến cho rằng đề thi cần cân nhắc phù hợp với điều kiện thực tế.

Kỳ thi vào lớp 10 trở lại, thí sinh lo lắng vì đã học online quá dài. (Trong ảnh: Thí sinh dự thi lớp 10 công lập năm học 2020-2021  tại TP.HCM) ẢNH: MINH ANH
Kỳ thi vào lớp 10 trở lại, thí sinh lo lắng vì đã học online quá dài. (Trong ảnh: Thí sinh dự thi lớp 10 công lập năm học 2020-2021 tại TPHCM) - Ảnh: Minh Anh

Nhiều phụ huynh, học sinh đang học lớp Chín lo lắng về việc đề thi vào lớp 10 sẽ ra sao khi học sinh đã phải chịu nhiều thiệt thòi, vì dịch phải học trực tuyến gần nửa năm. Sự băn khoăn này không thừa bởi nhiều năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở TPHCM sàng lọc khá khắc nghiệt. Mỗi năm, có hàng chục ngàn học sinh rớt khỏi cuộc 
đua này. 

Tính toán độ phân hóa đề thi 

Trước lo lắng đó, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM thông tin, về cơ bản, cấu trúc đề thi cả ba môn: toán, văn và ngoại ngữ sẽ không thay đổi. Đề thi bảo đảm các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Mức độ câu hỏi trong đề thi sẽ phù hợp và đáp ứng với từng yêu cầu phân hóa. 

Ở từng môn thi đều có những định hướng cụ thể. Ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn của Sở GD-ĐT TPHCM, cho hay: Cấu trúc đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 không thay đổi so với các năm học trước. Thời gian làm bài là 120 phút. Cấu trúc đề thi có phần đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm).

Ở phần đọc hiểu, các văn bản được chọn có thể là văn bản thông tin, văn bản nghị luận, văn bản khoa học... Các câu hỏi được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Ở câu nghị luận xã hội sẽ là viết bài văn ngắn khoảng 500 chữ. Trong khi đó, ở phần nghị luận văn học, tinh thần của đề là mở để học sinh tự do trình bày cảm nhận về tác phẩm văn học.

Các em có hai lựa chọn: có thể là phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ hoặc truyện, từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, liên hệ tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến; hoặc chọn đề có cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn.

Còn theo ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán của Sở GD-ĐT TPHCM, đề thi môn toán sẽ có cấu trúc như sau: mức độ kiến thức với 70% nhận biết, thông hiểu; 30% vận dụng, vận dụng cao. Theo ông, trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến thời gian dài nên nhiều khả năng mức độ vận dụng cao trong đề thi sẽ được cân nhắc phù hợp với năng lực thí sinh. Bởi học sinh thường gặp khó khăn với bài toán thực tế do khả năng thấu hiểu, khó hình dung các vấn đề thực tế cuộc sống.

Ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên phụ trách môn tiếng Anh của Sở GD-ĐT TPHCM, thông tin đề thi môn này sẽ nhẹ nhàng, ổn định. Đề ra với các nội dung kiến thức, chủ đề, chủ điểm, từ vựng quen thuộc, nằm trong chương trình đã học và chủ yếu trong chương trình lớp Chín. Đề thi vẫn có tính phân hóa nhưng độ phân hóa sẽ được tính toán phù hợp với ảnh hưởng của dịch bệnh tác động lên quá trình học. Đề sẽ gồm 40 câu (0,25 điểm/câu), thời gian làm bài 90 phút, chủ yếu là nhận biết, thông hiểu, phần nâng cao chỉ chiếm 10 - 15%. Đề thi sẽ không chú trọng về ngữ pháp mà nghiêng về kỹ năng, từ vựng. 

Cách học, thi hiệu quả

Để ứng phó với những khó khăn khách quan, các trường THCS tại TPHCM ra sức tìm giải pháp khắc phục, bù đắp kiến thức cho học trò. 
Ông Trương Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (Q.1), nêu rõ để tạo điều kiện cho học sinh lớp Chín vừa có thời gian học, ôn tập vừa củng cố kiến thức chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 10, nhà trường đã ưu tiên tổ chức bán trú hai buổi cho các em khối này. Điều này sẽ giúp các em có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi quan trọng sắp tới. 

Hầu hết các trường THCS cũng đảm bảo cho học sinh lớp Chín được học hai buổi, tăng cường ôn tập thêm ba môn: toán, văn, ngoại ngữ vào những buổi hai trong tuần. Ngoài việc bổ sung, củng cố kiến thức trong thời gian học online, giáo viên những bộ môn này còn tăng cường giải đề thi những năm trước để học sinh làm quen với cấu trúc đề, dạng câu hỏi và có kỹ năng làm bài thi tốt hơn. 

Theo kinh nghiệm của ông Trần Tiến Thành, học sinh hay có tâm lý ám thị rằng đề thi tuyển sinh rất khó, câu hỏi đánh đố, ẩn ý, dẫn đến tâm trạng lo lắng, áp lực, ảnh hưởng đến việc học và kết quả bài làm. Nhiều em còn học theo kiểu đoán đề. Điều này là không nên. Học sinh cần rèn luyện các kỹ năng và tích lũy kiến thức trước, sau khi đã nhuần nhuyễn kỹ năng, nắm chắc kiến thức hãy bắt tay vào giải các đề thi phù hợp.

Các em cũng nên tham khảo cấu trúc các đề tuyển sinh những năm gần đây, luyện tập các kỹ năng theo cấu trúc đề thi, luyện kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng làm bài nghị luận xã hội; kỹ năng làm bài nghị luận văn học…

Theo các nhà quản lý trường học, phụ huynh và học sinh không nên hoang mang, lo lắng quá đà. Tuy học online kéo dài dẫn đến những khó khăn nhất định nhưng đề thi sẽ không ra vào những phần đã giảm tải, kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp Chín mà học sinh đã học và có tính toán đến những điều kiện khách quan bị tác động do dịch bệnh thời gian qua. 

 Quỳnh Phạm

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI