Nữ thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ, nhà hoạt động nữ quyền qua đời vì bệnh ung thư

19/09/2020 - 20:00

PNO - Nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, một người đấu tranh không mệt mỏi cho nữ quyền, đã qua đời ở tuổi 87 vì bệnh ung thư tuyến tụy.

Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg, một hình mẫu tiên phong trong đấu tranh cho nữ quyền và là người phụ nữ thứ 2 được giao nắm giữ chức vụ quan trọng ở cơ quan này với thời gian công tác đến 27 năm, đã qua đời vì căn bệnh ung thư tuyến tụy ở tuổi 87.

Ngày18/9/2020, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ thông báo phẩm phán Ruth Bader Ginsburg đã qua đời ở tuổi 87 vì ung thư tụy - Ảnh: New York Times
Ngày 18/9/2020, Tòa án tối cao Mỹ thông báo thẩm phán Ruth Bader Ginsburg đã qua đời ở tuổi 87 vì ung thư tụy - Ảnh: New York Times

“Đất nước chúng ta vừa mất đi một nhân vật có tầm vóc lịch sử”, Chánh án Tòa án tối cao John Roberts phát biểu. “Những thế hệ tương lai sẽ luôn nhớ đến bà - một con người cống hiến miệt mài cho công lý”.

Cựu Tổng thống Clinton - người đã bổ nhiệm bà Ginsburg làm Thẩm phán năm 1993 - nói: “Cuộc đời và sự nghiệp của Ruth Bader Ginsburg khiến chúng ta thấy cần phải xích lại gần nhau hơn để có thể làm tốt công việc của mình”.

Tốt nghiệp ngành luật năm 26 tuổi, bà Ginsburg tham gia công việc giảng dạy trước khi trở thành người vận động cho quyền của phụ nữ với vị trí trưởng ban pháp lý của dự án thúc đẩy nữ quyền tại Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU) vào năm 1973. 20 năm sau đó, bà được cựu Tổng thống Clinton bổ nhiệm chức vụ Phó chánh án Tòa án tối cao Mỹ.

Trong những năm gần đây, sức khỏe của bà Ginsburg không được ổn. Cuối năm 2019, bà đã trải qua một cuộc phẫu thuật cắt bỏ 2 khối u ở trong phổi trái cùng với nhiều đợt điều trị dài ngày khác liên quan đến bệnh ung thư tuyến tụy.

Thẩm phán Ginsburg được tổng thống Clinton bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án Tối cao năm 1993 - Ảnh: Jeffrey Markowitz/Sygma/Getty Images
Thẩm phán Ginsburg được Tổng thống Clinton bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án tối cao năm 1993 - Ảnh: Jeffrey Markowitz/Sygma/Getty Images

Goodwin Liu - thẩm phán tại tòa án bang California - ca ngợi những đóng góp của bà Ginsburg và cho biết: “Con đường sự nghiệp của bà là niềm cảm hứng cho mọi người dù xuất thân ở bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ nơi đâu”.

Cựu thư ký Tòa án tối cao Elizabeth Magill, hiện là giáo sư ngành luật tại Đại học Virginia, nhắc lại những kỷ niệm về người lãnh đạo của mình: “Thẩm phán Ginsburg là "một con cú đêm". Có lần tôi nhận được điện thoại của bà ấy lúc nửa đêm, và đã cùng thảo luận về một vài điểm trong các tài liệu của tòa án đến tận 3g30 sáng”.

Sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái ở Brooklyn (New York) năm 1933, Ruth Bader theo học ngành văn chương tại Đại học Cornell và gặp người chồng tương lai của mình - ông Martin Ginsburg. Sau đó, bà chuyển sang học tại trường Luật Harvard năm 1956, nơi bà là 1 trong 9 nữ sinh viên lọt thỏm giữa một lớp học có 500 nam sinh viên. 

Khi chồng bà tìm được việc làm ở New York, bà đã chuyển sang học tại trường Luật Columbia và hoàn tất sự nghiệp học hành ở đó.

Bà Ruth Bader cùng người chồng tương lai Martin Ginsburg hồi mới quen nhau thời sinh viên - Ảnh: SCOTUS
Bà Ruth Bader cùng ông Martin Ginsburg lúc mới quen nhau thời sinh viên - Ảnh: SCOTUS

Sau khi tốt nghiệp, bà Ginsburg bắt đầu xin thực tập với vị trí thư ký tòa án địa phương và chứng kiến sự thật phũ phàng khi hồ sơ của bà bị từ chối chỉ vì bà là phụ nữ. Chính điều này đã “rẽ lối” sự nghiệp đầu đời của bà sang một hướng khác: trở thành giáo sư ngành luật ở Đại học Rutgers, rồi tiếp đó là Đại học Columbia.

Bà cũng từng đảm nhận vị trí quản lý cho dự án về quyền phụ nữ tại Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ, nơi bà đấu tranh để thách thức các điều luật vi phạm đến quyền của phụ nữ nói riêng và quyền con người nói chung, như: bạo lực giới, phân biệt đối xử với phụ nữ, không cho phép hôn nhân đồng tính...

Nhiều vụ kiện do bà tiến hành nhằm ủng hộ những người yếu thế đã thành công, gây tiếng vang trong dân chúng và giới luật gia. Năm 1993, Tổng thống Clinton đã gây “sóng gió” cho Tòa án tối cao khi quyết định lựa chọn và bổ nhiệm một phụ nữ - là bà Ginsburg - làm thẩm phán, một vị trí quan trọng trong một cơ quan tối quan trọng của Mỹ.

Trước đó, bà Sandra Day O’Connor là người phụ nữ đầu tiên được làm việc tại Tòa án tối cao với vai trò thẩm phán, do Tổng thống Reagan bổ nhiệm năm 1981.

Năm 2015, thẩm phán Ruth Bader Ginsburg đã thành công trong việc vận đông Tòa án Tối cao công nhận và cho phép hôn nhân đồng tính trên toàn nước Mỹ - Ảnh: Rick Bowmer/AP
Năm 2015, thẩm phán Ruth Bader Ginsburg đã thành công trong việc vận động Tòa án tối cao công nhận và cho phép hôn nhân đồng tính trên toàn nước Mỹ - Ảnh: Rick Bowmer/AP

“Tôi đã, đang và sẽ mãi là một nhà hoạt động nữ quyền. Tôi sẽ cố gắng để xóa tan những định kiến về giới của mọi người, dù đôi lúc chúng chỉ xẹt qua trong suy nghĩ, hoặc hành động vô thức của họ”, bà phát biểu trong một lần tiếp xúc với báo giới năm 2014.

Mặc dù phải chịu đựng căn bệnh ung thư và sự mất mát lớn sau cái chết của chồng năm 2010, bà vẫn không dừng bước trên con đường đấu tranh cho nữ quyền đã chọn.

“Tôi hiểu rằng, tôi chỉ cảm thấy mình có ích khi buộc bản thân phải luôn bận rộn. Nếu không, thà tôi chết đi còn hơn phải sống mà nằm yên một chỗ để tự vấn bản thân”, bà Ginsburg chia sẻ trong một cuộc nói chuyện với công chúng năm 2019.

Tháng 8/2015, bà Ginsburg đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam trên cương vị Phó chánh án Tòa án tối cao Mỹ để cùng thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp giữa ngành tòa án hai nước. 

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI