Mỗi ngày, có hàng chục chuyến xe tình nguyện chở người mắc COVID-19 (F0) đến bệnh viện, đưa bệnh nhân đi chạy thận nhân tạo. Trong số các tình nguyện viên trên những chuyến xe này, có một phụ nữ từng là F0, được các bác sĩ tận tâm cứu chữa. Sau khi khỏi bệnh, chị tham gia nhóm tình nguyện để hỗ trợ các bệnh viện dã chiến.
Những chuyến xe giúp người
19g, nhận được cuộc gọi nhờ hỗ trợ của bệnh nhân COVID-19 từ Bệnh viện (BV) Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 16 (P.Phú Thuận, Q.7), anh Trần Phước Hòa - 45 tuổi, ở Q.11, TPHCM - liền cùng một tình nguyện viên khác vội vàng mặc đồ bảo hộ, chạy xe 16 chỗ về hướng BV dã chiến. Từ cuối tháng 5/2021, anh Trần Phước Hòa đã lập một đội xe chở giúp người suy thận ở các khu vực phong tỏa đi chữa trị miễn phí.
|
Anh Hòa (phải) và chị Mai trong một lần chở người mắc COVID-19 đến bệnh viện dã chiến |
Anh Hòa kể, khi dịch COVID-19 bùng phát, trong những khu phong tỏa, người cần chạy thận rất chật vật khi tìm chỗ chạy thận, một số trường hợp diễn biến xấu do không được lọc máu kịp thời. Biết tin BV Lê Văn Thịnh (BV Q.2 cũ) có khu chạy thận dành riêng cho người ở các khu cách ly, phong tỏa và bệnh nhân là F2 (tiếp xúc gần với người nghi mắc COVID-19). Nhiều bệnh nhân nghèo gặp khó khăn trong việc di chuyển nên anh Hòa đã phối hợp với các bác sĩ ở đây đưa bệnh nhân đi chạy thận miễn phí.
“Tôi không nhớ cụ thể, nhưng thời gian qua, tôi đã chở hàng trăm bệnh nhân đi chạy thận trong mùa dịch. Đa số bệnh nhân chạy thận đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Ban đầu, chỉ có hai chiếc xe nên sau khi đưa một người đến BV để họ chữa trị, tôi tiếp tục chạy đến chỗ khác” - anh Hòa kể.
Sau một thời gian ngắn, nhiều người đã tình nguyện tham gia đội xe để cùng anh Hòa giúp người. Hiện đội xe tình nguyện đã có tám chiếc, gồm sáu ô tô loại 16 chỗ, hai xe tải chở hàng và 16 tình nguyện viên. Khi có nhiều phương tiện, nhóm anh Hòa còn tổ chức phát cơm, phát quà cho các khu cách ly, BV dã chiến. Sáu chiếc xe 16 chỗ còn giúp chuyển bệnh nhân COVID-19 đi cách ly hoặc chuyển viện (có đầy đủ giấy tờ của bên chuyển và bên nhận), chuyển người sau khi điều trị COVID-19 về nhà…
Hơn hai tháng sát cánh cùng y, bác sĩ ở các BV dã chiến, BV tuyến cuối điều trị COVID-19, anh Hòa là người trực tiếp chứng kiến những hy sinh, gian khổ của bác sĩ ở tuyến đầu. Những ngày dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TPHCM, các y, bác sĩ phải làm việc gấp ba lần so với ngày thường, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Những điều tai nghe, mắt thấy, trải nghiệm cùng nhân viên y tế ở BV là động lực để anh Hòa gắng sức nhiều hơn nữa trong công việc thiện nguyện.
Anh Hòa tâm sự: “Ở những BV điều trị COVID-19, anh em thường ăn cơm tối lúc 21g, cơm phải xông qua một thiết bị để khử khuẩn. Lúc họ cởi bộ đồ bảo hộ ra thì mồ hôi ướt sũng, trên mặt có nhiều vết in hằn do đồ bảo hộ để lại. Còn ở các BV dã chiến, khuôn viên rất rộng, các bác sĩ phải đi bộ rất xa trong bộ đồ bảo hộ. Thấy y, bác sĩ làm việc quên mình như vậy, tôi nghĩ mình phải nỗ lực hơn nữa để góp được một phần gì đó trong cuộc chiến với COVID-19”.
Gần khuya, điện thoại của anh Hòa vẫn đổ chuông dồn dập. Đầu dây bên kia là một người dân đang gặp khó khăn ở khu phong tỏa, là gia đình sản phụ cần chuyển viện hoặc bệnh nhân cần đến BV chạy thận vào ngày mai… Bất kể là ai, lúc nào, khi người dân cần là đội xe của anh Hòa đều đến tận nơi để giúp đỡ.
Công việc thiện nguyện giúp anh Hòa có một năng lượng rất kỳ lạ. Nó giúp anh quên đi mệt mỏi dù hành trình trong ngày là hàng chục chuyến xe đi khắp các nẻo đường trong thành phố. Về nhà sau mỗi ngày, niềm vui lớn nhất của anh là nghe tiếng gọi “ba” từ đứa con nhỏ năm tuổi và những dòng tin nhắn cảm ơn từ những người đã được anh và nhóm tình nguyện hỗ trợ.
“Đến khi nào người dân còn cần thì chuyến xe của tôi sẽ còn hoạt động. Tôi nghĩ, việc làm của mình không có gì to tát mà chỉ là góp một phần nhỏ nhoi trong khả năng của mình để cùng chống dịch. Tôi chỉ mong mình có đủ sức khỏe để duy trì hoạt động của những chuyến xe giúp người” - anh Hòa bộc bạch.
Nữ tình nguyện viên đặc biệt
Những ngày gần đây, nhóm thiện nguyện của anh Hòa có thêm một nữ tình nguyện viên. Chị là Nguyễn Thị Mộng Thắm - tên thường gọi là Mai, 48 tuổi, nhà ở Q.8. Chị Mai thường ngày làm nghề buôn bán ở gần chung cư Ehome 3, P.An Lạc, Q.Bình Tân. Hai tháng trước, nơi đây bùng phát dịch, chị Mai không may bị lây nhiễm COVID-19. Thời điểm đó, chị được đưa đi điều trị ở BV dã chiến ở H.Củ Chi.
|
Nhóm của anh Hòa đang chuyển một F0 đến bệnh viện dã chiến trong đêm |
Nhờ sự quan tâm, chữa trị của các bác sĩ, sau hơn 30 ngày, chị Mai được xuất viện. Khi hoàn thành việc cách ly tại nhà theo quy định, chị Mai được anh Trần Phước Hòa mời tham gia nhóm tình nguyện. Anh Hòa chia sẻ: “Tôi và Mai đã quen biết nhau khá lâu rồi. Thời gian gần đây, tôi chở khá nhiều bệnh nhân F0 đi nhập viện và cũng có khá nhiều F0 chưa được chuyển viện gọi cho nhóm tôi để nhờ giúp đỡ. Tôi thấy Mai là người thích hợp làm công việc này. Mai đã từng là F0, hiện đã được điều trị khỏi bệnh, nên có thể hướng dẫn F0 làm gì, chuẩn bị gì trước khi vào BV điều trị. Mai cũng là người biết lái xe nên có thể phụ giúp anh em chuyên chở bệnh nhân. Hơn nữa, theo tôi biết, người đã mắc COVID-19 sẽ có kháng thể với virus này trong một thời gian nhất định”.
Chị Mai tâm niệm, mình từng là bệnh nhân, vượt qua được dịch bệnh là nhờ các y, bác sĩ nên chị sẵn sàng quay lại các BV dã chiến hỗ trợ nhân viên y tế và giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn: “Hôm nay, tôi tham gia chở bệnh nhân, mặc bộ đồ bảo hộ giống như bác sĩ điều trị cho tôi mặc hằng ngày. Bộ đồ này vừa nặng, vừa nóng; khi về nhà, người tôi ướt sũng, rất khó chịu. Vậy mà các bác sĩ điều trị phải mặc nó gần như 24/24 giờ hết ngày này qua ngày khác. Đó là sự hy sinh vì người bệnh. Tôi thấy mình cũng cần làm điều gì đó giúp mọi người vì mình đã may mắn vượt qua được dịch bệnh”.
7g sáng, chị Mai tham gia chuyến xe chở bệnh nhân đến BV Lê Văn Thịnh chạy thận, sau đó tiếp tục chở những người đã điều trị khỏi COVID-19 về nhà, rồi lại chở bệnh nhân COVID-19 từ điểm điều trị này đến điểm điều trị khác. Cứ như thế, đến 20g, chị Mai mới trở về nhà.
Ngoài chuyển bệnh nhân, chị Mai còn trực “đường dây nóng” để tư vấn cho những người vừa mắc COVID-19. Hằng ngày, tiếp nhận những cuộc gọi của người vừa mắc COVID-19, anh Hòa sẽ chuyển cuộc gọi cho chị Mai - người từng mắc COVID-19 - để chị hướng dẫn những việc cần làm.
Chị Mai kể: “Do số ca mắc COVID-19 tăng cao, nhiều bệnh nhân không được chuyển đến BV nhanh như trước đây. Trong khoảng thời gian ở nhà, họ lo lắng, bất an. Lúc này, mình động viên để tâm lý họ lạc quan, dặn họ chuẩn bị những món đồ cần thiết để mang theo khi đi điều trị. Được người từng mắc COVID-19 tư vấn, họ sẽ bớt lo lắng”.
Chị Mai cho biết, được điều trị khỏi COVID-19 cách đây chưa lâu nhưng hiện tại, chị có đủ sức để làm tình nguyện viên giúp đỡ mọi người; trong đại dịch, còn sức để giúp được người khác cũng là điều hạnh phúc: “Trước mắt, tôi sẽ gắn bó với nhóm thiện nguyện của anh Hòa cho đến khi hết giãn cách xã hội. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên tôi mong mọi người hạn chế ra đường, tuân thủ đầy đủ quy định phòng, chống dịch để không chỉ bảo vệ bản thân mà còn giúp giảm gánh nặng cho các y, bác sĩ”.
Sơn Vinh