Nữ tiến sĩ thúc đẩy xóa bỏ định kiến giới trong khoa học, công nghệ

24/01/2025 - 06:26

PNO - Tốt nghiệp tiến sĩ tại Nhật nhưng phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phi Lê đã từ chối cơ hội trở thành giảng viên Đại học Osaka để trở về Việt Nam, góp phần phát triển ngành trí tuệ nhân tạo nước nhà.

Từ Huy chương Bạc IMO đến nhà nghiên cứu chuyên sâu

Nhìn vẻ ngoài nhẹ nhàng, nhỏ nhắn, trẻ hơn tuổi 43 của tiến sĩ Nguyễn Phi Lê, ít người hình dung cô là Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Đại học Bách khoa Hà Nội. Viện có 6 phòng thí nghiệm: học máy, công nghệ bán dẫn thông minh, khoa học sự sống thông minh, môi trường thông minh, hệ thống thông minh, giáo dục thông minh và hướng đến mục tiêu là một trong các trung tâm phát triển các giải pháp, ứng dụng AI dẫn đầu Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa, từ nhỏ cô đã đam mê toán học, sau đó có cơ hội học sâu môn này khi vào lớp chuyên toán của Trường THPT chuyên Lam Sơn. Từng mang những bài toán khó vào cả giấc mơ và cảm nhận vẻ đẹp logic của môn học này trong từng lời giải, cô cho biết “mình yêu toán một cách rất bản năng”. Năm 2000, cô giành Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic toán học quốc tế (IMO) và trở thành một trong số ít nữ sinh Việt Nam ghi dấu ấn tại đấu trường này.

Từ niềm đam mê toán học, cô chọn học hệ kỹ sư tài năng ngành kỹ thuật điện tử viễn thông tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau năm nhất, với thành tích học tập xuất sắc, cô giành học bổng của Chính phủ Nhật Bản, mở ra hành trình miệt mài học tập và nghiên cứu tại đây. Nguyễn Phi Lê nhận bằng kỹ sư công nghệ thông tin năm 2007 và bằng thạc sĩ công nghệ thông tin năm 2010 tại Đại học Tokyo. Không dừng lại ở đó, cô tiếp tục theo đuổi chương trình tiến sĩ tại Viện Tin học quốc gia Nhật Bản và bảo vệ thành công luận án vào năm 2019.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phi Lê - ẢNH: B.K.H.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phi Lê - ẢNH: B.K.H.

Những bài báo nghiên cứu của cô liên tiếp được vinh danh tại các hội nghị quốc tế như ISSINP và SoICT năm 2015. Cô còn đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc nhất Viện Tin học quốc gia Nhật Bản năm 2018 và giành giải thưởng sáng tạo mạng SINET. Ngay trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ, Nguyễn Phi Lê đã có cơ hội trở thành giảng viên Đại học Osaka. Song cô không đắn đo mà quyết định về Việt Nam, làm giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội để cống hiến cho quê hương. Bởi, cô luôn trăn trở trước những vấn đề lớn như ô nhiễm môi trường, y tế, nông nghiệp. “Việt Nam có rất nhiều vấn đề cấp thiết cần giải quyết. Tôi muốn dành tâm huyết của mình để đóng góp vào sự phát triển của đất nước” - cô nói.

Kể về dự án đầu tiên tại Việt Nam, cô cho biết, đó là hệ thống theo dõi ô nhiễm không khí giá rẻ sử dụng AI và internet vạn vật (IoT), với sự tham gia của sinh viên năm 2 và năm 3 Đại học Bách khoa Hà Nội. Ban đầu, sinh viên chưa có kiến thức về AI hay nghiên cứu khoa học nhưng dưới sự hướng dẫn kiên trì của nữ tiến sĩ, các bạn đã dần hình thành đam mê nghiên cứu. Nhiều bạn trong số đó đã nhận được học bổng toàn phần, du học tại các trường danh tiếng trên thế giới.

Hiện nay, nhà khoa học nữ Nguyễn Phi Lê đang nghiên cứu chuyên sâu về mạng cảm biến, mạng MEC và IoT với giấc mơ đưa nghiên cứu Việt Nam lên bản đồ thế giới. Cô chia sẻ: “Trong lĩnh vực hẹp của tôi, hiện chưa có nghiên cứu nào của nước ta tạo được tiếng vang trên thế giới. Nhưng tôi tin rằng nếu kiên trì có thể thay đổi điều đó”.

Thay đổi định kiến giới trong khoa học công nghệ

Ở Đại học Bách khoa Hà Nội, nữ sinh các ngành công nghệ, kỹ thuật vốn đã là “của hiếm”. Khi học đại học ở Nhật, Nguyễn Phi Lê thấy nữ sinh học các ngành này càng hiếm hoi hơn. Cả Khoa Điện, điện tử và công nghệ thông tin có 200 người, nhưng chỉ có 2 nữ. Là nhà khoa học nữ trong lĩnh vực công nghệ, cô hiểu rõ những khó khăn và định kiến mà phụ nữ phải đối mặt. Nhiều người mặc định rằng sự nghiệp của đàn ông quan trọng hơn phụ nữ. Ví dụ, 1 người đàn ông bỏ việc để chăm lo gia đình là chuyện lạ, nhưng 1 phụ nữ bỏ việc để chăm sóc gia đình lại là điều bình thường.

Để đạt được những thành tựu đáng tự hào, tiến sĩ Nguyễn Phi Lê đã phải vượt qua nhiều thử thách. Cô cho hay: “Có những bài toán kéo dài hàng năm trời vẫn chưa thể giải. Nhưng tính cách thích đi đến tận cùng vấn đề đã giúp tôi kiên trì và tìm thấy niềm vui trong nghiên cứu”. Cô còn có điểm tựa quan trọng là gia đình. Khi quay lại Nhật Bản làm nghiên cứu sinh, chồng cô là người đảm nhận việc chăm sóc con cái. Cô tâm sự: “Chồng tôi luôn ủng hộ tôi phát triển sự nghiệp. Anh ấy không chỉ cáng đáng việc nhà mà còn là nguồn động viên lớn nhất trong những lúc tôi gặp khó khăn”. Chính nhờ sự hỗ trợ ấy mà cô có thể tập trung vào nghiên cứu và giảng dạy.

Không chỉ tạo cơ hội cho bản thân, tiến sĩ Nguyễn Phi Lê còn không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng và định hướng cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các sinh viên nữ. Cô luôn khuyến khích nữ sinh theo đuổi con đường nghiên cứu, dù biết rằng đây là hành trình đầy chông gai. “Bất bình đẳng giới không chỉ thể hiện qua những hành động cụ thể mà còn nằm trong lối suy nghĩ của xã hội. Tôi hy vọng rằng qua những nỗ lực của mình, tôi có thể góp phần thay đổi tư duy đó, giúp nhiều phụ nữ tự tin hơn trong việc khẳng định bản thân” - cô nhấn mạnh.

Sức vóc của một cá nhân, tiềm lực của một viện hay một cơ sở đào tạo dù thế nào cũng không đủ trên hành trình phát triển khoa học - công nghệ. Xác định như vậy nên tiến sĩ Nguyễn Phi Lê đã không ngừng kết nối với các nhà khoa học Việt Nam trên thế giới để cùng họ tạo môi trường nghiên cứu tốt nhất cho sinh viên. Với cô, mỗi sinh viên thành công là một bước tiến cho nền khoa học nước nhà. Hành trình của cô cũng là minh chứng sống động cho sự kiên trì, đam mê và tinh thần vượt qua định kiến giới.

Với những gì đã và đang cống hiến trong nghiên cứu khoa học cũng như trong việc thay đổi tư duy xã hội, tiến sĩ Nguyễn Phi Lê đã trở thành người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt là các nhà khoa học nữ trên con đường chinh phục tri thức, khoa học công nghệ và khẳng định bản thân.

Tiến sĩ Nguyễn Phi Lê (giữa) cùng nhóm nghiên cứu dự án VAIPE
Tiến sĩ Nguyễn Phi Lê (giữa) cùng nhóm nghiên cứu dự án VAIPE

Nhiều thành quả xuất sắc

Năm 2022, khi còn làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về AI, tiến sĩ Nguyễn Phi Lê và tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội - đã cùng 4 nhà khoa học thuộc 3 đại học của Mỹ (Illinois, Massachusetts, Florida) xây dựng hệ thống thông minh có ứng dụng AI để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người Việt (VAIPE). Dự án được Quỹ VinIF tài trợ nghiên cứu trong 3 năm từ 2021-2024. Khi đó, trên thế giới chưa có nhóm khoa học gia nào nghiên cứu đề tài này.

Trước đây đã có nhiều ứng dụng nhắc người dùng uống thuốc nhưng đều bắt buộc phải nhập dữ liệu thủ công; nếu chụp ảnh viên thuốc, phải sắp xếp thuốc trên mặt phẳng trong điều kiện ánh sáng chuẩn của phòng lab. VAIPE chỉ cần chụp đơn thuốc, ứng dụng sẽ tự động hiểu nội dung. Với chức năng nhận diện viên thuốc, cứ để thuốc trên tay (có thể để chồng lấn), chụp ảnh bằng VAIPE là nhận diện được thuốc.

Đến nay, tiến sĩ Nguyễn Phi Lê và nhóm nghiên cứu đã có trên 120 công bố tại nhiều tạp chí và hội thảo uy tín. Cô cũng đã giành nhiều giải thưởng bài báo xuất sắc tại các hội thảo uy tín. Năm 2024, nhóm nghiên cứu của cô đã công bố 9 bài báo tại các hội thảo hạng A và các tạp chí uy tín trên thế giới.


Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI