Khát vọng xây dựng thiết chế về văn hóa, giáo dục
Bốn nữ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) mà chúng tôi giới thiệu trong bài viết này đều hội tụ một khát vọng xây dựng thiết chế bền vững - bao gồm văn hóa, giáo dục - cho từng cộng đồng dân cư và cho mỗi người dân.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử
Năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 làm tê liệt các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động du lịch, trả lời phỏng vấn của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - khi đó là Phó giám đốc Thường trực Sở Du lịch TPHCM - tỏ ra rất trăn trở, đồng thời cũng thẳng thắn đánh giá về hiện trạng ngành du lịch của TPHCM. Theo bà, dù có dịch bệnh hay không, phải nhìn nhận năng lực cạnh tranh của ngành vẫn còn yếu do thiếu một chiến lược chung.
Bây giờ, là Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, ứng cử viên đại biểu HĐND TPHCM khóa X, bà vẫn tiếp tục mạch trăn trở ấy: “Nghị quyết Trung ương V khóa VIII khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Như vậy, muốn phát triển một cách bền vững và có đặc trưng riêng, du lịch phải gắn liền với phát huy, tôn tạo các giá trị văn hóa, lịch sử”.
Theo bà, ngành du lịch TPHCM đã, đang và sẽ đi theo hướng này để không chỉ trở thành một ngành kinh tế dịch vụ mũi nhọn, mà còn góp sức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc nói chung và những đặc trưng văn hóa riêng của TPHCM, bảo vệ và tôn tạo tài nguyên môi trường, cải thiện cảnh quan đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.
Trong chương trình hành động của mình, bà mong muốn kết nối và giám sát công tác cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và các hoàn cảnh khó khăn thông qua các chương trình vì cộng đồng tại Q.Gò Vấp, nơi bà sinh sống. Theo bà Ánh Hoa, đây là cách tốt nhất để xây dựng thiết chế văn hóa tại cộng đồng dân cư.
Đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường
Là đại biểu HĐND TPHCM khóa VIII và IX, ca sĩ Thanh Thúy, tức bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, ứng cử viên đại biểu HĐND TPHCM khóa X - nói: “Tôi ý thức sâu sắc đây là trách nhiệm lớn trước cử tri và nhân dân thành phố. Là đại biểu HĐND TPHCM hai nhiệm kỳ, tôi luôn nỗ lực kế thừa và phát huy kết quả, kinh nghiệm hoạt động của HĐND thành phố, đồng thời mong muốn tiếp tục cùng tập thể Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM quyết tâm thực hiện chiến lược phát triển ngành văn hóa thành phố”.
Bà cho biết, TPHCM đã đưa các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc vào học đường, góp phần nâng cao kiến thức lịch sử văn hóa, nghệ thuật dân tộc trong các cấp học. Năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã ký kế hoạch liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM nhằm đưa các loại hình văn hóa dân tộc, nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, đặc trưng của phương Nam vào trường học. Đến nay, dù dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ, nhưng đã có khoảng 150 giáo viên đăng ký tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức âm nhạc dân tộc, múa dân gian, đờn ca tài tử, cải lương.
Một nội dung khác mà bà Thanh Thúy quan tâm, đưa vào chương trình hành động của mình là xây dựng ngành công nghiệp văn hóa TPHCM: “Chúng tôi cụ thể hóa những lĩnh vực trọng điểm, thế mạnh của TPHCM để phát triển như nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, thời trang, quảng cáo, mỹ thuật, kiến trúc… Khi xây dựng các lĩnh vực này theo hướng công nghiệp văn hóa với các cơ chế, chính sách phù hợp, tự thân nó sẽ huy động các nguồn lực xã hội để lớn mạnh, sẽ sinh ra nhiều nguồn lợi và đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần cho người dân”.
Kết nối nhà đào tạo với đơn vị tuyển dụng
Nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, bà Nguyễn Thị Minh Hồng - tiến sĩ văn học, Chủ tịch Hội đồng nhà trường, Trường đại học Sư phạm TPHCM - luôn tập trung trí tuệ, sức lực cho các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Theo bà, đáp số cho những bài toán về phát triển bền vững là giáo dục.
Với tư cách là ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, bà Minh Hồng chia sẻ mối quan tâm của mình: “Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, phản biện, góp phần hoàn thiện các giải pháp, chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là các chính sách phát triển đội ngũ giáo viên, vấn đề sách giáo khoa mới, các chính sách liên quan các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ trẻ em, chuẩn hóa hệ thống trường và phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông ở các khu công nghiệp, vùng khó khăn”.
Riêng tại Trường đại học Sư phạm TPHCM, bà đặt mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo với ba định hướng. Một là, đổi mới công tác tuyển sinh, công tác hướng nghiệp để chọn lựa các thí sinh có tình yêu đối với nghề giáo và có đủ năng lực, phẩm chất phù hợp với nghề giáo và gắn bó với nghề lâu dài; nghiên cứu, tư vấn cho các tỉnh, thành về đào tạo giáo viên theo đặt hàng, đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn và chiến lược phát triển giáo dục địa phương.
Hai là, đổi mới chương trình đào tạo, tham gia kiểm định các ngành đào tạo giáo viên theo chuẩn quốc tế và quốc gia, đảm bảo sinh viên ra trường có đủ năng lực và phẩm chất làm nghề giáo, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục, chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên. Ba là, chú trọng việc kết nối với các sở giáo dục và đào tạo, các đơn vị tuyển dụng, đảm bảo cho sinh viên ngành sư phạm có điều kiện tiếp cận vị trí việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo.
Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ
Trong vai trò Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM khóa XIV, bà Văn Thị Bạch Tuyết luôn dành thời gian thỏa đáng để tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, đồng thời phản ánh các kiến nghị của cử tri đến Quốc hội. Tiếp tục được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM giới thiệu tái ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bà Bạch Tuyết cho biết, sẽ tiếp tục quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục gắn với thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, giám sát các chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội.
“Tôi thấy việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em đã được đề cập nhiều lần tại diễn đàn Quốc hội, nhưng chưa có nhiều chuyển biến. Thực tế cho thấy, môi trường sống của trẻ em ở nhiều nơi chưa an toàn và lành mạnh, còn xảy ra nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em” - bà trăn trở. Theo bà Tuyết, cả hệ thống chính trị cần phải quan tâm và thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo vệ trẻ em, phòng chống hiệu quả nạn bạo hành, xâm hại trẻ em.
“Tôi quan tâm việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em trên không gian mạng, sóng truyền hình, trong trường học, các khu công cộng. Điều này cần sự giám sát của Quốc hội đối với các bộ và các địa phương. Cần trang bị hệ thống giám sát an ninh nơi công cộng, khu vui chơi giải trí, trường học… và đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, liên tục nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt phụ huynh” - bà Bạch Tuyết nói.
Muốn thực hiện tốt các mục tiêu trên, theo bà, Chính phủ phải giám sát chặt chẽ trách nhiệm của chính quyền địa phương, xử lý nghiêm lãnh đạo địa phương không thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho cư dân.
Quốc Ngọc
|