Nữ văn sĩ Mã Dĩ Công không lùi bước trong cuộc chiến bảo vệ môi trường

23/10/2020 - 16:06

PNO - Khởi đầu bằng chiến dịch cứu các cánh rừng ngập mặn ở Đạm Thủy (thành phố Tân Đài Bắc), nhà tiên phong bảo tồn thiên nhiên kiêm nhà văn Đài Loan Mã Dĩ Công từng bị đe dọa lẫn cám dỗ bởi những kẻ xung đột lợi ích với sứ mệnh của bà.

Bà Mã, sinh năm 1948, tại Đài Bắc. Khi theo học ngành kiến trúc, bà bắt đầu quan tâm đến môi trường. “Sống có trách nhiệm với môi trường là khái niệm đầu tiên tôi học được ở đó. Kiến trúc sư mà không hiểu được điều này thì trước khi cố gắng tạo ra một không gian sống nhỏ, họ đã có thể phá hủy một không gian sống rộng lớn hơn” - bà nói với tạp chí Taiwan Panorama.

Ủy viên Giám sát viện kiêm nhà hoạt động môi trường Mã Dĩ Công đang giải quyết việc TP.Đài Bắc xử lý sai vụ tòa nhà Yuanta I Pin mới đây - Ảnh: Taipei Times
Ủy viên Giám sát viện kiêm nhà hoạt động môi trường Mã Dĩ Công đang giải quyết việc TP.Đài Bắc xử lý sai vụ tòa nhà Yuanta I Pin mới đây - Ảnh: Taipei Times

Rừng quý hơn vàng

Niềm tin này được củng cố trong thời gian Mã Dĩ Công học tập tại Mỹ. Trở về Đài Loan năm 1975, bà hết sức lo lắng trước sự phát triển chóng mặt ở quê hương. Năm 1976, khi làm việc tại Cục Du lịch, bà đã đóng vai trò quan trọng giúp bảo tồn các di tích văn hóa. 

Mặc dù từ đầu thập niên 1980, chính phủ cam kết bảo vệ rừng, nhưng Cơ quan Thủy lợi Đài Loan vẫn kiên quyết phát triển các dự án nhà ở trên tài nguyên quốc gia. Tháng 6/1980, các khu rừng ở Đạm Thủy đã phải hứng chịu một cuộc tàn phá nghiêm trọng. Các “nhà phát triển” vô tâm đã triệt hạ hơn 30.000m2 rừng. Một năm sau, chính phủ buộc phải thành lập Cục Bảo vệ môi trường trước sức ép của các nhà khoa học và nhà hoạt động vì thiên nhiên.

Khi đó, bà Mã đã viết: “Chỉ trong mười năm qua, mọi người mới bắt đầu để ý đến sinh thái và xem xét đến mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Người ta đánh giá vấn đề này dựa trên các giá trị thực dụng, như chúng ta có thể ăn rừng ngập mặn không, có thể sử dụng chúng làm nhiên liệu không, hay chúng có chống được ung thư không. Có vẻ như vạn vật chỉ có quyền tồn tại nếu chúng hữu dụng với loài người”.

Ngòi viết vì môi trường

Cho đến nay, nữ văn sĩ Mã Dĩ Công được xem là một trong những người tiên phong trong nỗ lực bảo tồn môi trường tại Đài Loan. Bà vẫn còn nhớ mình đã thở phào nhẹ nhõm thế nào sau cuộc họp tháng 3/1981 để quyết định số phận cuối cùng của các khu rừng ngập mặn Đạm Thủy.

“Đặc biệt, xét về sức mạnh quốc gia hôm nay, chúng ta không cần thiết phải phá hủy bất cứ hệ sinh thái ổn định nào chỉ vì một chút lợi ích kinh tế. Kết quả của ngày hôm nay ít nhất mang lại tia hy vọng cho tương lai bảo tồn sinh thái của Đài Loan” - nhà văn viết trong cuốn Chúng ta chỉ có một trái đất, xuất bản năm 1983 với đồng tác giả là nhà hoạt động Hàn Hàn - người bạn cùng lớp thời trung học của bà.

Mã Dĩ Công bắt đầu viết về môi trường từ năm 1979. Vào năm 1981, tờ Liên Hiệp Báo đã mạnh dạn cho phép bà Mã và Hàn Hàn giữ hẳn một chuyên mục thường xuyên về môi trường trên báo. Trong những bài báo đầu tiên, họ đã không ngừng thảo luận về rừng ngập mặn. Bộ đôi đã giành được giải Kim Đỉnh năm 1982 cho thể loại chính luận xuất sắc. Đây là danh hiệu cao quý nhất trong ngành báo chí, xuất bản của Đài Loan. Từ đây, các sứ mệnh của bà Mã về môi sinh được chú ý nhiều hơn. Năm sau, bà tiếp tục nhận giải thưởng văn học  Ngô Tam Liễn.

Ngoài công việc tại Cục Du lịch, bà Mã còn tham gia quy hoạch công viên Khẩn Đinh - vườn quốc gia đầu tiên của Đài Loan, được thành lập năm 1984. Bà không ngừng ủng hộ nhiều vấn đề bảo vệ môi trường, văn hóa trong hàng chục năm sau đó. Cuối cùng, bà được bổ nhiệm Ủy viên Giám sát viện - cơ quan có chức năng giám sát, điều tra chính phủ.

Nhiệm vụ của bà ngày càng khó khăn vì bị nhiều người ghét khi viết rất nhiều về bê bối môi trường, y tế. Bà còn tham gia rất nhiều phong trào khác, từ chống hạt nhân cho đến chống hút thuốc lá. Trong cuốn sách Không lùi dù chỉ một bước (năm 1987), Mã Dĩ Công viết: “Trong những năm qua, tôi đã bị đe dọa lẫn cám dỗ bởi những kẻ mà quyền lợi bị ảnh hưởng do những điều mà tôi đã không ngừng chỉ trích. Một số còn dọa đưa tôi ra tòa. Nhưng tên cuốn sách đã nói lên tất cả”. 

Nam Anh (theo Taipei Times)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI