Nữ sinh lớp Năm trở thành tình nguyện viên môi trường

03/06/2023 - 06:00

PNO - Maya Thiru (10 tuổi) - học sinh lớp Năm, ở Markham, Ontario, Canada - là gương mặt đại diện cho chiến dịch chống ô nhiễm nhựa. Mục tiêu của chiến dịch là nâng cao nhận thức và thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn nhãn dán nhựa trên sản phẩm.

 

Maya Thiru khuyến khích trẻ em thu thập các nhãn dán trên sản phẩm để gửi tới Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Steven Guilbeault - ẢNH: NEW MARKET TODAY
Maya Thiru khuyến khích trẻ em thu thập các nhãn dán trên sản phẩm để gửi tới Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Steven Guilbeault - ẢNH: NEW MARKET TODAY


Với sự giúp đỡ của mẹ, cô bé bắt đầu gửi email đến các tổ chức từ thiện môi trường để tìm kiếm một vị trí tình nguyện viên. Hầu hết đều từ chối với lý do cô còn quá nhỏ. Tuy nhiên, Friends of the Earth (FOE) - một tổ chức bảo vệ môi trường của Canada - đã đồng ý gặp cô.

Sau buổi nói chuyện với Beatrice Olivastri - Giám đốc điều hành của FOE - Maya được giao một số nhiệm vụ. Cô bé đến cửa hàng tạp hóa địa phương và quan sát các nhãn dán thường thấy trên sản phẩm. “Trước đây, cháu thực sự không chú ý đến những nhãn dán nhỏ này” - Maya nói. 

Maya hiện là một thành viên của chiến dịch nâng cao nhận thức về nhãn dán PLU (nhãn tra cứu giá) trên trái cây và rau củ. Cô bé muốn mọi người biết rằng những nhãn dán này có thể gây hại cho môi trường và hy vọng sẽ truyền cảm hứng hành động cho trẻ em và người lớn. 

Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Canada đã cấm sản xuất và nhập khẩu một số loại nhựa sử dụng 1 lần. Maya mong muốn chính phủ sớm bổ sung nhãn dán nhựa vào lệnh cấm. 

FOE Canada cho biết: “Chiến dịch chống ô nhiễm nhựa của Maya hy vọng sẽ kêu gọi được trẻ em, phụ huynh và giáo viên trên khắp Canada trong cuộc đấu tranh loại bỏ ô nhiễm nhựa khỏi hành tinh”.

Chiến dịch này còn kêu gọi trẻ em thu thập các nhãn dán trên sản phẩm để gửi tới Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Steven Guilbeault.

Theo Jane Proctor - Phó chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị sản phẩm Canada (CPMA) - nhãn dán được sử dụng khắp thế giới để đảm bảo khách hàng thanh toán đúng giá và hạn chế tình trạng các mặt hàng bị lẫn lộn. Hầu hết các nhãn dán PLU được làm từ nhựa, mực, chất kết dính và không phân hủy được, gây ô nhiễm môi trường. Hiện tại, ngành công nghiệp đang nghiên cứu chuyển sang nhãn dán có thể phân hủy nhưng quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra từng bước.

Hà Thụy 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI