Nữ sinh Lê Thị Hà Vi: Còn một chân, vẫn bước tới bằng 'đôi chân' của chính mình

30/07/2018 - 06:11

PNO - Đây là thông tin mát lành sau vụ án gian lận thi cử, nâng điểm cho hàng trăm thí sinh ở Hà Giang, Sơn La trong cùng kỳ thi khiến dư luận sôi sục hơn 10 ngày qua.

Nữ sinh Lê Thị Hà Vi, người bị mất chân phải do tắc trách của các bác sĩ hai năm về trước, vừa trúng tuyển vào Trường đại học Luật TP.HCM năm 2018 với 24,5 điểm (ngữ văn 7,75 điểm, lịch sử 9 điểm và địa lý 7,75 điểm), chưa tính điểm ưu tiên. 

Nu sinh Le Thi Ha Vi: Con mot chan, van buoc toi bang 'doi chan' cua chinh minh
 

Tuổi 16, tràn đầy những hoài bão, ước mơ, bỗng dưng bị khuyết mất một chân, một mất mát có thể nói khó lòng chấp nhận được. Nhưng Hà Vi đã nhanh chóng vượt qua nỗi đau để theo kịp bạn bè sau 45 ngày nằm viện. Hơn thế, ngay năm học sau, Hà Vi đoạt huy chương bạc môn địa lý tỉnh Đắk Lắk để “chạy đà” cho năm nay đỗ vào đại học với số điểm khá cao. Thế mới thấy, nghị lực và ý chí vươn lên ở cô bé là rất đáng nể. 

Để có được những quả ngọt ấy, Hà Vi cho biết, em phải phấn đấu rất nhiều để vượt qua chính mình. Khó khăn lớn nhất mà em phải trải qua là giai đoạn đầu sau khi bị mất chân phải, em chìm trong trạng thái “rơi tự do”. “Nhưng rồi em tự nhủ: mình phải suy nghĩ tích cực hơn, mình vẫn còn một chân, vẫn may mắn hơn nhiều người. Từ đó em thích nghi dần để hòa nhập với cuộc sống, với bạn bè”.

Hỏi về hoàn cảnh gia đình, Hà Vi cho biết, nhà em có ba chị em. Chị cả tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học, chưa tìm được việc làm. Em trai năm nay học lớp Tám. Gia đình chỉ đủ ăn, đủ mặc. Nhưng tìm hiểu qua những người xung quanh, chúng tôi được biết, từ lâu mẹ Hà Vi mắc bệnh tim và rối loạn thần kinh thực vật. Gần đây, bệnh tình trở nặng nên mẹ em phải vào bệnh viện thường xuyên hơn. Mọi công việc ở nhà do cha Hà Vi gánh vác.

Nói thì đơn giản, nhưng sau biến cố dữ dội, sức khỏe suy giảm, mọi sinh hoạt liên quan đến sự dịch chuyển đều gặp khó khăn… khiến Hà Vi không ít lần thấy mặc cảm, bi quan, chỉ muốn buông xuôi. Nhưng khi rơi vào hoàn cảnh đen tối nhất thì Hà Vi lại tìm ra ánh sáng, tìm ra được động lực để nỗ lực vượt qua trở ngại cùng với sự động viên giúp đỡ của mọi người.

Còn nhớ, ngày Hà Vi trở về sau thời gian nằm viện, tại nhà em ở thôn 3, xã Ea Bhốk, H.Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, đã có rất nhiều bà con, người thân cùng các cơ quan đoàn thể đến chia sẻ, động viên và giúp đỡ em. “Nhà trường không tính toán việc đài thọ toàn phần cho em hết bao nhiêu mà chỉ quan niệm sẽ có thêm một học trò ngoan, bản lĩnh. Bữa cơm thêm cái chén, phòng ngủ thêm một người, lớp học thêm bạn mới, là tấm gương cho học sinh noi theo…”, lời chia sẻ của cô Bùi Thị Ngọc Ánh - Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT Đông Du, nơi Hà Vi theo học - quá đỗi giản dị, nhưng thể hiện niềm hạnh phúc khi được đón nhận Hà Vi vào học.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng hứa sẽ đặc cách cho Hà Vi vào học ngành y và tạo điều kiện việc làm ổn định sau đó. Một cơ hội không dễ có, nhưng cô bé vẫn kiên định theo đuổi mơ ước vào ngành luật của mình. Hà Vi tâm sự: “Đối với nhiều người, đấy là mong ước. Nhưng với em, nếu mình không thích, không đam mê, có theo học cũng sẽ không đạt được kết quả”. Chúng tôi đặt vấn đề: giả sử người ta trao cho em một cơ hội như thế, nhưng vào trường luật? Cô bé không ngập ngừng nói: “Mình không được ỷ lại vào người khác mà phải cố gắng vươn lên bằng năng lực của chính mình”. 

Đến đây, tôi bỗng nhớ đến hàng trăm thí sinh ở Hà Giang, Sơn La phải nhờ cậy sự gian lận để có điểm cao mà vào được trường y, trường cảnh sát… Các em cùng tuổi với Hà Vi nhưng ý thức và nghị lực sống thì khác biệt hoàn toàn. Không cần hình dung cũng biết những thí sinh này sẽ trở thành những con người như thế nào trong tương lai nếu như thương vụ “mua bán điểm” được thực hiện trót lọt. Nhưng đó là chuyện xa xôi. Trước mắt, những cô bé, cậu bé này đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, đó là sự cô đơn và tủi nhục trước những ánh mắt không thiện cảm của mọi người. Và có lẽ, giờ đây các bậc cha mẹ, quan chức, thừa tiền của nhưng lại thiếu nhân cách, cũng đang thấm thía vì sự tham lam đến hỗn xược của mình đã gây trọng thương cho con cháu của mình.

Chưa hiểu nhiều về nghề luật, nhưng Hà Vi chỉ hình dung và mơ ước sau này sẽ làm được những điều nhân văn, chính nghĩa và công lý. 

Tôi hình dung, một người trẻ có ý chí và biết suy nghĩ như thế, ắt hẳn sau này sẽ là người có nhân cách: biết nhường nhịn, chia sẻ và tuyệt đối không giành giật hay chiếm đoạt bất cứ thứ gì của người khác. Em sẽ nhận được sự chia sẻ, thương yêu và kính trọng của mọi người.

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI