Nữ tu công giáo: Chăm lo cho trẻ em nghèo và lan tỏa yêu thương

25/12/2023 - 06:52

PNO - Không chỉ tu tập, các nữ tu còn bền bỉ thực hiện nhiều chương trình xã hội thiện nguyện. Họ nguyện sống đời sống phụng sự, mang tình yêu thương để chăm lo cho trẻ khó khăn, người nghèo và lan tỏa tình yêu này đến tất cả mọi người.

 

Lớp học tình thương cho trẻ khó khăn

Lớp học tình thương Vinh Sơn (giáo xứ Chợ Quán, quận 5, TPHCM) do cô giáo Nguyễn Thị Hiệp đứng lớp chỉ có 16 học trò. Phần đông các em đều đã quá tuổi vì trước đó gia đình không có điều kiện cho các em đến lớp. Em Trương Ngọc Mai Linh (15 tuổi) đang học lớp Năm cho biết: “Trước đây con học đến lớp Ba thì nghỉ. 2 năm trước, con được các sơ nhận vào lớp học. Ở đây con có bạn, con thấy rất vui”. 

 Sơ Linh (áo đen, đứng giữa) và cán bộ Hội LHPN TPHCM đến thăm lớp học tình thương Vinh Sơn nhân dịp Giáng sinh
Sơ Linh (áo đen, đứng giữa) và cán bộ Hội LHPN TPHCM đến thăm lớp học tình thương Vinh Sơn nhân dịp Giáng sinh

 

Cuộc sống của Mai Linh còn nhiều khó khăn. 2 mẹ con em đang ở trọ tại quận 5. Mẹ làm công nhân, còn Mai Linh đi bán vé số. 2 tháng nay em được người quen giới thiệu đi học nghề làm bánh. Nhờ khéo tay, chăm học, nay em đã có thể tự làm được bánh kem, bánh bông lan cuộn. 

 

Ở cuối dãy bàn, em Trần Lê My My (14 tuổi) được cô Hiệp nhận xét là tiếp thu bài tốt, lanh lẹ. My cho biết, gia đình em khó khăn vì có một mình mẹ đi làm nuôi 4 đứa con. Mới đây, 2 chị lớn của My đã đi làm. Còn My và em trai theo học tại lớp học tình thương Vinh Sơn được 2 năm nay.

Nữ tu Nguyễn Thị Trúc Linh (sơ Linh) - người quản lý và điều hành lớp học - cho biết, chương trình tập trung vào dạy 2 môn toán và tiếng Việt. Những năm gần đây, học sinh còn được học thêm tiếng Anh và tin học. Sau khi hoàn thành chương trình lớp Năm, các em được chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học và có thể tiếp tục học lên THCS.

Sơ Linh thông tin thêm, lớp học tình thương Vinh Sơn được thành lập năm 1992 với khoảng 30 học sinh. Đến nay, lớp có tất cả 6 lớp, trình độ từ lớp Một đến lớp Năm, tổng cộng 110 học sinh. Các em đều có hoàn cảnh, đa phần là trẻ mồ côi, trẻ em thuộc diện gia đình có cha mẹ ly hôn và tái hôn, không có giấy tờ tùy thân, quá tuổi nhập học trường công lập, trẻ đường phố… 

Từ năm 2020, sơ Linh có duyên về TPHCM, tham gia quản lý và điều hành lớp học tình thương Vinh Sơn. “Ngày đầu đến lớp, nhìn thấy các con vẫn là cảm xúc bồi hồi, thương hoàn cảnh của từng đứa trẻ. Tôi nguyện sống đời sống phụng sự, mang tình yêu thương đến với trẻ khó khăn và truyền thông tình yêu này đến với tất cả mọi người” - sơ Linh tâm tình. 

Là thạc sĩ giáo dục, sơ Linh từng có thời gian dài làm công tác giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng nên có sự gắn kết với các thầy cô giáo, theo sát kế hoạch giảng dạy cũng như tình hình học tập của học trò. Tuy nhiên, sau 3 năm gắn bó với lớp học, bà vẫn còn nhiều trăn trở vì chuyện học của trẻ rất bấp bênh, nhiều em nghỉ học, bỏ học giữa chừng bởi hoàn cảnh gia đình. Chính vì thế, ngoài việc học chữ, học tính toán, các em còn được chú trọng giáo dục nhân cách, tham gia các chuyên đề giáo dục giới tính, ứng xử trên không gian mạng… với niềm hy vọng giúp các em yêu thích đi học. 

Tham gia giảng dạy hiện nay có các sơ và các cô giáo có tấm lòng thiện nguyện. Theo sơ Linh, để duy trì được lớp học, bà luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cha xứ, tình yêu thương của các đơn vị, nhà hảo tâm. 

Phòng khám miễn phí cho bệnh nhân nghèo

73 tuổi, nữ tu Trần Thị Lý (sơ Lý) vẫn cần mẫn với công việc khám bệnh miễn phí tại Phòng chẩn trị y học cổ truyền từ thiện Hy vọng (Phòng khám Hy vọng) ở ấp Giòng Sao, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. 

Buổi sáng, ông Nguyễn Thanh Sơn được người nhà chở đến phòng khám từ rất sớm. Sơ Lý ưu tiên đo huyết áp, bốc thuốc và hướng dẫn tập vật lý trị liệu cho ông. Ông Sơn bị tai biến, nằm một chỗ nhiều tháng. Sau đó ông được người quen giới thiệu đến phòng khám của sơ Lý. “Chỉ mấy tháng điều trị mà sức khỏe của tôi dần hồi phục, bây giờ đã có thể đứng dậy, đi lại được, như có phép màu. Tôi rất biết ơn sơ Lý đã giúp tôi không thành người tàn phế” - ông Sơn nói. 

Dù tuổi đã cao nhưng sơ Lý vẫn miệt mài với sứ mệnh khám, chữa bệnh cứu người
Dù tuổi đã cao nhưng sơ Lý vẫn miệt mài với sứ mệnh khám, chữa bệnh cứu người

Ngoài những bệnh nhân lớn tuổi như ông Sơn, phòng khám lúc nào cũng có đông bệnh nhân trẻ em. Các em rất quấn quýt sơ Lý. Sơ kể, có một cô bé 5 tuổi bị cảm lạnh, co giật, méo miệng, ngày nào đến phòng khám bé cũng thỏ thẻ “hôm nay con đẹp rồi” và ôm chặt lấy sơ. 

Sơ Lý dẫn chúng tôi đến thăm bé Nguyễn An Bình, từng bị sốt co giật, liệt nửa người và không nói chuyện được. Sau 4 tháng điều trị bằng các phương pháp bấm huyệt, chạy điện kết hợp với tập vật lý trị liệu, đến nay An Bình đã có thể cử động được tay chân, nói bập bẹ.

Mỗi ngày, nhìn thấy bệnh nhân dần hồi phục, sơ Lý lấy đó làm niềm vui, động lực để tiếp tục cống hiến. Phòng khám của bà tiếp nhận khám và điều trị khoảng 120 bệnh nhân mỗi ngày, đa phần là người lao động, người khó khăn, trẻ em mắc các bệnh về xương khớp, thoái hóa cột sống cổ, di chứng tai biến mạch máu não, trẻ em bại não, suy nhược thần kinh… Bằng phương pháp châm cứu, quang châm, bấm huyệt, tập vật lý trị liệu, dưỡng sinh kết hợp với dùng thuốc nam, phòng khám đã thắp lên hy vọng chữa lành cho nhiều bệnh nhân.

Hoạt động từ năm 2015, đến nay, phòng khám đã có 4 phòng điều trị, 1 phòng vật lý trị liệu, phòng thuốc, phòng bào chế thuốc. Nơi đây còn trồng nhiều loại thuốc quý để phục vụ chữa bệnh. Ngoài sơ Lý còn có 8 nữ tu có nghề cùng tham gia khám, chữa bệnh. Nhiều bệnh nhân sau khi được chữa lành bệnh đã quay trở lại làm tình nguyện viên, chung tay hỗ trợ cho phòng khám.

Diễm Trang 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI