Nữ sinh nhận Huân chương Lao động hạng Ba: Nghị lực và bệ đỡ của hai người mẹ

28/12/2021 - 06:52

PNO - 18 tuổi, Nguyễn Thị Thu Nga vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng.

Trước khi là tân sinh viên Trường đại học Y Hà Nội, Thu Nga giành huy chương bạc tại cuộc thi Olympic sinh học quốc tế năm 2021.  Thành tích đầy tự hào đó không chỉ đến từ nỗ lực của Thu Nga, mà còn từ bệ đỡ của người mẹ tảo tần nuôi ba đứa con mồ côi cha ăn học, của người mẹ nuôi - cũng là cô giáo dạy sinh học - suốt những năm tháng Nga xa nhà học ở tỉnh.

Sinh ra ở vùng đất bán sơn địa - xã Sơn Vi, H.Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ - ba chị em Nga lớn lên trong cảnh ngặt nghèo: bố mất sớm vì đột quỵ, mẹ làm công nhân may, lương tháng chỉ khoảng bốn triệu đồng. Nga, chị gái, em trai vẫn tranh thủ giúp mẹ việc đồng áng ngoài giờ học. Cũng nhờ đàn con sớm biết đỡ đần mà cuộc sống của mẹ góa con côi cùng bà ngoại già yếu cũng phần nào vơi bớt nhọc nhằn.

Thu Nga nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước  Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Phó Chủ tịch nước - Chủ tịch Hội Khuyến học  Việt Nam Nguyễn Thị Doan trao tặng ngày 18/12
Thu Nga nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Phó Chủ tịch nước - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan trao tặng ngày 18/12

Năm 2018, Nguyễn Thị Thu Nga, cô học trò trường làng của Sơn Vi giành giải nhất học sinh (HS) giỏi cấp tỉnh môn sinh học, được tuyển thẳng vào lớp Mười chuyên sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương. Thế nhưng ngày nộp hồ sơ, lớp chuyên sinh của cô Vũ Thị Hạnh lại không có tên HS đoạt giải nhất - Thu Nga. Khi đó, ban giám hiệu đã cử cô giáo Hạnh đến nhà để thuyết phục “hạt giống” về trường nhập học.

Từ TP.Việt Trì, cô Hạnh không đến ngay nhà Nga mà đến gặp ban giám hiệu Trường THCS Sơn Vi. Ở đó, cô Hạnh được nghe các thầy cô khen ngợi năng lực, niềm say mê của Nga với môn sinh học, cũng như hoàn cảnh gia đình Nga. Chị gái Nguyễn Thị Hường của em lại đang là sinh viên năm thứ hai ngành y đa khoa của Trường đại học Y Thái Nguyên. Ai cũng hiểu hoàn cảnh khó khăn là lý do Nga từ chối về thành phố học trường chuyên. Nhắc lại chuyện cũ, cô Hạnh bảo chính những thông tin ấy càng thôi thúc cô gặp Nga và quyết tâm thuyết phục em về trường chuyên bằng được. Đến gia đình Nga, nhìn ngôi nhà tường không sơn, không quét vôi, hai gian trống huơ trống hoác; cô Hạnh chỉ nói với Nga rằng: “Nếu khó khăn, không ở trường được thì về ở  với cô”.

Nga vẫn nhớ: “Cô Hạnh nói nhiều về khả năng của em, về tương lai rộng mở với em, về cả những cơ hội em không nên bỏ qua. Ngày đó, đúng là em từ chối trường chuyên vì sợ mẹ tốn nhiều tiền khi phải nuôi em trọ học xa nhà. Em chọn trường huyện, gần nhà để đỡ tốn kém, lại có thời gian phụ giúp mẹ. Nhưng rồi nghe cô Hạnh nói, em đã có cảm giác yên tâm, tin tưởng”.

Thế là Nga về thành phố, đến sống ở nhà cô Hạnh, cô nói với hai cậu con trai nhỏ: “Nhà mình có chị Nga, mẹ đón chị về để dạy chị thi HS giỏi”. Cô Hạnh chỉ nói với hai con và giấu hai bên gia đình nội ngoại. Bởi chồng cô cũng mất sớm, mình cô nuôi hai đứa con, thêm Nga lại thêm gánh nặng. Vừa quý trọng sự hiếu học, khả năng của Nga, vừa đồng cảnh mẹ góa con côi; Nga đã thực sự trở thành con cái trong nhà cô Hạnh. Về quê Đoan Hùng là cô đưa cả hai con trai và Nga theo. Đưa Nga về Lâm Thao, cô Hạnh cũng dẫn hai cậu con trai cùng về quê với chị. Ở thành phố thì mẹ con, cô trò có gì ăn nấy…

26 năm gắn bó với môn sinh học, nhiều năm đứng lớp bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi quốc gia đủ để cô Hạnh nhận ra năng lực của từng HS. Còn Thu Nga, ngoài tố chất, có lẽ em còn vì tình yêu thương và niềm tin của cô Hạnh mà nỗ lực gấp nhiều lần. Hè năm 2018, cô Hạnh gọi Nga lên học cùng lớp dành cho HS của nhiều tỉnh tập trung rèn luyện để thi chọn HS giỏi quốc gia.

Chuẩn bị vào lớp 10, nhưng Nga lại được cô Hạnh sắp xếp học cùng các anh chị sắp lên lớp 12. Chỉ ít ngày dạy, cô Hạnh đã khẳng định được tố chất mà mình đã nhìn thấy ở Nga ngay từ lần đầu gặp gỡ. Cô quyết định giúp Nga “học đuổi” với 10 giờ đồng hồ mỗi ngày, trong suốt một tháng. Thậm chí, cô còn giao cho Nga tiếp cận với đề thi quốc tế. Và nửa tháng sau, Nga là HS lớp 10 duy nhất được chọn vào đội tuyển quốc gia môn sinh năm học 2018 - 2019 của tỉnh Phú Thọ. Nhỏ tuổi nhất, nhưng điểm số của Nga cao nhất. Năm đó, Nga giành giải nhì quốc gia môn sinh học và là HS lớp Mười đầu tiên lọt vào vòng hai thi chọn HS vào đội tuyển quốc tế.

Năm 2018 - 2019, Nga dừng ở vòng hai. Một năm sau, Nga là thành viên của đội tuyển Olympic sinh học quốc tế và đoạt giải khuyến khích. Cô và trò lại thêm một năm quyết tâm đổi màu thành tích. Ngoài giờ học, cô Hạnh lại trở thành “mẹ Hạnh” chăm lo cho Nga từng bữa ăn, giấc ngủ. Nga từng thật thà bảo, ân tình của cô Hạnh làm em thấy ấm áp nhưng cũng khiến em thấy áp lực khi tự nhắc mình phải nỗ lực hơn nữa để đáp đền ân tình ấy. Và cô nữ sinh bé nhỏ có đôi mắt rất sáng đã làm được. Trong kỳ thi Olympic sinh học quốc tế năm 2021, Nguyễn Thị Thu Nga - nữ sinh duy nhất của đội tuyển Olympic sinh học Việt Nam đã xuất sắc giành huy chương bạc.

Cô giáo Vũ Thị Hạnh và Nguyễn Thị Thu Nga
Cô giáo Vũ Thị Hạnh và Nguyễn Thị Thu Nga

Từ khi về nhà cô Hạnh ở để theo học Trường THPT chuyên Hùng Vương, Nga đã mơ ước sau này trở thành bác sĩ để chữa bệnh dạ dày cho mẹ và chữa bệnh đau đầu cho cô. Ước mơ ấy dần trở thành hiện thực khi em được tuyển thẳng vào Trường đại học Y Hà Nội, bắt đầu hành trình để trở thành bác sĩ đa khoa. Thành tích của cả hai lần thi quốc tế cũng như vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba vừa mới đây, với Thu Nga, đều là những món quà đặc biệt em dành tặng mẹ và cô giáo - hai người mẹ tảo tần, vất vả bao năm để chăm sóc và nuôi dưỡng ước mơ cho những đứa con. 

Ngọc Minh Tâm

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI