Chào con bé bỏng, mẹ lên đường
Han Jing là một y tá ở bệnh viện số 7 Vũ Hán. Cô hiểu, y tá là người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, nguy cơ lây nhiễm rất cao, thế nhưng cô vẫn chọn cùng đồng nghiệp chiến đấu với dịch bệnh, bởi cô cũng hiểu đó là trách nhiệm.
|
Thẻ công tác của Han Jing |
12/1 là ngày cuối trong kỳ nghỉ thai sản của Han Jing. Cả đêm hôm đó, cô cứ nhìn ngắm con. Thấy con ngủ say sưa, cô xót xa lắm. Cô sẽ ra ngoài kia “chiến đấu” để giấc ngủ của con mãi được bình yên như thế. 6 giờ sáng ngày 13, hôn lên má con tạm biệt, Han Jing xách hành lý lên đường.
Han Jing nói: “Thực ra tôi cũng sợ lắm. Không chỉ sợ bản thân bị nhiễm, mà điều tôi lo sợ hơn đó là truyền bệnh cho người nhà, dẫu sao con tôi cũng còn nhỏ quá”. Trước khi kỳ nghỉ thai sản kết thúc, cô đã thảo luận cùng gia đình chuyện này. “Các thành viên trong gia đình đều rất ủng hộ, đặc biệt là chồng tôi. Điều này đã truyền thêm cho tôi rất nhiều sức mạnh”, Han Jing chia sẻ.
Chồng Han Jing là một quân nhân trong Quân khu tỉnh Hồ Bắc, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, anh cũng luôn ở tuyến đầu. Với tư cách là “vợ quân nhân”, Han Jing hiếm khi hỏi về công việc của chồng, chỉ biết rằng khi cô bước những bước đầu tiên lên tiền tuyến, hai người họ đã chiến đấu bên nhau, mặc dù mỗi người một “chiến trường”. Họ truyền cho nhau quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Từ người chữa trị trở thành bệnh nhân
Quay trở lại bệnh viện sau kỳ nghỉ thai sản, Han Jing nhận thấy mọi thứ đã thay đổi thật nhiều. Hàng trăm hàng ngàn bệnh nhân đang bị nhiễm bệnh, hàng trăm hàng ngàn gia đình đang cầu cứu.
Han Jing ước tính số lượng nhập viện một ngày lên tới cả hơn ngàn người, điều mà trước đây cô chưa hề thấy. Nhìn cảnh tượng y bác sĩ mang kín đồ bảo hộ vội vã đi lại không ngừng, Han Jing đã biết mình phải lao ngay vào cuộc chiến sống còn này.
|
Han Jing (giữa) và đồng nghiệp trong cuộc chiến chống đại dịch |
Thời gian này, những y tá như cô trở nên đa năng hơn, làm việc ở nhiều vị trí hơn. Han Jing ví mình như một cái ốc vít, bất cứ nơi đâu cần thì sẽ có mặt để “lắp vào” giúp đỡ. “Mệt mỏi lắm chứ, nhưng nhìn thấy số bệnh nhân được chữa khỏi không ngừng tăng lên, cảm giác như tất cả hi sinh đều đáng giá”, Han Jing xúc động nói.
Ngày 23/1, khi nghe tin người chồng bị sốt, Han Jing hoang mang tột độ. Cô nộp đơn lên phòng hành chính đề xuất được tự cách ly. Sau khi kiểm tra, tin vui là chồng cô không bị nhiễm COVID-19. Ngay ngày hôm sau, cô đã quay trở lại bệnh viện làm việc.
Vào ngày 30/1, Han Jing đột nhiên cảm thấy hoa mắt chóng mặt. Cô bắt đầu tự hỏi, cảm giác này phải chăng chỉ là cảm cúm thông thường?
Ngày 31, Han Jing đã đi chụp CT theo quy trình, và kết quả cho thấy phổi của cô đã bị tổn thương. “Không thể tin được! Rõ ràng là mình luôn bảo hộ rất tốt, tại sao vẫn bị nhiễm bệnh chứ?”, Han Jing đau khổ tự vấn bản thân.
Tuy nhiên, chuyện cũng đã xảy ra rồi. Chỉ trong một đêm, cô đã trở thành bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Những hộp sữa bột nghĩa tình
Sau khi Han Jing nhiễm bệnh, điều khiến cô không yên tâm nhất chính là đứa con trai mới vài tháng tuổi. Cô nói, “mang thai hơn 40 tuần mà nó chưa chịu chào đời, nó giống như học sinh lưu ban không chịu lên lớp, thế nên tôi mới đặt tên con là Deng Deng (nghĩa là “Đợi một chút”)”. Giọt nước mắt cứ thế lăn dài trên khuôn mặt đang gượng cười khi Han Jing chia sẻ.
Lúc cô “chiến đấu” trên tuyến đầu với dịch bệnh, Deng Deng được bà ngoại chăm sóc. Nghĩ đến con đột nhiên phải xa cách mẹ, không được bú sữa mẹ như bao đứa trẻ sơ sinh khác, Han Jing thương con vô cùng.
“Có thứ cho con ăn là được rồi”, chồng cô đã an ủi cô như vậy. Tuy nhiên, sữa bột trong nhà tích trữ cho con đã sắp hết, Han Jing lo lắng nằm khóc trên giường bệnh. Cảm giác bất lực khiến cô đau khổ vô cùng.
“Đột nhiên, một cuộc điện thoại lạ gọi đến và hỏi tôi có gặp khó khăn gì không”. Sau khi biết rằng sữa bột trẻ em nhà Han Jing sắp hết, Xu Hui – một thành viên trong đội tình nguyện đã lái xe đi Hankou mua hàng chục lon sữa bột và đưa nó đến trước cổng nhà cô ngay trong đêm. Han Jing rất biết ơn những tấm lòng như vậy.
|
Những hộp sữa được "cứu trợ" đúng lúc khiến Han Jing vô cùng xúc động |
“Đợi hết 14 ngày cách ly tiếp theo, tôi vẫn trở lại làm việc”
Giờ cô đang nằm trên giường bệnh và không thể làm được gì. Cô thấy mình trở thành “gánh nặng” cho đồng nghiệp. Cảm giác áy náy và chua chát cứ bám lấy tâm trí Han Jing.
Còn nhớ, ngày cô được đưa vào phòng cách ly của bệnh viện, cô không thể chợp mắt. Trong đêm, âm thanh nhỏ giọt của thiết bị theo dõi và tiếng bước chân vội vã nghe thật rõ.
Trong thời gian nằm điều trị, Han Jing hiểu sâu sắc hơn tâm trạng của bệnh nhân. “Chỉ đến khi cá nhân tôi trải nghiệm nó, tôi mới biết rằng mọi người đều phản ứng như nhau trước dịch bệnh”. Đừng để bản thân suy sụp, một khi đã vượt qua được cảm giác hoảng loạn, ta sẽ bình tĩnh và quyết tâm hơn bao giờ hết.
Đến 17/2, sau 10 ngày trị liệu, Han Jing bình an ra khỏi khu điều trị. Giường của cô đã có bệnh nhân mới thay thế. Cô chuyển đến khu vực khác vào tối hôm đó và bắt đầu theo dõi kiểm dịch trong 14 ngày.
Cô nhìn ra cửa sổ, thời tiết đang đẹp và cô thở phào nhẹ nhõm. Han Jing nói, “đợi hết 14 ngày cách ly tiếp theo, tôi vẫn trở lại làm việc. Không vì điều gì khác, chỉ vì một điều duy nhất, đó là sự bình an”.
Vũ Hoài – Đình Nhân