Nữ y tá dành 25 năm để hỗ trợ bệnh nhân ung thư vú

16/10/2023 - 15:38

PNO - Từ vai trò điều dưỡng, người nữ y tá ở bệnh viện Tan Tock Seng đã dành hết tuổi trẻ giúp đỡ bệnh nhân, với khẩu hiệu: “Tất cả vì phụ nữ”.

 

Bà Patmavathy Chellaiyya (hàng sau, thứ 2 từ phải sang, đứng giữa 2 người đeo kính) cùng các thành viên Nhóm hỗ trợ ung thư vú TTSH trong chuyến đi chơi năm 2022 – Ảnh: Tan Tock Seng Hospital
Bà Patmavathy Chellaiyya (hàng sau, thứ 2 từ phải sang) cùng các thành viên Nhóm hỗ trợ ung thư vú TTSH trong chuyến đi chơi năm 2022 – Ảnh: Tan Tock Seng Hospital

Bà Patmavathy Chellaiyya là y tá nhiều năm kinh nghiệm ở Bệnh viện Tan Tock Seng (TTSH) ở Singapore. Bà Chellaiyya kể lại với Channel News Asia (CNA) cuộc đời đồng hành cùng các bệnh nhân ung thư vú và lý do bà thành lập nhóm hỗ trợ bệnh nhân TTSH.

Bà tâm sự: “Tôi cũng là phụ nữ và tôi biết bộ ngực quan trọng như thế nào với phụ nữ, nên tôi cảm thông với bệnh nhân rất nhiều, vượt xa cả việc chăm sóc lâm sàng”.

Bà Chellaiyya chia sẻ, công việc của bà không chỉ đòi hỏi kiến thức, kỹ năng mà cả cái tâm để chăm sóc phụ nữ về mặt cảm xúc, bệnh nhân ung thư vú là nữ thường phải đối mặt với lựa chọn khó khăn, không biết phải đối phó bệnh tật như thế nào.

Nữ y tá hơn 40 năm kinh nghiệm cho biết: “Có bệnh nhân bị suy sụp nặng nề sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú và chúng tôi không hiểu tại sao hoặc cần làm gì”.

“Nhưng sau vài cuộc hẹn, cô ấy chấp nhận mở lòng giải thích lý do từ chối phẫu thuật, cô ấy tiết lộ rằng đó là vì người chồng dọa sẽ ly hôn nếu cô ấy cắt bỏ vú, cả khi ung thư lan rộng”, bà Chellaiyya kể.

Theo đó, bà Chellaiyya nhận ra các bệnh nhân ung thư vú phải trải qua bước ngoặt thay đổi cuộc đời, họ không biết phải tìm đến ai để bầu bạn. Điều này thôi thúc bà thành lập Nhóm Hỗ trợ Ung thư vú TTSH vào năm 2000.

Nữ y tá cho biết: “Nhóm bắt đầu rất nhỏ. Ngoài tôi với tư cách là người hỗ trợ, chỉ có khoảng 5 bệnh nhân nữ và những người khác đã vượt qua hiểm nghèo. Ngày càng có nhiều người tham gia hơn và một số người chiến thắng bệnh tật còn trở thành cố vấn được đào tạo về ung thư vú, giúp các bệnh nhân khác”.

Bà Chellaiyya kể: “Các thành viên lên kế hoạch ăn trưa và đi chơi sau khi hẹn gặp bệnh nhân, để họ có điều gì đó mong đợi, bất kể kết quả tại phòng khám như thế nào. Họ cũng sẽ chia sẻ những lời động viên, hy vọng, niềm tin và thái độ không bao giờ bỏ cuộc, dù hoàn cảnh có đen tối đến đâu”.

Nhóm Hỗ trợ Ung thư vú TTSH thậm chí còn đóng vai trò như một “hội bạn”, nơi phụ nữ chia sẻ các mẹo vặt và giao dịch mua sắm, như nơi tìm tóc giả tốt, nền tảng quyên góp tóc cũng như các dịch vụ hỗ trợ và liệu pháp spa.

Nữ y tá 64 tuổi cho biết, nhóm Hỗ trợ Ung thư Vú TTSH đã tổ chức hàng chục hoạt động và đồng hành cùng hơn 100 phụ nữ, nhóm hiện có khoảng 30 thành viên thường trực. “Tất cả vì phụ nữ” là tinh thần làm việc của nhóm.

Bà Chellaiyya nhắn nhủ: “Bất cứ ai mắc bệnh ung thư vú nên biết rằng đó không nhất định là bản án tử hình và họ không cần vượt qua nó một mình. Dù đó là với vợ hoặc chồng, con cái, những bệnh nhân sống sót, cố vấn, bác sĩ hay y tá, đó là hành trình họ có thể cùng nhau đối mặt với sự trợ giúp từ những người khác”.

Trường An (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI