Nữ tướng Nguyễn Thị Định: Một đời trọn vẹn với non sông

15/03/2020 - 12:41

PNO - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về bà: “Phó tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920, cách nay đúng 100 năm, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà tham gia hoạt động cách mạng năm 1936, khi vừa tròn 16 tuổi, và hai năm sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Bích, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre. Khi bà mới sinh con 3 ngày, mật thám đến nhà vây bắt ông Bích. Ông bị kết án 5 năm tù, bị đày biệt xứ rồi hy sinh tại Côn Đảo.

  Ngày 17/4/1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng và là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày 17/4/1974, bà Nguyễn Thị Định được phong quân hàm Thiếu tướng và là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Bà Ba Định gặp gỡ chị em phụ nữ trong kháng chiến.
Bà Ba Định gặp gỡ chị em phụ nữ trong kháng chiến
Nữ tướng bên vị lãnh đạo Nước cộng hòa Cuba Phidel Castro
Nữ tướng Nguyễn Thị Định và vị lãnh tụ nước cộng hòa Cuba Fidel Castro

Ngày 19/7/1940, bà và đứa con trai 7 tháng tuổi bị mật thám vây bắt, đưa về Khám Lá (Bến Tre). Bà buộc phải xa con, gửi con trước khi bị đi đày ở Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước). Năm 1943, ngay khi vừa ra tù, bà liên lạc với tổ chức và tiếp tục hoạt động cách mạng tại Châu Thành.

Năm 1945, bà cầm cờ dẫn đầu hàng ngàn quần chúng rầm rộ tiến vào giành chính quyền ở thị xã Bến Tre. Tháng 3/1946, bà cùng với đoàn cán bộ miền Nam vượt biển ra miền Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam bộ, xin chi viện 12 tấn vũ khí đưa về miền Nam.

Năm 1954, bà là Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ Cứu quốc Nam bộ, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, bà gửi con trai ra miền Bắc còn mình ở lại miền Nam chiến đấu. 

Đêm 17/1/1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, nhân dân huyện Mỏ Cày đã nổi dậy khởi nghĩa. Lúc này, với cương vị Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bà vừa chỉ đạo lực lượng vũ trang đánh địch chống càn, vừa huy động lực lượng quần chúng đấu tranh binh vận, đấu tranh chính trị với phương châm “Ba mũi giáp công” và thành lập nên “Đội quân tóc dài”. 

Sau phong trào Đồng khởi 1960, bà làm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Bến Tre. Năm 1961, bà là Khu ủy viên Khu 8. Năm 1964, bà được bầu là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. 

  Ngày 17/4/1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng và là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Với đồng đội, hình ảnh bà luôn thật giản dị với áo bà ba, khăn rằn... 

Năm 1965, tại Đại hội Phụ nữ toàn miền Nam, bà được bầu là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam. Từ năm 1965 đến năm 1975 bà là Phó tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngoài công tác chung, Bộ Tư lệnh phân công bà theo dõi chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị.

Sau ngày thống nhất đất nước, bà giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước... Bà đã có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.

Vào 22 giờ 50 phút ngày 26/8/1992, trái tim của vị nữ tướng huyền thoại Nguyễn Thị Định ngừng đập. Bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn với non sông, đất nước, đã có nhiều đóng góp lớn lao với Tổ quốc, với nhân dân.

Thanh Xuân

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 
TIN MỚI