Nguyễn Thị Thủy (cô gái sinh năm 1993, người TP.HCM) hiện đang du học tại thành phố Kobe, tỉnh Hyogo, Nhật Bản chia sẻ về những tháng ngày gian khó và nỗ lực hết mình.
Khác với những hồi còn ở Việt Nam dựa dẫm vào ba mẹ, Thủy - cô gái gầy gò nhỏ bé ngày nào đã trưởng thành hơn rất nhiều khi phải tự mình vươn lên tại đất nước "guồng quay" của công việc và học tập, hoàn thành tốt trách nhiệm của một người con xa gia đình
Từ áp lực tiền bạc...
Thủy sang học tập tại Nhật cuối năm 2014 theo hình thức tự túc. Chọn hình thức du học này không phải vì điều kiện gia đình Thủy quá giàu có hay dư dả mà bởi đam mê của Thủy cũng như bản tính "thích chinh phục", cô gái trẻ đã được bố mẹ hỗ trợ và vay mượn thêm để đi du học.
Vì vậy, trách nhiệm nặng nề đầu tiên của Thủy ý thức khi sang Nhật là vừa học tập đạt kết quả tốt vừa nhanh chóng bắt nhịp tìm việc làm thêm để ít nhất có thể nuôi sống bản thân.
"Xa gia đình, nhiều khi áp lực và mỏi mệt, đã có những đêm mình khóc thật nhiều, ướt cả gối. Trước khi đặt chân sang đây, trong tưởng tượng của mình, sự khó khăn cùng lắm là phải cố gắng gấp đôi, gấp 3. Nhưng không phải, mình đã phải cố gắng gấp 10, không ngơi nghỉ".
|
Du học sinh Việt đã tự nấu chè, làm bánh tráng trộn... rao bán trên nhóm Face "Tokyo Baito" |
Thủy cho biết, để có thể tự lập tồn tại ở thành phố Kobe, mỗi tháng du học sinh cần ít nhất 15 triệu. "Tùy từng bạn, vì mỗi người có mức chi tiêu khác nhau, nhưng đối với những du học sinh tiết kiệm ở khu mình sống thì 15 triệu -20 triệu là đã đủ sống ổn.
Một tháng qua đi rất nhanh, vèo cái là đến hạn tiền phòng, chúng mình ở chung có giá khoảng 4 triệu/tháng, tiền ăn mất khoảng 4,5 triệu/tháng. Chưa kể điện, nước, ga, mạng, phương tiện đi lại..."
Thủy cho biết. mình và những du học sinh Việt Nam tại đây đã làm đủ thứ nghề: Từ việc rửa bán, bán trong cửa hàng ăn, dọn nhà vệ sinh khách sạn... Đến những việc tự do như bán chè, nấu xôi, bánh tráng trộn, thậm chí nhập cả quần áo từ Việt Nam chuyển sang đây để bán cho người Việt mình kiếm thêm thu nhập.
"Hiện mình đang bán chè, nguyên liệu chủ yếu từ Việt Nam gửi sang, mình đăng tin trên các trang mạng xã hội dành cho người Việt, mỗi cốc chè có giá khoảng 300 yên, tương đương vào khoảng 65 nghìn đồng/ cốc.
Chủ yếu mình bán cho người Việt Nam mình thôi, mình bán trong danh sách bạn bè, bạn trong trường, người quen, nói chung là gần khu vực sinh sống, cách nhà khoảng 2,3 ga. Mình làm trong thời gian rảnh rỗi, kín thời gian vào 2 ngày cuối tuần, và thường vào các buổi tối. Mỗi tháng cũng thu nhập bằng một công việc làm thêm tại đây là vào khoảng 15, 16 triệu".
Thủy cho biết, bản thân cũng đã định bằng lòng với số tiền kiếm được nhưng bất ngờ vào cuối năm 2015, từ Việt Nam báo sang bố có bị ốm nặng, tiền bạc gia đình cũng tán hết, cộng với tiền hàng tháng mẹ vay ngân hàng trước cho Thủy đi du học vẫn phải nộp.
"Nghĩ đến bố mẹ vất vả, mình lại muốn khóc và lại gồng mình cố gắng để có tiền gửi về cho bố mẹ. Mình quen mối nhập những hàng mỹ phẩm từ bên này chuyển về TP.HCM cho bạn mình bán, thay vào đó, bạn ở quê nhà sẽ chuyển quần áo Việt Nam sang đây cho mình bán. Nghe có vẻ kỳ lạ đúng không, nhưng đó là sự thật... Mỗi tháng mình kiếm thêm được 20 triệu riêng gửi về cho bố mẹ đều đặn".
... đến kết quả học tập tốt, mỗi tháng đều đặn gửi tiền cho bố mẹ
Thời gian đầu khó khăn mau qua đi, Thủy dần quen với tốc độ làm việc và học tập bên này, cô không còn cảm thấy quá khó khăn, muốn bỏ về Việt Nam như trước nữa.
Cô bạn cho biết, không phải chỉ riêng mình trong hoàn cảnh ấy mà có khá nhiều du học sinh Việt tại đây cũng chịu áp lực như Thủy. Có những bạn sang Nhật du học cố gắng đi làm kiếm tiền gửi về cho gia đình, thế nhưng, hầu hết vẫn không quên nhiệm vụ học tập.
"Bỏ công sức kiếm tiền là một chuyện nhưng chúng mình cũng xác định được sang đây việc học là chính nên không ai dám lơ là. Chúng mình sống rất nề nếp, không bỏ học bất cứ buổi nào. Ý thức được mình là du học sinh của Việt Nam nên cũng không thể để bạn bè và thầy cô nước bạn đánh giá. Với riêng mình, kết quả học tập vừa rồi, mình đứng Top và được giáo sư khen. Mình thấy vui và lấy đó làm động lực", Thủy tâm sự.
|
Lớp học của Thủy sau kỳ thi kéo dài, nhiều bạn mệt mỏi. |
"Đến kỳ thi, chúng mình vẫn làm thêm nhưng có những đêm thức trắng để học. Mỗi đứa cái đèn, mỗi đứa một góc, bạn này tranh thủ ngủ chút thì nhờ bạn kia gọi dậy đúng giờ. Cứ thế kéo dài đến hết kỳ thi.
Thêm nữa, trong quá trình học - ngồi trong lớp muốn tiết kiệm thời gian nên ai cũng chăm chú và tập trung hết mức để nghe thầy giảng bài. Nhờ vậy, quá trình ôn gấp rút không phải giống kiểu học "chạy" mà ôn lại cho chắc kiến thức để vào phòng thi tự tin làm bài hơn".
Thủy cho hay, thỉnh thoảng sau mỗi kỳ thi, có một vài bạn lại "lăn ra" ốm trước khi trở lại guồng quay vừa học vừa kiếm tiền nuôi bản thân, vừa chắt chiu gửi về cho bố mẹ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đi làm thêm dễ dàng và có tiền đều đặn gửi về cho bố mẹ. Có những người cố vay tiền gửi bạn gửi về, rồi tháng sau đi làm có tiền để trả bạn. Đó là câu chuyện thật của chúng tớ đấy", Thủy chia sẻ với mong mọi người có cái nhìn đầy đủ hơn về du học sinh.
Lam Thanh