Nửa đêm xách đèn đi soi ếch

14/08/2022 - 20:51

PNO - Cứ khi trời chuyển mùa báo hiệu sắp mưa thì con nít chúng tôi rủ nhau đi chợ mua đèn khí đá chuẩn bị soi ếch.

Đầu thập niên 1970, quê tôi bắt đầu trồng hai vụ lúa một năm. Vì thời gian sinh trưởng của giống lúa mới chỉ hơn ba tháng, nên sau khi cắt, đập lúa xong vào cuối tháng Giêng âm lịch, người ta rải rơm phủ mặt ruộng, đợi đến gần mùa mưa thì đốt, vừa lấy phân tro vừa ngăn cỏ dại mọc.

Trong thời gian chờ mưa, từ cuối tháng Giêng tới giữa tháng Tư âm lịch, do mùa nắng gắt nên đất ruộng khô nứt nẻ. Vào những buổi chiều, lúc bọn con nít chúng tôi chạy chơi thả diều, do sơ ý, có đứa lọt chân xuống kẽ đất nẻ mà rướm máu.

Điều kỳ diệu là khi cơn mưa đầu mùa đổ xuống, ngay đêm đó, ếch nhái chẳng biết từ đâu rền vang như một dàn nhạc với đủ loại âm thanh hỗn tạp. Ếch thì kêu “quệt, quệt, quệt”. Bù tọt thì kêu “tọt tọt tọt”. Còn nhái bầu thì “nhắc nha, nhắc nha” - tiếng kêu mà thời con nít nghe ban đêm là… sợ ma.

Đèn manchon xưa
Đèn manchon xưa

 

Cứ khi trời chuyển mùa báo hiệu sắp mưa thì con nít chúng tôi rủ nhau đi chợ mua đèn khí đá chuẩn bị soi ếch. Đèn soi ếch có hai loại. Rẻ tiền thì làm thiếc bên ngoài sơn màu mè, nhưng chỉ xài được một mùa thì bỏ. Đứa trẻ nào có tiền thì mua loại làm bằng thau, rất bền nhưng giá gấp đôi.

Đèn được thiết kế hai phần. Phần dưới dùng để cục khí đá, bên hông có cái béc và cái chóa đèn. Chóa đèn được xi bóng để khi đốt sẽ cho ánh sáng trắng xanh. Phần trên là bình chứa nước có cái van xả nước cùng với cái quai dùng để xách và móc máng đèn. Ngoài ra, dụng cụ soi ếch còn có cái bị bàng hoặc bao phân urea dùng để đựng ếch nhái.

Lớn hơn một chút, tôi không sử dụng đèn khí đá nữa mà đèn manchon. Nhưng soi ếch bằng đèn manchon thì phải có hai đứa: đứa xách đèn, đứa mang giỏ và chụp ếch, còn dùng đèn khí đá thì chỉ cần một người. Vai mang bị bàng, một tay xách đèn, một tay tôi chụp ếch, nhẹ nhàng. Tôi chỉ cần cho cục đá vào ngăn dưới, gài kín lại, đổ nước đầy ngăn trên, xả cho nước chảy xuống từ từ rồi bật quẹt châm lửa vào béc đèn. Lửa cháy sáng rực với tiếng kêu khò khò, gió không tắt.

Muốn bắt ếch dễ, phải đợi lúc gần nửa đêm. Thời điểm đó soi đèn tới, ếch nằm im không nhảy và thường bắt được nguyên cặp nếu nghe tiếng kêu “cục cục cục”. Còn nếu lần theo tiếng kêu “quệt quệt” thì chỉ có một con ếch. Kinh nghiệm thời con nít của tôi là cứ nghe tiếng kêu thì canh ngay hướng và đi thêm chừng mười bước nữa sẽ thấy ếch đang nằm dưới nước. Con bù tọt nhỏ hơn ếch, nhưng lớn hơn nhái. Nghe tiếng kêu “tọt tọt tọt”, rọi đèn thấy nó ngóc đầu lên đưa cái ức trắng hếu, muốn bắt phải chộp nhanh, nếu chậm nó nhảy mất.

 

Thời gian soi ếch thường bắt đầu từ khoảng mười giờ đêm tới hai giờ sáng. Thời đó ếch nhái nhiều vô kể nhưng người ta chỉ bắt ếch và bù tọt thôi chứ không ai bắt nhái. Những đêm trời mưa lớn tôi kiếm được chừng chục cặp ếch là thường.

Thời con nít, tôi có thú chơi quê mùa là lấy da ếch bịt vào cái gáo dừa hoặc lon sữa bò rồi đem phơi nắng làm cái trống ếch. Đợi vài ngày, cái trống khô đem ra lấy chiếc đũa gõ sẽ có âm thanh khác nhau. Cái trống bằng lon sữa bò thì tiếng boong, boong, boong. Bịt càng thẳng thì tiếng kêu càng thanh. Còn trống gáo dừa thì tiếng kêu bùm, bùm, bụp!

Bây giờ, những ai biết đèn manchon, đèn khí đá… chắc đã lên chức ông nội, ông ngoại. 

Hoàng Phương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI