Nữ sinh ngành điện khởi nghiệp từ 40 triệu đồng

04/11/2024 - 06:38

PNO - Tốt nghiệp trung cấp ngành hệ thống điện, Lê Huỳnh Hãi Linh - 29 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Long - đã thành lập một công ty chuyên về điện với số vốn ban đầu chỉ hơn 40 triệu đồng.

Công ty của chị đặt tại tỉnh Bình Dương, có nhiều dịch vụ như sửa chữa điện, thí nghiệm các tủ điện, trạm biến áp, xây lắp điện mặt trời, năng lượng điện gió…

Năm 18 tuổi, chị đã chọn học ngành kế toán của Trường cao đẳng Điện lực TPHCM với ước mơ thoát nghèo. Mỗi ngày đi học, chị chỉ cho phép mình được dùng 5.000 đồng để ăn cơm trắng. Có những ngày chỉ còn 3.000 đồng, chị phải chọn lựa giữa uống sữa đậu nành 3.000 đồng hoặc để dành tiền gửi xe đạp ở trường là 2.000 đồng.

Tan học, chị đi quanh trường nhặt ve chai bán lấy tiền. Được một thời gian, chị mới xin làm phục vụ quán ăn với mức lương 2 triệu đồng/tháng.

Hãi Linh trong thời gian học tại Trường cao đẳng Điện lực TPHCM - Ảnh do nhân vật cung cấp
Hãi Linh trong thời gian học tại Trường cao đẳng Điện lực TPHCM - Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong quá trình học kế toán, chị bị thu hút bởi hình ảnh các anh công nhân điện lực leo trụ điện và những câu chuyện vất vả trong nghề. Ngay khi tốt nghiệp và nhận được tháng lương kế toán đầu tiên, chị đăng ký học trung cấp ngành hệ thống điện.

“Khi vào học, tôi mới thấy ngành này đối với nữ là quá khó. Có những ngày thực hành leo trụ mà mình đứng khóc luôn. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn yêu nghề. Tôi còn dành hơn 1 tháng để đi tất cả công ty điện lực từ TPHCM ra đến tỉnh Thái Bình chỉ để xem các anh công nhân làm việc, từ đó hiểu được nghề mà mình đã chọn” - chị chia sẻ.

Sau khi có bằng trung cấp hệ thống điện, chị làm thêm cho các công ty buôn bán thiết bị điện, thí nghiệm công trình điện.

Năm 2019, năng lượng mặt trời bắt đầu phổ biến ở nhiều nơi. Cầm trong tay hơn 40 triệu đồng tích góp nhiều năm, cộng với kiến thức và các mối quan hệ sẵn có, chị quyết định thành lập công ty lắp đặt điện năng lượng mặt trời. Khi đó, chị vừa tròn 24 tuổi. Chị đã vay của mẹ được gần 60 triệu đồng, nhưng khi ngỏ ý vay dì thêm 300 triệu đồng thì bị từ chối vì chưa có gì trong tay.

Lúc này, chị được 2 người thầy trong trường đề nghị hợp tác vì tin vào khả năng của cô học trò nghị lực. “Chúng tôi hoàn tất giấy tờ thành lập công ty và thế chấp ngân hàng bằng chính dự án của mình. Nhờ chứng minh được tính khả thi của dự án, 3 thầy trò vay được 10 tỉ đồng. Lúc đó, dì mới đồng ý cho tôi mượn thêm 300 triệu đồng để xây dựng công ty” - chị kể lại.

Công ty thành lập không bao lâu thì dịch COVID-19 ập đến, mọi hoạt động vệ sinh, bảo trì pin năng lượng mặt trời gần như đóng băng. Tiền lãi vay ngân hàng thì ngày càng tăng. Dù vậy, chị và các cộng sự vẫn kiên trì “nuôi” công ty bằng các dự án cũ.

Vượt qua 2 năm dịch bệnh, hiện chị đã thanh toán cho ngân hàng hơn 50% số nợ vay. Trong giai đoạn xây dựng công ty, chị còn học liên thông đại học ngành hệ thống điện của Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, tốt nghiệp năm 2021.

Đi lên từ gian khó nên khi thành công, chị thường xuyên giúp đỡ những sinh viên khó khăn bằng cách tạo cơ hội cho các bạn làm việc tại công ty, giới thiệu việc làm cho các bạn tại các công ty về điện khác. Với những sinh viên gặp khó khăn về học phí, chị sẵn sàng hỗ trợ.

Trong tương lai, chị Linh mong muốn sớm mở rộng công ty, trả hết nợ ngân hàng. Từ đó, chị có thể giúp đỡ được nhiều sinh viên ngành điện.

Với kinh nghiệm của mình, chị Linh nhắn nhủ: “Nếu đã có đam mê thì các bạn nhất định phải tin vào bản thân. Chỉ cần các bạn không ngừng cố gắng, không ngại xông pha thì chắc chắn sẽ thành công. Rủi ro càng cao thì thành quả càng lớn”.

Nguyệt Cát

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI