Nửa đêm mẹ hốt hoảng bế con vào viện cấp cứu vì bị chuột cắn "nát tay" khi đang ngủ

10/08/2016 - 14:57

PNO - Bên cạnh muỗi, thì chuột là mối nguy hiểm kinh hoàng của con mà các mẹ ít ngờ tới.

Chị Đỗ Thị Thu Dung (SN 1993, trú tại TP.HCM) chia sẻ câu chuyện, buổi đêm, cả nhà đang ngủ, chị giật mình thức dậy thấy tay con chị  bị chảy máu, chảy mãi không ngừng. Đáng nói, thủ phạm khiến tay con chị chảy máu là do... chuột cắn.

Nua dem me hot hoang be con vao vien cap cuu vi bi chuot can
Bé Na- con chị Dung bị chuột cắn nát tay

Chị Dung kể: "Tối hôm qua, ngày 9/8, mình đang ngủ thì 1 giờ đêm choàng tỉnh vì thấy con khóc thét lên. Mình tưởng con bị giật mình, ngủ mơ nên dỗ dành, cưng nựng, cho bú nhưng rồi con vẫn khóc. Mình vội dậy bật đèn thì trời ơi thấy tay con máu me chảy be bét. Máu chảy thấm xuống cả ga giường. Người mình cũng dính chút máu. Rửa tay cho con xong mình cũng vẫn thấy máu chảy không ngừng. Sợ quá, mình vội bồng con đi cấp cứu thì trời ơi, con bị chuột cắn. Nó cắn nát tay con mình ra mất rồi. Trong khi đó, mình ngủ phòng kín, bật điều hòa mà không hiểu sao chuột nó vô được".

Nua dem me hot hoang be con vao vien cap cuu vi bi chuot can
Vết máu của bé Na thấm ướt cả ga giường

Chị Dung cho biết thêm, đến chiều nay, ngày 10/8, chị và con vẫn đang ở bệnh viện. Con chị vẫn đang bị sốt, cần ở lại việc để bác sĩ theo dõi thêm.

Chia sẻ nhanh câu chuyện với PV báo Phụ nữ TP HCM, chị Dung muốn cảnh báo với các bậc làm cha mẹ nên cẩn thận, cảnh giác với lũ chuột bởi xưa nay các mẹ hầu như mới đề phòng muỗi còn chuột thì chưa.

Trước đó, trao đổi với báo Phụ nữ TP HCM về việc chuột cắn có nguy hiểm không, ThS-BS Lê Hồng Nga, (Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM) cho biết: Trước hết chuột sẽ gây ra bệnh do Hantavirus. Virus này có trong nước tiểu, phân, nước bọt của chuột. Kể cả khi chuột chết, xác chuột vẫn còn phóng thích ra Hantavirus. Bệnh lây sang người qua đường hô hấp do hít phải các chất bài tiết thải ra từ chuột hay do chuột cắn. Biểu hiện ban đầu là sốt cao ba-năm ngày, có khi sốt kéo dài bốn-sáu tuần. Tiếp đó là đau cơ lớn (các cơ vai, đùi, lưng), người gai lạnh, suy nhược, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau bụng (tăng dần) và tiêu chảy… Nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp, suy tim, suy thận.

Một bệnh cũng thường gặp do chuột gây ra là bệnh vàng da xuất huyết (bệnh Leptospirose). Đầu tiên sẽ có biểu hiện sốt, rét run, đau đầu, buồn nôn, có nôn và đau cơ kéo dài từ bốn-bảy ngày. Sau đó da có màu vàng da cam, suy thận, vàng mắt xung huyết kết mạc, nổi hồng ban.

Ngoài ra chuột còn gây ra bệnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis, bệnh do vi khuẩn Salmonella…

Các vết cào, cắn do chuột gây ra tuy chỉ ngoài da nhưng là đường vào của các bệnh như dại, sốt chuột cắn. Vì vậy cần được chăm sóc y tế như rửa sạch bằng nước và xà phòng, sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc povidine (bán tại các nhà thuốc). Sau đó cần đến cơ sở y tế gần nhà để được khám, chỉ định thuốc và tiêm chủng phòng bệnh đúng cách.

"Nếu dọn dẹp nhà cửa, nghi ngờ chỗ nào có chuột cần mang bao tay cao su để tránh bị chuột cắn. Sử dụng nước tẩy javel lau sạch chỗ nào có nước tiểu của chuột hoặc nơi chuột làm ổ để tránh sự lây nhiễm của virus. Nếu phát hiện xác chuột trong khuôn viên nhà, phải mang bao tay cao su rồi bỏ chuột vào bao ni lông nhiều lớp, gói kín lại bỏ vào thùng rác", bác sĩ Nga khuyến cáo.

NGUYỄN PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI