Khơi dậy khát vọng làm lại cuộc đời
Hồi còn đi học, B. nổi tiếng học giỏi văn, từng đoạt giải Ba kỳ thi ngữ văn cấp thành phố dành cho học sinh lớp Mười hai. Lúc đó, B. nuôi giấc mơ vào đại học. Nhưng vài tháng sau, cha mẹ B. ly hôn.
|
Chị Bùi Thị Mỉ dạy học cho những người cai nghiện ma túy |
Chịu cú sốc tâm lý, từ đứa trẻ ngoan, B. bỗng thay đổi chóng mặt. Cậu bỏ học, tụ tập bạn bè xấu rồi vướng vào ma túy. Mẹ B. phát hiện, đưa con đi cai nghiện. B. cai nghiện thành công, được về nhà nhưng 1 năm sau, cậu tái nghiện. Mẹ B. đau khổ đưa con đến cơ sở cai nghiện ma túy số 3 của Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM.
Những ngày tháng đau khổ đó của B. nay đã lùi về quá khứ. Giờ đây, B. đang là sinh viên năm thứ nhất của một trường cao đẳng. Chị Bùi Thị Mỉ nhớ lại, những ngày ở cơ sở cai nghiện, B. luôn mâu thuẫn, tranh đấu giữa nỗi chán chường, bi quan về bản thân với khát vọng tương lai. Đó cũng là khoảng thời gian mà chị Mỉ cùng các đồng nghiệp thường xuyên ở bên cạnh động viên, khích lệ và tặng B. nhiều sách để giải trí và ôn luyện.
Ở cơ sở cai nghiện ma túy số 3, chị Mỉ được rất nhiều học viên yêu quý. Ngoài sự tận tâm, gần gũi, chị còn đưa ra nhiều sáng kiến khiến học viên cảm thấy đầu mình sáng ra, có tinh thần tích cực, có động lực để cải tạo bản thân, làm lại cuộc đời. Trong đó, sáng kiến “Cải tiến hình thức trao quyết định khen thưởng và quyết định giảm thời gian cai nghiện cho học viên” năm 2020 của chị được ban giám đốc cơ sở và học viên đánh giá cao.
Chị Mỉ chia sẻ, phần lớn học viên có tâm lý bất ổn, bi quan về bản thân. Khi được thầy cô quan tâm, họ từng bước vực dậy tinh thần, quyết tâm thay đổi. Để ghi nhận nỗ lực của họ, hằng quý, cơ sở đều có khen thưởng, biểu dương nhưng việc tổ chức lại lặng lẽ, theo từng đội, không cổ vũ được tinh thần đối với những học viên cải tạo tốt.
Theo đề xuất của chị Mỉ, cơ sở tập trung toàn bộ học viên được tuyên dương để trao giấy khen về việc cải tạo tốt hoặc trao quyết định của tòa án về việc giảm hình phạt. Trong buổi lễ trang trọng đó, không chỉ ban giám đốc phát biểu mà các học viên cũng có cơ hội bày tỏ cảm nghĩ. Chị Mỉ chia sẻ: “Khi được vinh danh, học viên cảm thấy rất tự hào và nhờ đó mà cố gắng hơn, đồng thời chính họ cũng trở thành tấm gương cho nhiều học viên khác”.
Ngoài ra, chị còn có nhiều sáng kiến trong quản lý, giáo dục cho người cai nghiện, được đơn vị đánh giá cao và nhận được nhiều bằng khen. Chị Mỉ còn cùng một đồng nghiệp lập ra chương trình phát thanh “Kết nối yêu thương” của cơ sở, được các học viên đón nghe mỗi sáng. Để thực hiện, chị Mỉ đi tìm kiếm các gương học viên nỗ lực cải tạo rồi lên kịch bản, phỏng vấn, viết và phát thanh về câu chuyện của họ. Chị cũng thường tranh thủ các chuyến thăm nuôi của thân nhân học viên để phỏng vấn, ghi nhận lời gửi gắm của họ.
Việc nghe người vợ bày tỏ nỗi nhớ chồng, mong chồng quyết tâm cải tạo để sớm về với gia đình, làm ăn nuôi con hoặc người mẹ già nua hy vọng con biết nghĩ cho tương lai bởi mẹ cha không thể sống đời để bảo bọc… tác động mạnh đến tâm lý của học viên, giúp họ củng cố quyết tâm làm lại cuộc đời, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Cảm hóa bằng kỹ năng và tâm huyết
Chị kể, câu chuyện của Đ. đã được chị đưa vào chương trình phát thanh mới đây và được các học viên yêu thích. Đ. là học viên có cách giao tiếp lịch sự, điềm tĩnh, hòa đồng khi mới vào cơ sở. Càng tìm hiểu, chị Mỉ càng ấn tượng về quyết tâm muốn làm lại cuộc đời của người học viên khuyết tật này. Quê ở tỉnh Nghệ An, Đ. bị mất cánh tay trái trong một tai nạn giao thông. Buồn chán, mặc cảm, Đ. bỏ lại cha mẹ già, vợ và con thơ để vào TPHCM sinh sống.
Trải qua nhiều công việc, Đ. đã tự nuôi được mình và dành dụm được tiền gửi về cho gia đình. Nhưng Đ. đã không vượt qua được cám dỗ của ma túy. Anh bị bắt, đưa vào cơ sở cai nghiện. “Đ. luôn vượt khó để cai nghiện, lao động, thường xuyên có tên trong các lần tuyên dương. Tôi nhớ mãi câu nói của Đ.: “Người ta làm được 1.000 túi giấy thì em một tay cũng ráng được 700-800 cái”. Đặc biệt, ánh mắt của Đ. luôn hạnh phúc khi nói về gia đình, ước muốn đoàn tụ khiến tôi tin Đ. và chọn lựa anh làm nhân vật phát thanh của mình” - chị Mỉ chia sẻ.
Chị Mỉ từng theo đuổi giấc mơ trở thành cô giáo. Thế nhưng, năm 2016, khi tốt nghiệp ngành sư phạm, chị chọn công tác ở cơ sở cai nghiện. Nghiệp vụ sư phạm đã giúp ích cho chị rất nhiều trong công tác ở cơ sở này. Mỗi tuần, chị có 2 buổi đứng lớp giảng dạy cho học viên môn pháp luật, giáo dục công dân và các chuyên đề về phòng chống HIV, chính sách dành cho người cai nghiện và người bị HIV…
Để các buổi dạy có sức hút, tạo hiệu ứng tích cực, chị thường đọc nhiều sách báo, cập nhật kiến thức, tìm hiểu về các nhân vật từng thất bại trong cuộc sống nhưng đã vượt khó, vươn đến thành công. Khi học viên đã trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng, chị vẫn thường theo dõi, động viên, cho lời khuyên, giúp họ vượt qua những phút chán nản để không tái nghiện.
“Càng gắn bó, gần gũi các học viên, hiểu về hoàn cảnh từng người, tôi càng thêm quyết tâm giúp đỡ họ từ bỏ ma túy, tìm lại tương lai, hòa nhập cộng đồng thành công. Thông qua đó, tôi cũng muốn góp một chút công sức của mình cho sự bình yên của xã hội” - chị Mỉ tâm sự.
Mới đây, chị là một trong 61 đoàn viên tiêu biểu do Thành đoàn TPHCM vinh danh, đồng thời nằm trong 42 gương mặt của cả nước được Ban Bí thư Trung ương Đoàn trao giải “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện toàn quốc”.
Tuyết Dân