Nữ trưởng làng U70 “truyền lửa” làm giàu cho hội viên

24/11/2023 - 06:15

PNO - Khởi nghiệp ở tuổi về hưu nhờ chương trình “Bạn của nhà nông”, bà Liên đã dày công mày mò, học hỏi kiến thức nuôi giun quế; sử dụng giun quế xử lý rác thải, làm thức ăn chăn nuôi, phân bón cho cây trồng… Sản phẩm chăn nuôi của bà đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của TP Hà Nội năm 2023.

Vô tình...khởi nghiệp

Bà Nguyễn Thị Liên (xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) trở thành đồng Trưởng làng nông nghiệp Techfest quốc gia ở tuổi ngấp nghé 70. 18 năm trước, 51 tuổi, sau 32 năm 6 tháng phục vụ trong quân ngũ, bà rời binh chủng tăng - thiết giáp, nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá.

Thấy mình vẫn trẻ, lại luôn mong có một mảnh vườn để sớm chiều bận bịu với luống rau, vườn cà để lao động cải thiện cuộc sống. Một lần, xem chương trình “Bạn của nhà nông” trên truyền hình, bà Liên bị lôi cuốn bởi những công dụng hữu ích của con giun đất. Vốn được đào tạo và có 17 năm gắn bó với công nghệ thông tin, bà nhanh chóng tìm được những thông tin về loài sinh vật này qua internet và biết các nước đã nuôi giun quế từ 30 năm trước.

Bà Nguyễn Thị Liên (thứ hai từ phải qua) giới thiệu sản phẩm chăn nuôi tại Festival nông sản Hà Nội năm 2023 ẢNH: MINH TUỆ
Bà Nguyễn Thị Liên (thứ hai từ phải qua) giới thiệu sản phẩm chăn nuôi tại Festival nông sản Hà Nội năm 2023 ẢNH: MINH TUỆ

Biết nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn từng đưa giun quế về xử lý mùi hôi của bã đậu tại làng Võng La (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), bà Liên tìm đến nơi tìm hiểu và mua giun quế. Tại đây bà xin được cuốn tài liệu do ông Nguyễn Công Tạn viết, trong đó có 4 lưu ý khiến bà tâm đắc: “Chỉ cần có phụ phẩm nông nghiệp là nuôi được giun quế/ Khi cho vật nuôi ăn giun quế, nó lớn không kém gì ăn cám công nghiệp/ Vật nuôi được nuôi bằng giun quế sẽ có hương vị đặc biệt/ Nếu nuôi heo bằng giun quế thì khả năng mắc bệnh gần như không có, trong khi những loại thức ăn khác khả năng mắc là 40%”. Rồi bà cũng tìm được 1 video về nuôi bò sữa kết hợp nuôi giun quế ở Đan Mạch.

Phân giun dùng để tưới cây, tưới cỏ nuôi bò, làm thức ăn chăn nuôi cho tôm cá… và đầu ra là sữa tươi, là phô mai. Thế là bà quyết định bán nhà ở Đông Anh để về Sóc Sơn mua đất và trở thành nông dân.

Là người tiên phong nuôi giun quế ở đất Sóc Sơn với diện tích khoảng 400m2 nhưng bà Liên lại gặp khó trong tiêu thụ, bởi với đại đa số nông dân thì mọi thứ hay ho của con giun quế đều ở… trên ti vi. Thế là bà Liên lại tìm hiểu về chăn nuôi để đầu tư thêm 1 chuồng heo 30 con, 1 đàn gà 100 con.

Công nghệ nuôi heo mới

Mỗi con heo chỉ cần 100g giun quế mỗi ngày là đủ lượng lớn protein và kháng sinh tự nhiên để tăng cường sức đề kháng. Giun sau khi chế biến được trộn với cám gạo hoặc bắp nghiền, đậu nành, bã bia… được nấu chín trong nồi hơi để làm thức ăn hằng ngày cho đàn heo. Bà Liên cũng chỉ phải cho heo ăn ngày 2 bữa, vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa tiết kiệm công sức lẫn thức ăn đầu vào.

Cũng nhờ thức ăn không công nghiệp và hương vị đặc biệt mà heo, gà của bà Liên nuôi lớn đến đâu khách đã đặt hàng đến đó. Thời gian nuôi heo không nhanh như sử dụng thức ăn công nghiệp nhưng giá bán lại luôn cao hơn giá thị trường. Dần dần, bà mở rộng chuồng trại từ 100 con lên 300-400 con mỗi lứa. Những khi heo hơi rớt giá hoặc gặp dịch bệnh thì heo của bà Liên vẫn khỏe mạnh và giữ được giá bán.

Bà Nguyễn Thị Liên đã học hỏi nhiều kiến thức nuôi giun quế nói riêng  và chăn nuôi nói chung từ nhà sinh vật học Nguyễn Lân Hùng (bìa trái)
Bà Nguyễn Thị Liên đã học hỏi nhiều kiến thức nuôi giun quế nói riêng và chăn nuôi nói chung từ nhà sinh vật học Nguyễn Lân Hùng (bìa trái)

Mười mấy năm nay, đàn heo của bà còn được nghe nhạc 8 giờ/ngày. Bà kể: “Hồi đó tôi vô tình đọc thông tin người ta bán bát phở bò Kobe giá đến 850.000 đồng. Đắt vậy, là vì bò Kobe được người Nhật cho nghe nhạc, uống bia nên chất lượng thịt rất cao”. Đến nay, đều đặn mỗi tuần bà cung cấp cho các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch khoảng 1 tấn thịt heo. Thi thoảng có lúc rảnh rỗi, bà lại chế biến xúc xích, lạp sườn, giò lụa… theo đặt hàng của bạn bè thân thích.

Ngoài làm thức ăn cho gia súc, con giun quế còn được bán cho các nông hộ, một phần dùng để làm thuốc. Phân giun làm nguồn phân bón rất tốt cho cây trồng. Bà Liên cho biết, việc làm thuốc từ giun đến với bà hết sức tình cờ. 10 năm trước, bà đọc được tài liệu nói về giun đất, bà đã tìm đến gặp tác giả là ông Nguyễn An Định - con trai nhà cách mạng Nguyễn An Ninh.

Bà được nghe ông Định kể việc ông dùng giun đất chữa sốt xuất huyết trong những ngày ở chiến trường. Cũng từ buổi gặp đó, bà biết thêm nhiều tài liệu về công dụng của con giun trong các bài thuốc dân gian. Từ đó, bà đã thay giun đất bằng giun quế để tự tay sản xuất ra bột địa long, rồi giun quế sấy khô, ruốc giun, chả giun…

Hiện bà có đến 5 trang trại nuôi heo, trong đó có 4 trang trại kết hợp nuôi giun quế ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Giữa năm 2023, xúc xích do trang trại của bà sản xuất được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của TP Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Liên (thứ ba từ phải qua) nhận quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của TP Hà Nội

Người truyền cảm hứng

Giữa năm 2023, Hội Người cao tuổi TP Hà Nội biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi giai đoạn 2018-2023 của thành phố, trong đó có bà Nguyễn Thị Liên - chủ trang trại nuôi giun quế đạt doanh thu 7 tỉ đồng/năm. Bà Trần Thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Cường - thảng thốt: “Từ ngày về Phú Cường, bà Liên đóng góp cho địa phương nhiều lắm. 7-8 năm nay, bà hỗ trợ 5 hộ khó khăn trong xã, mỗi hộ 1 triệu đồng/tháng. Khi chúng tôi thực hiện mô hình mẹ đỡ đầu, bà Liên cũng đồng hành, giúp đỡ 1 cháu bé mồ côi. Bà Liên còn là người đầu tiên ứng dụng chế phẩm sinh học vào xử lý rác hữu cơ. Đến nay, 52 cán bộ hội chủ chốt của 26 xã trên toàn huyện Sóc Sơn đã được bà hướng dẫn cách làm chế phẩm sinh học rồi về chỉ lại cho các hội viên”. 

Sức làm việc, sức đi, lẫn nước da căng hồng của bà Liên đều còn rất trẻ, khỏe so với tuổi 70. Những năm gần đây, nhất là từ khi đảm nhiệm vai trò chuyên gia nông nghiệp, bà đi lại như con thoi giữa Sóc Sơn với các huyện của Hà Nội, rồi các tỉnh, thậm chí là miền núi, để hướng dẫn chị em cách làm chế phẩm sinh học để xử lý rác, làm thuốc trừ sâu, canh tác không hóa chất… 

- Năm 2020, bà Nguyễn Thị Liên nhận bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

- Năm 2021, bà Liên đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi “Gia đình an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Cũng trong năm này, bà nhận bằng khen của Trung ương MTTQ Việt Nam.

- Năm 2022, bà Liên là 1 trong 10 gương mặt phụ nữ thủ đô tiêu biểu.

- Hiện tại, bà Liên là đồng Trưởng làng nông nghiệp Techfes quốc gia.

Minh Tuệ

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI