Nữ sinh Nhật Bản và ám ảnh bị quấy rối trên những chuyến tàu đi thi

23/01/2025 - 13:30

PNO - Chính quyền địa phương và các nhà khai thác đường sắt trên khắp Nhật Bản đã đưa ra nhiều biện pháp để chống lại những kẻ biến thái, như dành một số toa chỉ cho phụ nữ trong giờ cao điểm, lắp đặt camera giám sát bên trong tàu...

những kẻ sờ soạng tàu hỏa nhắm vào những sinh viên đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học vào cuối tuần qua
Những kẻ quấy rối trên tàu hỏa nhắm vào những nữ sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học - Ảnh: Kyoto

"Các nữ sinh bị quấy rối trên đường đến kỳ thi tuyển sinh đại học cuối tuần trước sẽ được phép tham gia một bài kiểm tra thay thế vào cuối tuần này" - các nhà chức trách Nhật Bản vừa ra thông báo.

Đây là một động thái chưa từng có tiền lệ làm nổi bật điều mà các chuyên gia gọi là mối đe dọa ngày càng tăng và có tổ chức từ "chikan" - một thuật ngữ tiếng Nhật chỉ những kẻ biến thái hoặc sờ soạng.

Quyết định trên được đưa ra sau khi có báo cáo rộng rãi về việc chikan nhắm vào các nữ sinh trên những chuyến tàu đông đúc khi họ trên đường đến các kỳ thi vào thứ Bảy và Chủ nhật.

"Các nạn nhân đã báo cáo sự cố cho cảnh sát hoặc nhân viên đường sắt sẽ được phép làm lại các bài kiểm tra" - các quan chức cho biết.

Đối với nhiều người, thời điểm của các cuộc tấn công không phải là ngẫu nhiên. Cảnh sát thường xuyên quan sát thấy sự gia tăng đột biến trong các bài đăng trên mạng xã hội của những người đàn ông với nội dung trao đổi lời khuyên về cách quấy rối hành khách trong mùa thi. Theo các sĩ quan, thủ phạm cho rằng do tâm lý sợ bị trì hoãn các kỳ thi quan trọng, các nữ sinh ít có khả năng đối đầu với những kẻ tấn công hoặc báo cáo vụ tấn công cho chính quyền.

"Những kẻ sàm sỡ tìm thấy niềm vui khi bí mật chạm vào và làm phiền các cô gái. Những người đàn ông này rõ ràng rất tính toán và có tổ chức. Cách họ hành động không phải là bạo lực công khai nhưng nhiều phụ nữ nghĩ rằng họ không đủ sức mạnh để chống trả" - Sumie Kawakami, giảng viên tại Đại học Yamanashi Gakuin và là tác giả một cuốn sách về các vấn đề giới, giải thích.

những kẻ sờ soạng tàu hỏa nhắm vào những sinh viên đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học vào cuối tuần qua
Mỗi kỳ thi, nhiều nữ sinh đều phải đối diện với những kẻ sờ soạng trên tàu hỏa - Ảnh: Kyoto

Gần 302.000 thí sinh đã tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay. Cảnh sát Nhật Bản triển khai thêm khoảng 3.300 sĩ quan đến các ga đường sắt và toa tàu vào cuối tuần để ngăn chặn những kẻ sàm sỡ và giải quyết các sự cố trong thời gian đó. Các nhà khai thác đường sắt cũng tăng số lượng nhân viên tại các nhà ga.

Cảnh sát đã áp dụng các biện pháp chủ động hơn để chống lại chikan trong những năm gần đây, bao gồm giám sát thông tin liên lạc trực tuyến giữa những người phạm tội và chặn các cuộc trò chuyện để cảnh báo họ về nguy cơ bị bắt. Chỉ riêng trong tháng Giêng và tháng Hai năm ngoái, 51 cảnh báo như vậy đã được ban hành.

Cảnh sát cũng đã tăng cường các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng. Các video ngắn được chiếu trên tàu hỏa hướng dẫn phụ nữ cách phản ứng nếu bị tấn công.

Chiến dịch video đang được dẫn dắt bởi người mẫu và nhân vật truyền hình Nhật Bản Peco - người kêu gọi phụ nữ không sợ hãi và "hãy lên tiếng" nếu bị quấy rối. Trong một thông điệp nhắm vào chikan, cô nói: "Đối với những người nghĩ đến việc sờ soạng, các bạn thật đáng khinh và hèn nhát".

Chính quyền thành phố Tokyo đã phát động chiến dịch riêng trước mùa thi, với một trang web chuyên dụng nêu chi tiết những nỗ lực của "nhóm dự án liên cơ quan để xóa bỏ hành vi quấy rối". Sáng kiến trên bao gồm các thông báo công khai trên tàu hỏa, các chiến dịch giáo dục và tăng cường cảnh giác trong thời gian di chuyển cao điểm.

Trên nhiều chuyến tàu ở Nhật có những khu vực dành ri6eng phụ nữ để tránh quấy rối, Ảnh: Ruetres
Trên nhiều chuyến tàu ở Nhật có những khu vực dành riêng cho phụ nữ để tránh bị quấy rối - Ảnh: Reuters

Theo một nghiên cứu vào năm ngoái, 56,3% phụ nữ và 15,2% nam giới ở Tokyo cho biết từng bị sờ soạng trên tàu hoặc trong nhà ga. Hầu hết các sự cố (65,2%) xảy ra trong quá trình đi làm đông đúc vào buổi sáng (từ 6g - 9g), khi các toa xe quá tải.

Trong khi khoảng 72% nạn nhân trốn tránh hoặc chặn kẻ tấn công, chỉ có 10,5% cho biết thủ phạm dừng lại khi có bên thứ ba can thiệp. Đáng báo động, 39,1% nạn nhân phải chịu đựng cuộc tấn công trong im lặng do không muốn "làm ầm ĩ" hoặc không chắc phải phản ứng như thế nào.

Chính quyền địa phương và các nhà khai thác đường sắt trên khắp Nhật Bản đã đưa ra nhiều biện pháp để chống lại chikan, bao gồm các toa chỉ dành cho phụ nữ trong giờ cao điểm, lắp đặt camera giám sát bên trong tàu...

Phụ nữ trẻ và trẻ em gái cũng được khuyến khích mang theo thiết bị báo động cá nhân để ngăn chặn những kẻ tấn công. Các lời kêu gọi công khai nêu tên và làm xấu hổ thủ phạm là biện pháp răn đe mạnh mẽ. "Đối với những người đàn ông này, những kiểu tấn công trên nhằm thể hiện quyền lực. Trong đời thực, họ thường không thể duy trì mối quan hệ với phụ nữ. Vì vậy, họ cố gắng áp đặt bản thân lên những phụ nữ trẻ, dễ bị tổn thương và hy vọng rằng họ sẽ không bị phơi bày. Họ đang cố gắng thể hiện quyền lực trong khi trên thực tế, họ hoàn toàn bất lực" - Kawakami nói.

Thảo Nguyễn (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI