Nữ tiến sĩ nặng tình với học trò người Mông

07/11/2023 - 05:55

PNO - Từ chối lời mời của nhiều trường đại học, cô Lã Thị Thanh Huyền chọn ở lại huyện biên giới Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) - nơi thuộc nhóm nghèo nhất nước để tiếp tục công việc còn dang dở của mình, với kỳ vọng đưa học sinh người Mông thoát nghèo bằng tri thức. Đây cũng là giáo viên có trình độ tiến sĩ đầu tiên dạy học tại huyện này.

Thay đổi cách tiếp cận kiến thức của học trò người Mông

Hơn 20 năm gắn bó với học trò người Mông ở vùng biên xứ Nghệ, cô Lã Thị Thanh Huyền - nay là Hiệu phó Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - nói rằng, học sinh người Mông không hề kém, chỉ là chưa thành thạo tiếng Việt để tiếp nhận kiến thức. 

Với trăn trở đó, ngay từ lúc về huyện Kỳ Sơn dạy học, cô Huyền luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi học tiếng Mông để hiểu học trò hơn và để dạy hiệu quả hơn. Cô trò cùng phiên dịch cho nhau để học sinh hiểu bài hơn. Dần dần, các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng Việt của học sinh được cải thiện. Cùng với những hoạt động học tập thú vị khác đã cuốn hút các em tới trường nhiều hơn, tỉ lệ bỏ học giảm hẳn. 

Cô Lã Thị Thanh Huyền bên những em học sinh người Mông - ẢNH: T.H.
Cô Lã Thị Thanh Huyền bên những em học sinh người Mông - Ảnh: T.H.

Say mê nghiên cứu khoa học, các đề tài của cô Huyền đều hướng đến học sinh người Mông. Cô luôn tìm tòi các phương pháp dạy học mới, phù hợp với học sinh người Mông để các em hiểu bản chất của vấn đề, nắm vững kiến thức, thay vì đọc chép. Lật giở đống tài liệu ngổn ngang trên bàn làm việc, cô Huyền cho biết, hiện đang là giai đoạn gấp rút để cô cùng các cộng sự hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học song ngữ Việt - Mông cho học sinh dân tộc cấp tiểu học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn”. Đây là đề tài cô ấp ủ từ lâu song mới có điều kiện thực hiện từ đầu năm 2022. 

Theo cô Huyền, để vừa bảo tồn tiếng nói của người dân tộc, vừa để họ có tri thức phát triển kinh tế đặc thù vùng miền thì chương trình học của họ phải khác. “Bộ tài liệu này chúng tôi rất dày công biên soạn. Cách này giúp học sinh có thể tiếp cận với nội dung bài học bằng cả 2 ngôn ngữ cùng lúc. Nó không đơn thuần chỉ là bản dịch các cuốn sách từ tiếng Việt sang tiếng Mông mà chúng tôi còn biên tập lại một số nội dung, bài tập để phù hợp với học sinh người Mông” - cô nói.

Đề tài được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đánh giá cao, hướng dẫn và hỗ trợ phát triển. Nhiều giáo viên huyện Kỳ Sơn và một số giảng viên đại học cũng nhiệt tình hỗ trợ cô Huyền hoàn thành “đứa con tinh thần” của mình. Bộ tài liệu này sẽ giúp học sinh người Mông dễ bắt kịp với chương trình mới hơn. Cô Huyền hy vọng sau khi hoàn thành, tỉnh sẽ hỗ trợ đưa bộ tài liệu này vào các trường có học sinh người Mông như là một tài liệu bổ trợ kiến thức cho các em. 

Muốn thay đổi, phải bắt đầu từ giáo dục

Năm 2019, cô Huyền là giáo viên đầu tiên ở Kỳ Sơn bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ với đề tài “Phương pháp dạy học văn cho học sinh người Mông”. Theo đuổi chuyên ngành mà hệ thống đại học đang rất thiếu, cô Huyền liên tục được nhiều trường đại học lớn chiêu mộ. Song cô từ chối, trở lại huyện miền núi dạy học để hoàn thành những dự định còn dang dở của mình. Nói về quyết định trở về nơi mà nhiều người đang muốn rời đi - cô Huyền mỉm cười: “Ở đâu cũng được. Miễn là nơi đó mình có thể làm được nhiều việc, giúp ích được cho nhiều người. Với lại, tôi đã xem Kỳ Sơn là quê hương, muốn làm điều gì đó để giúp người dân thay đổi, nhất là các em học sinh”.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tây Sơn học các điệu múa,  thổi khèn truyền thống của người Mông - ẢNH: T.H.
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tây Sơn học các điệu múa, thổi khèn truyền thống của người Mông - Ảnh: T.H.

Nữ giáo viên quan niệm rằng “muốn thay đổi thì không có gì ngoài bắt đầu từ giáo dục”. Ngoài truyền đạt kiến thức, cô Huyền còn tranh thủ mọi lúc hướng dẫn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Để khai thác được lợi thế về tiềm năng du lịch ở Kỳ Sơn, cô Huyền dạy học sinh kiến thức về văn hóa, danh lam thắng cảnh của quê hương; chỉ cho các em những kỹ năng cơ bản của một hướng dẫn viên du lịch để phục vụ du khách. “Một số đoàn du khách về, các em đã có thể tự dẫn du khách đi tham quan. Thực ra việc này chỉ là phụ, mình muốn thông qua đó để định hướng nghề nghiệp cho học sinh” - cô Huyền chia sẻ.

Cô còn tập hợp các học sinh có năng khiếu để thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn và trình diễn nghệ thuật dân gian dân tộc Mông nhằm khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về văn hóa độc đáo của dân tộc Mông; từ đó các em có trách nhiệm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Câu lạc bộ đã thu hút hơn 30 học sinh tham gia tập luyện các điệu múa, thổi khèn, thổi sáo… đặc biệt là trình diễn múa khèn truyền thống của người Mông. 

Đến nay, câu lạc bộ đã giành được nhiều giải thưởng, nhiều đoàn du khách cũng rất thích thú, sẵn sàng mời các em biểu diễn. Theo cô Huyền, chỉ việc tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách thôi, cũng sẽ thay đổi suy nghĩ của các em. Các em sẽ dần hiểu du lịch không chỉ có đi chơi, mà còn được trải nghiệm, thưởng thức, cảm nhận rất nhiều điều. Và làm du lịch ngay tại quê nhà cũng có thể kiếm được tiền.

Ông Phạm Viết Phúc - Quyền trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn - đánh giá, cô Huyền là giáo viên bảo vệ thành công bằng tiến sĩ đầu tiên của huyện và cũng là tiến sĩ duy nhất dạy học ở huyện Kỳ Sơn. Cô rất yêu nghề, tâm huyết với học sinh. Những đề tài khoa học của cô có sức lan tỏa toàn ngành, không những Kỳ Sơn mà nhiều huyện khác cũng đã áp dụng nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI