Nữ “thủ trưởng” tận tụy

10/07/2014 - 16:24

PNO - PN - Căn nhà 32/53 Lê Cảnh Tuân, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM nhỏ gọn, lúc nào cũng rộn tiếng cười. Tiếng cười của ông nội giỡn với cháu trai, tiếng nạt cưng của bà vợ với ông chồng “nhõng nhẽo” đòi ăn thức này, thức...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bà Năm Mai dắt chồng tập đi

Vừa được “thủ trưởng” vợ cho ăn tô cháo lòng, lau miệng lau tay và cho uống nước, ông Ba Tình thu cây nạng có bốn chân vào một chỗ, ngồi uống trà với khách. Với cái giọng còn ngọng nghịu, ông kể lại chuyện xửa chuyện xưa, hồi còn kháng chiến.

Lúc đó anh Ba Tình là cán bộ đơn vị đặc công của tỉnh. Một bữa chuẩn bị phối hợp với bộ đội địa phương, cậu liên lạc nói với anh: “Có bà huyện đội phó đẹp “tê tái” luôn anh Ba. Anh đẹp trai, nhào vô thử coi”. Anh Ba miệng thì la “bả đẹp mắc mớ gì tới tao”, nhưng trong bụng thì biết đó là Năm Mai, huyện đội phó huyện Bến Cầu. Tiếng tăm cô gái này vang một vùng vì tính gan dạ, chiến đấu dũng cảm, khôn khéo cầm quân đánh giặc, từ xã đội trưởng được đề bạt lên vị trí huyện đội phó. Sau hợp đồng tác chiến, anh Ba lân la làm quen, mới biết huyện đội phó mới trải qua nỗi đau lòng sâu sắc. Mối tình của Năm Mai với anh trinh sát Chín Bái thật đẹp và lãng mạn. Tuy đã đến độ chín nồng, nhưng họ vẫn hẹn ngày chiến thắng mới làm đám cưới. Trong một trận đánh do Năm Mai chỉ huy, có người ở đại đội chạy đến báo: “Anh Chín hy sinh rồi!”. Chị bàng hoàng, choáng váng nhưng vẫn cố bình tĩnh chỉ huy trận đánh thắng lợi. Tâm sự với Ba Tình, chị thú nhận: “Lúc đó vừa thương tiếc người yêu, vừa căm thù giặc, tui cứ xung phong, vậy mà đạn nó chừa tui ra mới lạ”.

Cứ rù rì động viên “thủ trưởng”, tình yêu đến lúc nào không hay. Anh Ba xin chuyển về huyện đội, làm lính của người yêu, cũng là có điều kiện gần gũi, động viên chị trong công tác và cuộc sống. Đồng ý thương anh, đã báo cáo với tổ chức đàng hoàng, nhưng chị tuyên bố: “Chừng nào chiến thắng mới cưới nghen!”. Vì vậy mãi tới năm 1976, hai người mới thành vợ chồng. Chị Năm Mai sau khi về hưu, còn “bị” làm Bí thư đảng ủy mấy năm nữa. Họ có ba người con, đều tốt nghiệp đại học. Cô Hai theo ngành y, còn cô Ba, cậu Út đều nối nghiệp ba mẹ, người công tác trong ngành công an, người phục vụ quân đội.

VỢ HIỀN

Bà Năm Mai cao lớn, trái lại ông Ba Tình ốm ròm, dáng thư sinh. Biết chồng yếu nên bà lo hết việc nhà, chăm sóc con cháu. Việc ăn uống của ông là cả một vấn đề, làm sao thực đơn phù hợp với thể trạng một người mang đủ thứ bệnh như đau dạ dày, đau tim, đau khớp... Hai vợ chồng già, chỉ cần nồi cơm, ơ cá kho để mấy ngày cũng được, nhưng lo cho sức khỏe chồng, ngày nào bà cũng phải đi chợ, để đồ ăn, thức uống luôn thay đổi.

Ba năm trước, ông bị đột quỵ, chữa chạy mấy tháng trời mới thoát chết nhưng bị di chứng, liệt tay chân bên trái và nói ngọng. Nhớ lại cái đêm kinh hoàng đó, bà Năm vẫn chưa hết sợ. “Đang giấc khuya, tự nhiên ổng sốt đùng đùng, lịm đi, kêu không thấy trả lời. Con cháu không đứa nào ở nhà. Tui vội kêu xe đưa ổng đi cấp cứu”. Bệnh ông Ba chuyển nặng, phải chuyển lên thành phố. Cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch, nhưng thấy chồng nằm một chỗ, bà Năm òa khóc. Đang khi “nước sôi, lửa bỏng” thì thằng cháu nội hai tuổi cũng đi cấp cứu vì mất nước do tiêu chảy. Lúc đó bà chỉ muốn hóa ra người “ba đầu sáu tay” để lo cho chồng, cho cháu.

Nu “thu truong” tan tuy

Bên cháu nội

Thời gian chăm sóc chồng ở Trung tâm Phục hồi chức năng mới thật vất vả. Các con bận công tác, thỉnh thoảng mới ghé thăm ba. Công việc chăm sóc người bệnh trút lên vai bà Năm. Hàng ngày ba-bốn lần bà đẩy xe lăn đưa chồng đi phục hồi chức năng, hết ẵm lên lại ẵm xuống, hết khoa này tới khoa khác. Lúc chồng đi tiểu còn đỡ, đi đại tiện thì ẵm bồng rất cực. Được một tháng, nhắm sức mình làm không nổi, bà phải mướn người phụ giúp. Bà dành thời gian ngồi xoa bóp chân tay cho chồng, coi sóc ông khi châm cứu, uống thuốc.

Cả năm trời như vậy, rồi cũng phải đưa chồng về nhà để tiện chăm sóc. Ông Ba từ lúc nằm một chỗ, giờ đã đi lại được, tự lo vệ sinh cá nhân, khi nào tắm rửa mới nhờ đến vợ. Thời khóa biểu trong ngày của bà Năm kín đặc. Buổi sáng, dậy sớm quét dọn nhà cửa, lo vệ sinh cho chồng và cháu nội ba tuổi, sau đó cho cả nhà ăn sáng, đưa cháu tới lớp mẫu giáo. Quay trở về cho chồng uống thuốc, đi chợ mua đồ ăn cho ông theo thực đơn hàng ngày. Tiếp theo đi đổ nước tiểu, cọ rửa bô, giặt giũ quần áo. Gần trưa nấu cơm, đi đón cháu nội, dọn cơm ăn. 12g trưa, lúc chồng và cháu nội ngủ thì bà tranh thủ rửa chén, sắp dọn quần áo, mùng mền.

HẠNH PHÚC CUỐI ĐỜI

Ông Ba nói mình có phước nên mới gặp được Năm Mai. Hồi còn chiến tranh, được chăm sóc lúc bị thương, đau ốm, giờ về già, được vợ chăm như “chăm em bé”. “Không có bả, chắc tui chết ngắc rồi”. Ông Ba khoe vậy. Bây giờ bà vẫn chăm sóc chồng cả đêm. Ông nói thương vợ quá, đêm nào bà cũng lục xục vén mùng cho ông dậy đi tiểu, xoa bóp cho ông khi bị vọp bẻ, đo huyết áp khi thấy ông mệt. Cả đêm, riêng vụ ông dậy đi tiểu mấy bận là bà phải thức theo rồi. Nhìn hai quầng mắt thâm đen của bà, thấy đôi vai bà nhô cao, gầy ốm hơn những lần gặp trước, chúng tôi biết bà cực lắm.

Mỗi khi bà tắm cho ông, thằng cháu nội thường giành bà nội vụ kỳ lưng cho ông. Bà Năm nói nó thương ông nội, nhưng phá lắm, hay giành ghế ngồi và cản đường làm ông nội suýt té mấy lần. Bà than từ nhà lên bệnh viện phục hồi chức năng xa quá, hơn 40km. Muốn chở chồng đi châm cứu bằng xe máy mà không dám. Bà còn chạy xe được, nhưng ông giờ chỉ còn một tay, một chân, bám không chắc, ngã xuống đường thì khổ.

Năm nay bà Năm 65 tuổi, ông Ba sắp bước qua tuổi 70. Ông rất lạc quan, rằng bệnh như ông, nhiều người còn nằm lê lết, được như vầy là giỏi rồi. Chấp nhận sống chung với bệnh tới lúc chết, ông mừng bởi bên cạnh còn có bà, vị “thủ trưởng” chưa bao giờ bỏ rơi ông.

 HOÀNG CHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI