Học sinh lớp 9 bị đánh dã man - Để cái ác đừng tái diễn
Ngày 22/3, cháu H.Y. (SN 2004, là học sinh lớp 9 trường THCS Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, Hưng Yên) bị 5 học sinh cùng lớp lột quần áo, đánh đập dã man và quay video ngay trong lớp học. Sự iệc gây bàng hoàng cho nhiều người bởi tính côn đồ của các học sinh, nhất là khi sự việc này đã từng xảy ra nhiều lần.
Có quá nhiều nguyên nhân để bạo lực học đường vẫn cứ là vấn nạn nhức nhối. Trong đó, ngoài các nguyên nhân cội rễ dẫn đến hành vi bạo lực trên, cách xử lý sự việc cũng được cho là sẽ góp phần khiến các ác còn hoặc không còn diễn ra nơi học đường.
Mời bạn đọc chia sẻ quan điểm về vấn đề trên. Mọi ý kiến được chọn đăng sẽ nhận được nhận bút của toà soạn. Thư từ xin gửi về: thoisu@baophunu.org.vn hoặc Báo Phụ Nữ TP.HCM - 311 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3.
|
Nữ sinh bị đánh đập, ngoài phải nhập viện điều trị thương tích còn bị sang chấn tâm lý. Sự việc gây đau lòng cho nạn nhân là một, vấn nạn nhứt nhối “sự nghiệp trồng người” cho gia đình và xã hội thì gấp mười lần. Đó là những hành vi vi phạm pháp luật cần phải ngăn chặn và chấm dứt diễn ra trong tương lai.
|
Cháu H.Y đã dần hồi phục sau nhiều ngày điều trị tại bệnh viện tâm thần |
Đối với các học sinh vi phạm đang học lớp 9, độ tuổi khoảng 16. Theo qui định của Bộ luật hình sự thì “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm... Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng...”.
Theo Bộ luật Hình sự thì hành vi của nhóm học sinh trên là có dấu hiệu cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134); hành vi lột trần trụi áo quần của nạn nhân trước sự chứng kiến của nhiều người là dấu hiệu làm nhục người khác (Điều 155). Từ đó, cơ quan có trách nhiệm phải tiến hành điều tra xác minh những 5 nữ sinh đã có hành vi bạo lực kia, xem thời điểm phạm tội, mức độ nghiêm trọng, hậu quả... để chịu trách nhiệm theo qui định về độ tuổi như nêu trên. Trong đó, phải nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, côn đồ, tái phạm nguy hiểm...
Trong việc này, không thể không nhắc đến trách nhiệm của cha mẹ các học sinh vi phạm. Ngoài trách nhiệm về giáo dục con cái, họ phải chịu bồi thường thiệt hại do con mình gây ra, theo Bộ luật Dân sự. Cụ thể, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của cha mẹ đối với việc bồi thường thiệt hại tinh thần, vật chất gây ra cho nạn nhân... theo qui định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015.
Ngay cả với nhà trường nơi xảy ra vụ việc cũng thế, cũng phải chịu trách nhiệm theo quy định của luật pháp. Theo đó, Điều 27 Luật Giáo dục năm 2005 qui định mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân... thế nhưng đã có dấu hiệu nhà trường đã buông lỏng, thiếu quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng cơ bản cá nhân của học sinh nên vụ việc đã xảy ra nhiều lần mà không phát hiện đến khi có trình báo thì giải quyết một cách qua loa, thiếu trách nhiệm. Do đó, nhà trường phải bị xử lý từ cơ quan quản lý có thẩm quyền.
|
Hình ảnh cháu H.Y. bị các bạn cùng lớp hành hung (ảnh cắt từ clip) |
Đối với tổ chức đoàn thể xã hội. Điều 97 Luật Giáo dục năm 2005 qui định tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội... có trách nhiệm: Góp phần xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, ngăn chặn những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Đặc biệt, Đoàn thanh niên CSHCM có trách nhiệm phối hợp với nhà trường giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Vậy tổ chức đoàn hội của trường đã làm gì thời gian qua lại để xảy ra vụ việc đau lòng như vậy tại trường?
Ngoài ra, phải nói đến trách nhiệm của Hội đồng nhân dân địa phương. Tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 qui định về "Thẩm quyền giám sát của Hội đồng nhân dân về việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương"... khi xét thấy cần thiết, Hội đồng nhân dân tiến hành giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ở địa phương (Điều 5). Do đó không thể không nhắc đến trách nhiệm của Hội đồng nhân trong việc giám sát hoạt động giáo dục tại địa phương.
Việc xảy ra tại Hưng Yên nói riêng nhưng là bài học lớn cho ngành giáo dục cả nước, tổ chức đoàn thể, cơ quan chính quyền địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm và có trách nhiệm hơn với chính con em của chúng ta về “phát triển học sinh toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân”.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ
(Công ty Luật Tín Nghĩa – Đoàn Luật sư TP.HCM)