Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023)

Nữ thương binh quyết không đầu hàng số phận

27/07/2023 - 06:12

PNO - Không còn đôi chân nhưng 50 năm qua, nữ thương binh Nguyễn Thị Lý (Ba Lý) - năm nay 75 tuổi, ở ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM - vẫn tự bươn chải nuôi sống được mình, chăm sóc mẹ và em trai chu đáo, nhiệt tình giúp đỡ những người khó khăn xung quanh, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương.

 

Nguyễn Thị Lý
Bà Nguyễn Thị Lý

Đi lại bằng chiếc ghế đẩu gắn bánh xe

Đi chợ về tới đầu ngõ, nhìn thấy khách đứng đợi mua hàng, bà Ba Lý dồn sức vào đôi bàn tay để chiếc xe lăn di chuyển nhanh hơn. Dừng trước nhà mình, bà tìm tư thế để tự đưa mình xuống xe. Bà nói: “Nhờ có chiếc xe lăn này mà cô đỡ biết bao nhiêu. Có nó, đi xa tiện ghê lắm. Phải nói đây là món quà ý nghĩa nhất với cô”. 

Khi cả người đã tiếp đất, bà chống 2 tay xuống sàn nhà để nâng cơ thể di chuyển tới chiếc ghế đẩu. Đó là tấm gỗ nhỏ hình vuông, mỗi cạnh chừng 15cm, 4 cạnh có gắn 4 bánh xe, giúp bà di chuyển dễ dàng trong nhà. Thoăn thoắt, bà đến kệ hàng giữa nhà lấy cân đường, rồi di chuyển vào bên trong cân gạo cho khách. Không có đôi chân nhưng bà vẫn đi lại, buôn bán như thế suốt mấy chục năm qua.

Dù không còn đôi chân, nữ thương binh Nguyễn Thị Lý vẫn tự lực trong cuộc sống, làm chủ tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà, nuôi mình và đứa em trai bị bệnh tâm thần
Dù không còn đôi chân, nữ thương binh Nguyễn Thị Lý vẫn tự lực trong cuộc sống, làm chủ tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà, nuôi mình và đứa em trai bị bệnh tâm thần

Hết bán hàng cho khách, bà quay vô sắp xếp đồ đạc lên kệ cho gọn gàng, ngăn nắp. Bà còn bày thêm cái kệ nhỏ trước nhà để đặt các loại bánh ít trần, bán giúp một phụ nữ khó khăn trong xóm. Bà phân trần: “Kể từ sau đợt dịch, ai cũng buôn bán ế ẩm. Nhà cô may mắn nằm ở vị trí thuận lợi, nhiều người qua lại, dễ buôn bán hơn nên ngày nào cô cũng nhận bán giùm. Cũng không mất công là mấy nhưng bán được thêm đồng nào cho người ta là mừng”.

Khi vãn khách, bà Ba Lý thong thả nhấc người khỏi ghế, ngồi xuống sàn nhà. Lúc này, tôi mới có dịp nhìn rõ đôi chân của bà: chân trái cụt hoàn toàn, chân phải mất nửa đùi. 

Vén ống quần lên, bà chỉ vào phần nửa đùi còn lại đã teo tóp, hõm một đường từ trên xuống dưới, kể: “Lúc phẫu thuật chân cho cô, bác sĩ phải lóc thịt đùi để đắp vô vết thương, lóc nhiều đến mức nó thành như cái máng heo vầy nè”. Bà Ba Lý đã sống với tình trạng mất đôi chân từ năm 22 tuổi.

Bà kể, cha mẹ bà ở Bà Rịa (nay là TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhưng từ nhỏ, bà sống với ông bà ngoại ở xã Long Hòa, huyện Cần Giờ. Bà tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, làm nhiệm vụ sản xuất, nuôi quân. Năm 1965, do muốn đào tạo bà thành nữ dân công để chuẩn bị cho ngày giải phóng Cần Giờ nên huyện đội đưa bà theo đoàn tuyên huấn về Bà Rịa. Năm 1968, bà chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng và được điều về Bình Lộc, Long Khánh để phối hợp với cán bộ cơ sở làm công tác tuyên truyền tại cây số 125 (nay thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). 

Một buổi sáng, đang đứng nói chuyện với người dân, bà được cơ sở báo có lính đi lùng. Chưa kịp phản ứng, bà đã thấy một toán lính đứng bên kia đường chĩa súng về phía mình. Bà nghĩ thầm: “Nhất quyết phải chết chứ không để bị bắt sống”, rồi vờ thản nhiên bước về phía trước. 12 cây súng trường M16 trên tay 12 tên lính đồng loạt nã đạn trong khoảng cách chừng 4m, hướng vào chân bà, quyết bắt sống chứ không để bà chết.

Cô gái trẻ ngã xuống mà không có đồng đội nào bên cạnh. Trong lúc mơ màng, cô nghe lính tới gần kiểm tra rồi điện thoại về tỉnh, báo: “Vừa bắn được một con Việt cộng ngon lắm”. Khi tỉnh dậy, cô mới biết mình nằm ở căn cứ địch. “Nhưng 2 chân sao kỳ quá, không duỗi ra được. Cô ráng giở chân phải lên coi thì thấy bàn chân vẫn còn dính lòng thòng. Sau đó, giặc cưa chân cô rồi bỏ liều, không băng bó. Chân nhiễm trùng, lở loét, đau nhức đến mức muốn chết cho xong mà không cách nào để chết được” - bà Ba Lý nhớ lại.

Đó cũng là cách mà địch tra tấn để điều tra bà, nhằm lần ra cán bộ chủ chốt cũng như căn cứ cách mạng. Nhưng bà thà chết chứ không khai. Đối diện với kẻ thù, bà khăng khăng: “Tui là người của tỉnh đi công tác biệt phái. Trên đường đi thì bị mấy ông bắn, chưa vô được căn cứ nên không biết gì hết”. 

Không moi được thông tin gì, địch đưa bà về Bệnh viện dã chiến Bắc Hà của lính Mỹ ở huyện Củ Chi. “Về đến đó, cô được báo cần phải cưa lại, 2 cái chân coi như mất hết. Nghe đến đó, cô chết ngất. Sau đó, họ giải phẫu cùng lúc 2 chân, thay băng mỗi ngày 4 lần, đau tới thấu trời. Những ngày nằm ở bệnh viện rồi sau đó nhiều năm, đêm nào cô cũng nghe tiếng súng văng vẳng bên tai” - bà Ba Lý kể.

Tự mình buôn bán, chăm mẹ, nuôi em

Cuối năm 1971, khi vết thương của bà gần lành, Mỹ chuẩn bị rút quân khỏi Sài Gòn. Các bác sĩ quân y người Mỹ khuyên bà về với gia đình. Sợ mắc mưu giặc, bà lấy lý do thân thể tàn phế, không còn ai thân thích, xin ở lại bệnh viện điều trị. Đến khi bệnh viện dã chiến giải tán hết, các bác sĩ quân y Mỹ đành viết giấy chuyển bà về Sài Gòn điều trị. Tại đây, các bác sĩ nhận định, vết thương ở 2 chân của bà rất xấu nên phải cưa chân lần nữa. Lần này, các bác sĩ phải lóc thịt đùi để đắp vào các vết thương đang hoại tử. 

Sau lần phẫu thuật này, bà Ba Lý ở lại bệnh viện, cố gắng tập vật lý trị liệu, quyết đi được trên đôi chân giả. Năm 1972, vô tình gặp một thương binh là người quen cùng xóm ở Cần Giờ đang điều trị chân chung bệnh viện, bà mừng rỡ bật khóc, nhờ báo tin cho ông bà ngoại rằng mình còn sống. Vài tháng sau, bà được ông bà ngoại đến bệnh viện, đón về. 

Với thương tật 81%, nữ thương binh Ba Lý bắt đầu đối diện với những ngày tháng gian nan của đời mình trên đôi chân giả. Thế nhưng, vết cắt từ đôi chân quá sâu, phần còn lại không thể giúp bà điều khiển được chân giả. Không bỏ cuộc, bà nghĩ: “Mình mất đôi chân nhưng vẫn còn đôi tay”. Thế là bà làm chiếc ghế gắn 4 bánh xe. Từ đó, hình ảnh người nữ thương binh đi lại thoăn thoắt trên chiếc ghế dần trở nên quen thuộc với người dân ấp Long Thạnh, xã Long Hòa.

Những người sinh sống lâu năm ở ấp Long Thạnh kể, dù tật nguyền nhưng bà Ba Lý luôn tự lực trong mọi chuyện, không để phiền hà đến ai. Để tự nuôi sống mình, bà mua dây ni lông về thắt chổi bán. Không có bàn chân để đạp máy may nhưng bà vẫn lãnh vải về may cờ. Thấy ngôi nhà trong xóm bỏ không, bà xin phép ông bà ngoại thuê, ra ở riêng, mua hàng hóa về bán. Dần dà, bà tích cóp đủ tiền, mua lại căn nhà đó, sửa sang rồi đón mẹ từ Bà Rịa về chăm sóc cho đến ngày mẹ mất cách đây 5 năm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giờ - cho biết, bà Ba Lý là đối tượng chính sách, rất được chính quyền quan tâm, nhưng bà luôn cần mẫn làm việc, không để mình trở thành gánh nặng cho xã hội. Sửa nhà hết tiền, bà nhờ hội phụ nữ giới thiệu vay vốn để mua thêm tủ lạnh, mua thêm hàng hóa cho phong phú, buôn bán rồi trả hết nợ sau 2 năm. Không chồng con nên kiếm được đồng nào, bà lo cho các cháu họ của mình học hành và chăm sóc chu đáo đứa em trai bị bệnh tâm thần. Bận rộn việc nhà nhưng mỗi lần hội phụ nữ huyện, xã tổ chức sự kiện, bà đều tham gia nhiệt tình và dùng tinh thần lạc quan của mình để truyền năng lượng tích cực cho thế hệ trẻ. 

Năm 2019, bà Nguyễn Thị Lý đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen “Gương nữ thương binh nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên, chiến thắng thương tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội”.

Thu Lê

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI