Nửa chặng đường Liên hoan sân khấu kịch nói - Buồn nhiều hơn vui

20/04/2018 - 17:03

PNO - Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 đã qua hơn nửa chặng đường. Rất tiếc, với những gì đã diễn ra, đến giờ phút này vẫn buồn nhiều hơn vui.

Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 đã qua hơn nửa chặng đường. Rất tiếc, với những gì đã diễn ra, đến giờ phút này vẫn buồn nhiều hơn vui.

Cũ mòn, phi lý

Liên hoan năm nay được tổ chức với tiêu chí mở, không hạn chế đề tài, tạo điều kiện cho các đơn vị tự do sáng tạo. Kết quả là các đơn vị nghệ thuật phía Bắc đa phần hướng đến những câu chuyện về nghĩa tình đồng đội, tình yêu của những người lính từng đối mặt với sinh tử trong chiến tranh, sự hy sinh và cuộc đấu tranh cho những điều tốt đẹp của họ trong cuộc sống hôm nay… Những đơn vị xã hội hóa của TP.HCM hướng đến những điều dung dị: tình yêu, sự thủy chung, tình cảm gia đình… Tiếc rằng sự đa dạng đó lại được kể không mấy thuyết phục trên sàn diễn.

Nua chang duong Lien hoan san khau kich noi - Buon nhieu hon vui

Sân khấu chuyên nghiệp của thế kỷ XXI chỉ vậy thôi sao?

Hơn nửa số tác phẩm dự Liên hoan đã trình làng. Những bất ngờ, điểm sáng trong thủ pháp dàn dựng, sáng tạo nghệ thuật vẫn đang “ẩn mình”, thấp thoáng. Trong khi đó, những điều khiên cưỡng, bất hợp lý, cũ mòn lại đầy dẫy.

Câu chuyện về ba người lính từng cùng nhau vượt qua sinh tử (vở Tình đồng đội), giờ tiếp tục đồng hành khi đất nước hòa bình có lẽ sẽ rất xúc động nếu khai thác những trăn trở, day dứt của họ trước sự thoái hóa, biến chất của đồng đội. Đằng này, mọi thứ cứ trôi đi nhợt nhạt. Người xem chỉ nhớ cảnh bà vợ ông tổng giám đốc ôm một tỷ đồng tiền chia chác từ dự án chạy lăng quăng trong nhà, hay cảnh ông tổng giám đốc lên cơn đau tim, ngã lăn giãy giụa giữa nhà như hài kịch.

Câu chuyện về sự đổ vỡ của cặp vợ chồng trước tác động của đồng tiền trong vở Thiên đường, tình huống để đẩy thành cao trào thật khó tin. Bà vợ suốt ngày bận rộn với những hợp đồng làm ăn, ngay cả nói chuyện với chồng cũng không có thời gian. Bỗng một ngày bà chạy đi tìm chồng, kêu gào mình cô đơn. Phát hiện chồng có bồ nhí, bà trả thù bằng cách tỏ tình với nhân viên thân cận, thậm chí cặp bồ với tình nhân trẻ chỉ lớn hơn con trai mình hai tuổi. Bi kịch gia đình khiến thanh niên trên 20 tuổi trầm cảm và tự kết liễu cuộc đời. Thật khiên cưỡng!

Vở Sóng muôn đời thao thức càng khiến người xem hoang mang với cách xây dựng nhân vật, xử lý tình huống và thủ pháp dàn dựng. Dù thông cảm với tâm trạng của nhân vật thương binh cụt hai chân, ta vẫn không hiểu vì sao suốt ngày ông chỉ biết chì chiết anh con trai. Ngay cả lúc con trai - người được tin là một giám đốc có tài, có tâm huyết với đơn vị - bị đẩy vào cơn bão của búa rìu dư luận, ông vẫn cứ ra rả chửi mắng!

Nua chang duong Lien hoan san khau kich noi - Buon nhieu hon vui

Mối tình tay ba giữa hai người đàn ông từng yêu thương nhau như ruột thịt và cô gái cùng làng cũng ly kỳ không kém trong Bản tình ca viết dở. Ly kỳ nhất là cả hai người đàn ông đều từng là chồng của người phụ nữ ấy, tưởng đã chết hơn 20 năm trước, đột ngột quay về trong cùng một ngày. Bà mẹ cùng đứa cháu gái xua đuổi người là con trai, là cha của mình ra khỏi nhà để dang tay đón “người dưng” và cố gắng vun đắp cho hạnh phúc của con dâu và “người dưng” ấy. Bi kịch tình yêu rơi tõm vào không trung.

Sự tinh tế trong xử lý ngôn ngữ sân khấu dần mất, bị tầm thường hóa với lối xử lý đầy tính tự nhiên chủ nghĩa.

Những người lính già, vốn chẳng giàu có, đã gom góp những đồng bạc cuối cùng để giúp đỡ đồng đội. Lớp diễn lẽ ra rất xúc động lại thành khiên cưỡng bởi sự thiếu tinh tế trong dàn dựng: việc quyên góp bày ngay trước mắt người cần được giúp đỡ. Nữ bác sĩ trong vở Sóng muôn đời thao thức tự tin nói với vợ sếp: “Người như anh ấy thì ai cũng yêu. Tôi cũng yêu anh ấy nhưng xin hứa sẽ không bao giờ làm tổn hại hạnh phúc của gia đình anh”.

Điều đáng nói là người được nữ bác sĩ đến thăm đang bệnh rất nặng, đang chồng chất nỗi đau vì những lời đồn về quan hệ giữa chồng chị và nữ bác sĩ kia.

Sự nghiệp dư ở cuộc chơi chuyên nghiệp

Cùng với sự cũ kỹ, khiên cưỡng, liên hoan cũng còn quá nhiều điều nghiệp dư. Một số vở đề tài sinh hoạt đơn giản đến mức khó chấp nhận. Vở Đám cưới chùm chỉ xoay quanh sự hiểu lầm của một đôi trai gái. Nút thắt của câu chuyện chỉ do nhân vật không được tác giả, đạo diễn cho phép nói ra. Thế là các diễn viên cứ “vờn nhau” trên sân khấu theo kiểu “giỡn nhây” mà thành kịch. Sân khấu nghèo nàn, ánh sáng mờ tỏ không theo nguyên tắc nào. Tác phẩm giống một chương trình văn nghệ quần chúng hơn là một vở diễn sân khấu chuyên nghiệp.

Tương tự, Oan hồn, dàn dựng theo phong cách kịch ma cũng làm nhiều người băn khoăn. Gần nửa thời lượng (mỗi vở quy định 120 phút) vẫn chỉ là những giao đãi về chuyện một anh chàng thích nói điều gở và mối quan hệ giữa chân dài với đại gia. Nhiều tình huống, câu thoại hài đưa vào chỉ để cười mà không hề có tính kết nối.

Sóng muôn đời thao thức đầy tùy tiện: các nhân vật lên sân khấu để… “có mặt đặt tình huống kịch” rồi mất hút, chẳng biết đi đâu, về đâu. Chắc do chán nhạc êm dịu, đạo diễn cho cô bác sĩ và con gái vị giám đốc dắt nhau vào một quán cà phê hệt như cái động của những tay giang hồ. Âm nhạc ở quán cũng tùy hứng theo sự xuất hiện của nhân vật, lúc nhẹ nhàng, khi dồn dập như tiếng đánh nhạc của DJ và cả sự xuất hiện của dàn chân dài tươi mát, nhún nhảy theo chân một vị đại gia cũng đang có mặt ở đó.

Buồn cười nhất là hễ đại gia và chân dài xuất hiện thì tiếng nhạc xập xình trỗi lên. Họ vừa bước vào cánh gà, âm nhạc cũng đột ngột biến mất như chưa từng có.

Dõi theo các tác phẩm ở liên hoan, chợt chạnh lòng khi nhìn lại những sân khấu kịch nói chuyên nghiệp trong nhịp đập chung của các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp của thế kỷ XXI vẫn nghèo nàn đến mức khó tin. Nhiều vở diễn có lối trang trí khá giống nhau: một bức tranh làm nền, có khi mô tả một góc phố cổ, một căn biệt thự trên đồi hoặc bến tàu. Có những bức vẽ đơn sơ, lọt thỏm trên phông nền của Nhà hát Quân Đội TP.HCM mà dù được ánh đèn sân khấu trợ lực, bức hình nền đó cũng chẳng sinh động thêm được bao nhiêu.

Một số vở vẫn sử dụng bục bệ thay cho trang trí sân khấu. Toàn bộ bục bệ gần như được thiết kế “chết”, khiến không gian sân khấu lạc hậu, khô cứng… ngỡ như sân khấu từ hơn 30 năm trước, thời đất nước còn khó khăn. Càng yêu sân khấu sẽ càng buồn và thương sân khấu, bởi sân khấu ngày nay quá nghèo nàn so với sự phát triển của xã hội và nhu cầu thưởng thức của khán giả.

Vẫn còn hơn một phần ba chặng đường, với những đơn vị nghệ thuật tên tuổi: Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, sân khấu Thế Giới Trẻ… Những đợi chờ đầy âu lo và cả những kỳ vọng của khán giả liệu sẽ được đáp đền? 

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam:

Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp 2018 đến giờ cho thấy có những vở chưa được đầu tư chu đáo về chất lượng, nhất là khâu kịch bản. Thực tế nửa chặng đường liên hoan, một lần nữa, là lời báo động về công tác tác giả. Những vấn đề được tác giả đặt ra hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của khán giả.

Từ hạn chế đó, từ chất liệu thô sơ đó, công tác đạo diễn khó có thể vươn cao như chúng ta kỳ vọng. Liên hoan vẫn chưa tìm được những tác phẩm, sáng tạo độc đáo, mới lạ.

Thảo Vân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI