Sợ giống đàn ông
Nhắc đến tập tạ ai cũng nghĩ đó là hoạt động dành cho nam giới. Không chỉ nam giới có cái nhìn kỳ lạ về phụ nữ tập tạ kiểu như: “phụ nữ tập tạ thì như đàn ông”, “đô”, “cơ bắp cuồn cuộn”… mà phụ nữ cũng có cái nhìn tương tự khi nghĩ đến môn thể thao này. Tuy nhiên, phụ nữ tập tạ có cơ thể nữ tính hơn vì làm rõ nét các đường cong hơn, thúc đẩy giảm cân hiệu quả và bền vững hơn, đầy sức sống hơn…
Cả tôi cũng từng nghĩ tập tạ là môn đặc quyền của nam giới. Như nhiều chị em khác, tôi cũng từng sợ bị “đô”, “vạm vỡ” như đàn ông. Và thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những bình luận từ bạn bè như: “Thiếu gì môn, phụ nữ sao tập chi môn đó?”, “Không sợ thành đàn ông sao?”.
Hầu hết phụ nữ sợ việc nâng tạ nặng sẽ khiến họ trở nên cồng kềnh, nhưng điều này khó xảy ra vì phụ nữ có ít hơn từ 10 đến 30 loại hoóc môn gây phì đại. Đến nay, khi đã có khoảng 10 năm “lăn lộn” trong phòng tạ, tôi mới biết thực ra không dễ để phụ nữ có thể tập lên cơ cuồn cuộn như nam giới ngay cả khi rất muốn và rất nỗ lực. Đơn giản vì phụ nữ không có sự hỗ trợ của nội tiết tố nam.
Chìa khóa giảm béo
Khi nói đến cân nặng của cơ thể, chúng ta chỉ quan tâm đến số ký chung tổng thể và để giảm cân, đa số sẽ làm mọi cách từ ăn kiêng, chạy bộ, tập yoga… nhằm làm số cân nhỏ lại. Khi nhìn thấy ai đó nhỏ gọn, chúng ta lại nghĩ là họ khỏe. Thực ra, tất cả những suy nghĩ hay quan niệm về cân nặng hay vóc dáng dựa vào kích cỡ và số ký là hoàn toàn không chính xác. Hàm lượng mỡ và hàm lượng khối cơ trong cơ thể mới nói lên được bạn có “mập” hay không. Bình thường, khi giảm cân, mọi người sẽ mất thêm cơ mà không biết, nhưng chính việc làm mất đi khối lượng mỡ dưới da mới thực sự cần thiết cho việc giảm cân.
Việc nâng tạ làm tăng khả năng đốt cháy chất béo của cơ thể không chỉ trong lúc tập luyện mà quá trình đốt mỡ còn diễn ra ngay cả sau khi tập luyện, có khi kéo dài đến 48 giờ, do cơ thể bạn sử dụng nhiều ô xy hơn, tiêu tốn nhiều calo hơn, làm tăng tốc độ trao đổi chất của bạn. Khi bạn tăng sức mạnh và khối lượng cơ nạc, cơ thể bạn cũng sẽ sử dụng calo hiệu quả hơn trong vận động thông thường hằng ngày.
Những người chỉ tập trung vào các môn cardio như: chạy, bơi lội, nhảy nhót như cách để giảm cân thực ra là giảm cả mỡ và mất cả cơ. Còn những người gầy không tập gì thì thường thuộc nhóm “skinny fat”, nghĩa là nhìn ốm vậy chứ lượng cơ không đủ tiêu chuẩn, chủ yếu là da, mỡ, nội tạng và xương.
Để theo dõi các chỉ số này, tôi đã sắm cho mình chiếc cân thông minh hiện bán rất nhiều trên thị trường. Loại cân này đưa ra kết quả dựa trên phân tích về giới tính, tuổi, độ cao… và cho biết những thông số: tỉ lệ cơ, mỡ, mật độ xương, tuổi sinh học…
Từ “lão” chuyển sang trẻ
Loãng xương là sự giảm mật độ xương, làm suy yếu cấu trúc xương. Nguy cơ loãng xương tăng theo độ tuổi và phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 4 lần so với nam giới do quá trình mất xương diễn ra nhanh hơn sau thời kỳ mãn kinh, do buồng trứng ngừng sản xuất estrogen.
|
Tác giả đã có hơn 10 năm trong phòng tập tạ |
Phụ nữ từ độ tuổi 30 trở đi, cùng với việc mất xương thì việc mất cơ cũng diễn ra chóng mặt, cao hơn nam giới. Lâu nay mọi người hay tập trung vào chuyện loãng xương hoặc chú trọng chuyện mất collagen do lão hóa. Nhưng thứ quan trọng cùng với xương là hàm lượng cơ bị mất đi do lão hóa, ăn uống và vận động sai thì hầu như không được đề cập.
Một cách để tăng mật độ xương là liên tục sử dụng tải trọng lớn hơn lên xương, có thể đạt được thông qua rèn luyện bằng tập tạ. Sự hình thành xương mới phát triển trên bề mặt ngoài của xương, tạo ra xương chắc khỏe hơn và ít bị gãy hơn. Do mất xương và cơ, phụ nữ sau mãn kinh yếu đi rất nhanh và nguy cơ tai nạn trong vận động hằng ngày cũng tăng lên. Tập tạ (hay còn gọi là tập kháng lực) không chỉ giúp làm chậm quá trình mất cơ mà còn làm đảo ngược quá trình này.
Ở độ tuổi hơn 40 của mình, tôi tập tạ với mục đích chính là làm chậm quá trình mất cơ và giảm mật độ xương, đây chính là mấu chốt của việc làm chậm quá trình lão hóa. Trước khi bắt đầu hành trình tập tạ, khối lượng cơ của tôi dưới mức báo động nghiêm trọng, vì vậy tuổi sinh học của tôi được xếp vào nhóm “lão”.
Sau khoảng 10 năm tập tạ, tôi đã “kiếm” được lượng cơ ở mức tuổi sinh học trẻ hơn so với tuổi thật của tôi cả chục tuổi, nghĩa là tôi đã đảo ngược quá trình này gần 20 năm. Đây quả thật là một sự khích lệ to lớn, giúp tôi tiếp tục chăm chỉ nâng tạ và khuyến khích nhiều chị em cùng tham gia.
Phụ nữ sẽ không to lên khi họ bắt đầu nâng tạ. Nâng tạ nặng có thể giúp phụ nữ cảm thấy khỏe mạnh hơn, săn chắc hơn, linh hoạt hơn và tự tin hơn trong mọi việc họ làm. Việc tập luyện giúp tăng sức đề kháng, sức mạnh và tạo cảm giác thoải mái khi mặc quần áo, khả năng di chuyển vật nặng, đối phó với bất kỳ tình huống gây căng thẳng cho chị em. Phụ nữ ở độ tuổi nào cũng nên tiếp tục tập luyện kháng lực (nâng tạ) miễn là sức khỏe của họ cho phép.
Nhất Phương