Nửa ký cơm chiều của cụ bà chạy xe ôm

03/07/2019 - 18:30

PNO - Chiều tà, bà Nguyệt hâm lại nồi nấm kho, rồi móc hết túi, còn đúng 7.000 đồng. Bà sai cháu đi qua hẻm bên mua nửa ký cơm. Chiếc vé số chưa dò còn lại trên tay, bà cất cẩn thận vào túi.

Sáng mở app, bà cụ 72 tuổi Võ Thị Thu Nguyệt mới chạy được hai cuốc, được ba bảy ngàn đồng. Rồi bà thấy “cái đầu quay quay” nên chạy về phòng trọ nhỏ cuối con hẻm 183F Tôn Thất Thuyết (khu phố 4, P.4, Q.4) uống thuốc và nằm nghỉ.

Tối hôm trước ế khách, bà gắng chạy đến khuya, đôi mắt già cứ lèm nhèm trong cơn mưa nặng hạt.

Nua ky com chieu cua cu ba chay xe om
Hai bà cháu ở trọ trong căn nhà thuê chỉ rộng 6m2

Bà Nguyệt kiếm sống bằng nghề đạp xích lô ở Sài Gòn từ sau năm 1975. Chẳng hiểu vì sao, thời điểm đó chồng bà cũng biệt tăm. Nhưng lúc ấy, hai đứa con nhỏ của bà đang cần sữa, cần miếng ăn, nên bà không còn tâm trí cho người chồng. Trong cảnh thiếu ăn, thiếu thuốc, đứa con gái nhỏ của bà đã ra đi khi chưa tròn một tuổi. Dần dà, thời gian cũng đủ lâu để bà không còn phải bận tâm hay ngóng chờ gì nữa. 

Đạp xích lô được hơn chục năm thì đuối sức, với số tiền tích cóp được, bà Nguyệt sắm chiếc xe máy cũ và chuyển sang chạy xe ôm. Bà quý nghề xe ôm, vì nó đã nuôi sống bà hai mấy năm qua. Rồi tuổi tác ngày thêm nhiều, sức khỏe ngày càng giảm, bà không đủ sức để tranh giành khách, nên thu nhập mỗi ngày mỗi giảm, may mắn lắm mới một ngày no. Do vậy, ba năm qua, bà chuyển sang chạy xe ôm công nghệ. 

Chiếc xe cũ nát không đáp ứng được điều kiện, bà bán đi để mua trả góp một chiếc xe mới theo gợi ý của chị em phụ nữ trong xóm thương tình đứng tên bảo lãnh. “Trả được gần hai phần ba rồi. Mà đúng ra giờ đã trả xong, nhưng mấy tháng nay bệnh miết, có chạy được nhiều nhặn gì đâu”, bà Nguyệt gượng gạo ngó đám mây kéo mưa chiều qua khoảng hẹp nóc nhà. 

Trước đây, bà từng có một mái nhà, nhưng đã bán với hy vọng sẽ cứu được người con trai duy nhất. Nhưng sau hai năm ròng con trai nằm viện vì căn bệnh u não, cái ngày mà bà không mong đợi cũng đã đến. Con trai ra đi bỏ lại cho bà đứa cháu nội hơn hai tuổi. “Chết có đem theo được gì đâu” - bà Nguyệt nói về chuyện bán nhà, nhẹ như không. 

Bà còn nhớ, lúc còn chạy cho hãng xe ôm công nghệ trước, vì bà để cho khách chở, bị phát hiện vi phạm điều lệ, nên bị khóa tài khoản gần nửa tháng trời. Mà có lỗi gì cho cam, do người khách nữ mặc áo dài, ôm chậu bông to sợ bẩn áo nên đã yêu cầu bà ngồi sau ôm giúp. Cuốc xe đó giá 16.000 đồng. Giờ bà chạy ở một hãng khác, “nếu siêng năng, thu nhập cũng tạm đủ sống qua ngày. Chỉ mong đủ sức khỏe nuôi cháu cho mau lớn, mau khôn”, bà cười.

“Thương hai bà cháu lắm. Tuổi này còn chạy xe ôm kiếm sống, hết nuôi con rồi nuôi cháu, bà Nguyệt chưa lúc nào được thảnh thơi” - dì Bùi Thị Hẹn, nguyên chi hội phó Chi hội phụ nữ khu phố 4, buột miệng. Dì Hẹn cho biết thêm, địa phương vừa hỗ trợ cho bà Nguyệt thẻ bảo hiểm y tế để đỡ đần bà những lúc ốm đau. Lớn tuổi, không rành về công nghệ, nên bà con anh em trong xóm, ai biết cũng chỉ dẫn tận tình” - dì Hẹn chia sẻ.

Căn phòng trọ bà thuê 1,7 triệu đồng/tháng rộng chừng 6m2, lối cửa hẹp đến nỗi phải len người mới vào được, ban ngày phải mở hai bóng đèn mới đủ sáng. Đứa cháu nội của bà là Hoàng Nhơn Nghĩa nay đã 14 tuổi. Bà nói, tên của nó do bà đặt với mong mỏi sau này sống luôn có nghĩa, có nhân. 

Nghĩa học chưa hết lớp Sáu thì nghỉ. Hỏi sao nghỉ học, cậu bé trả lời: “Con muốn xin việc làm, kiếm tiền phụ nội, nội già quá rồi”. Nghĩa nằm trên tấm đệm cũ nhìn lên vách treo chiếc bịch đựng nửa cái bánh chiên của hai bà cháu đang ăn dở. 

Chiều tà, bà Nguyệt hâm lại nồi nấm kho, rồi móc hết túi, còn đúng 7.000 đồng. Bà sai cháu đi qua hẻm bên mua nửa ký cơm. Chiếc vé số chưa dò còn lại trên tay, bà cất cẩn thận vào túi. 

TỪ NHÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI