Nữ VĐV gốc Hoa tại Olympic 2022: Chênh vênh giữa đôi bờ công - tội

15/02/2022 - 11:17

PNO - Dù đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở về thi đấu cho màu cờ sắc áo của Trung Quốc tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, thế nhưng nữ vận động viên Chu Dịch vẫn phải hứng chịu cơn thịnh nộ của người hâm mộ ở xứ sở tỷ dân.

Có thể trước khi quyết định từ bỏ quốc tịch Mỹ vào năm 2018 để trở về đầu quân cho đội tuyển trượt băng nghệ thuật của Trung Quốc thi đấu tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, nữ vận động viên Chu Dịch (Zhu Yi) không ngờ rằng, mình lại trở thành "tội đồ” trong mắt nhiều người dân ở quê nhà đến như vậy.

Nữ vận động viên người Mỹ Chu Dịch thi đấu trong màu áo của đội tuyển Trung Quốc ở Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 - Ảnh: Aleksandra Szmigiel/Reuters
Nữ vận động viên người Mỹ Chu Dịch thi đấu trong màu áo của đội tuyển Trung Quốc ở Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 - Ảnh: Aleksandra Szmigiel/Reuters

Ở môn trượt băng đồng đội nữ ngày 6/2, Chu Dịch đã bị ngã trong khi thi đấu khiến vị trí của đội tuyển Trung Quốc bị tụt từ hạng 3 xuống hạng 5. Chỉ sau đó một ngày, cô tiếp tục “sẩy chân” trong phần thi trượt băng nữ tự do để rồi ngay lập tức phải hứng chịu cơn “cuồng phong” với những lời chỉ trích lẫn nhục mạ tràn ngập trên mạng xã hội Trung Quốc.

Hashtag #ZhuYiFellDown (Chu Dịch vấp ngã) lan tràn trên nền tảng Weibo - mạng xã hội đông người dùng nhất tại Trung Quốc - và đạt mốc 200 triệu lượt xem chỉ trong vòng vài giờ sau đó. Không chỉ bị tấn công bởi khả năng tiếng Trung không được lưu loát của mình, cô gái 19 tuổi này còn bị chỉ trích vì đã... sinh ra ở Mỹ. Và kể cả khi cô bật khóc trên sàn đấu sau cú trượt ngã thì cũng khiến người hâm mộ Trung Quốc cảm thấy “ngứa mắt”, cho đó là thái độ yếu đuối, nhu nhược không nên có.

“Tôi ghét việc cô ta òa khóc trước công chúng. Liệu khóc lóc có giúp giải quyết được vấn đề gì không?”, một người dùng mạng xã hội viết. Và người ta có thể đọc được hàng triệu những lời chỉ trích tiêu cực kiểu như vậy.

Hình ảnh Chu Dịch trượt ngã và bật khóc trên sàn đấu khiến người dân Trung Quốc nổi giận - Ảnh: Get India News
Hình ảnh Chu Dịch trượt ngã và bật khóc trên sàn đấu khiến người dân Trung Quốc nổi giận - Ảnh: Get India News

Chu Dịch là một trong số hàng chục vận động viên người nước ngoài gốc Trung Quốc được chính phủ nước này chiêu mộ trở về phục vụ cho mục tiêu chinh phục Thế vận hội mùa đông 2022 được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh. Tuy nhiên, có vẻ như chỉ có mỗi Chu Dịch là bị người Trung Quốc quay lưng một cách nặng nề như những gì đang diễn ra.

“Tôi cho rằng, mặc dù Chu Dịch đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở thành công dân Trung Quốc, thế nhưng những đôi mắt dò xét của người dân đất nước này vẫn không chấp nhận cô ấy bởi khả năng tiếng Trung kém, không sinh ra ở Trung Quốc. Và vì thế, không thừa hưởng được gốc gác văn hóa của quê hương”, Christina Chin, một nhà nghiên cứu về châu Á nói với hãng tin NBC.

Ellen Wu, chuyên gia về các vấn đề chủng tộc, nhập cư và lịch sử của Mỹ cho rằng, đây là điều xảy ra khá phổ biến đối với những người châu Á nhập cư vào Mỹ trước đây và thế hệ con cái của họ bây giờ.

“Có một định kiến rõ ràng đối với những người Trung Quốc sinh ra và lớn lên ở hải ngoại. Và nếu một ai đó có gốc gác Trung Quốc nhưng không thể nói được tiếng Trung thì đó quả là một điều đáng sợ”, giáo sư Ellen nhận xét.

Thế nhưng, trường hợp của nữ vận động viên mang hai dòng máu Mỹ - Trung có tên Cốc Ái Lăng (Eileen Gu) lại trái ngược hoàn toàn với Chu Dịch.

Cô gái 18 tuổi này đoạt được ngôi vị cao nhất ở bộ môn trượt băng tự do tại Thế vận hội Bắc Kinh 2022 và được tung hô là “cô gái vàng” trên mạng xã hội Trung Quốc mặc dù cô không hề sử dụng thành thạo tiếng Trung.

- Ảnh: Richard Heathcote/Getty Images
Nữ vận động viên người Mỹ gốc Trung Quốc Cốc Ái Lăng được tung hô nhờ thành tích thi đấu tốt của mình - Ảnh: Richard Heathcote/Getty Images

Giáo sư Stanley Thangaraj chuyên nghiên cứu về chủng tộc và giới trong thể thao nói rằng, chuyện thắng thua là điều dễ hiểu trong thể thao. Thế nhưng, một khi thất bại rơi vào các vận động viên nữ thì họ sẽ trở thành “con dê tế thần” của công chúng Trung Quốc, nơi mà tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại một cách nặng nề.

“Như với trường hợp của Chu Dịch, mọi chuyện sẽ ổn nếu cô ấy đoạt được huy chương vàng kể cả khi không thể nói được một câu tiếng Trung hoàn chỉnh”, giáo sư Thangaraj bình luận.

Nguyễn Thuận (theo NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI