Việc 4 nữ sinh thuộc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Bến Tre đánh nhau rồi phát tán video trên mạng ngày 28/9 vừa qua khiến không ít người bức xúc.
Vấn nạn học sinh đánh nhau, quay clip rồi phát tán lên mạng nhằm bôi nhọ danh dự bạn học từ lâu đã khiến nhà trường lẫn phụ huynh và cả xã hội đau đầu. Nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng hầu như không hiệu quả. Càng về sau, mức độ bạo hành và xúc phạm nhân phẩm của học sinh trong các clip càng tăng, bất chấp hậu quả hay độ nguy hiểm.
Nhiều phụ huynh giận run người khi chứng khiến những hình ảnh bạo lực. Nhiều người khác hoang mang không hiểu tại sao thời này lại có nhiều học sinh hung hăng đến thế, có "máu côn đồ" đến thế? Nhưng nếu chịu khó để ý, không khó để tìm ra câu trả lời.
|
Nữ sinh bị nhóm bạn đánh, xé áo dài rồi tung clip lên mạng hôm 28/9 gây bức xúc dư luận. Ảnh cắt từ clip. |
Mạng xã hội cùng các thiết bị công nghệ giúp chia sẻ, lan truyền những thông tin, hình ảnh nhanh như chớp. Đa số học sinh cuối cấp II và cấp III được phụ huynh cho sử dụng smartphone, Ipad thoải mái mà không kiểm soát.
Mạng xã hội là thế giới ảo nhưng cũng chứa đầy rủi ro và những cái bẫy nguy hiểm rình rập. Facebook, TikTok , YouTube với những nội dung mang tính bạo lực dễ dàng tiếp cận giới trẻ. Ở tuổi teen, tâm lý các em là rất dễ rất sùng bái các kênh riêng của những “giang hồ mạng” cộm cán với những clip hành xử kiểu “anh chị”, bất cần. Học theo các “anh chị” này, các em luôn “ảo tưởng sức mạnh”, sẵn sàng ra tay bắt nạt bạn học khi có chút mâu thuẫn nhỏ.
Từ cấp II, thậm chí cấp I, các em hầu như cũng đều sử dụng mạng xã hội để giao lưu, kết nối bạn bè. Nhưng những gì các em thể hiện trên mạng, để theo kịp chúng bạn, để trở nên “cool ngầu” nhiều em đã bắt chước chêm tiếng lóng, chửi tục trong các status, comment dù bên ngoài vẫntỏ ra là đứa trẻ ngoan hiền.
Đây là một bộ phận những em được sinh trưởng trong gia đình trí thức, khá giả. Còn những em lớn lên trong những gia đình mà bố mẹ có nền học vấn không cao, nghề nghiệp va chạm nhiều, tính khí thường cục súc, thô lỗ từ lời nói đến hành động thì việc các em thành “bản sao” của người lớn là điều đương nhiên.
Rất nhiều lần người viết cảm thấy ức chế khi chứng kiến những ông bố bà mẹ đón con ở cổng trường với thái độ hằn học. Biết điểm con thấp, ông bố chửi sang sảng trước đám đông: “Học cho lắm, ngu như bò!”. Có đứa trẻ mải mê chơi đùa trong sân trường hoặc trực nhật ra trễ, cha mẹ đã mắng chửi lời thô lỗ, tục tằn.
Không ít em đã “ăn” bạt tai oan uổng hoặc hưởng nguyên cái nón bảo hiểm đốp vào đầu vì những lỗi rất trời ơi đất hỡi. Những ấm ức đó, nhiều khi các em sẽ mang ra “xả” lên bạn bè, thậm chí người dưng. Các em sẽ nghĩ rằng việc giải quyết mâu thuẫn, xích mích với bạn bằng nắm đấm, bằng việc tấn công vào thân thể bạn, giống như người lớn từng xuống tay với mình là không quá đáng.
|
Nữ sinh sẵn sàng đánh... ghen để dằn mặt "tình địch", một hành vi xấu xí sao chép từ người lớn khiến ai nấy giật mình. Ảnh từ clip trên Internet. |
Từ cấp II, các nữ sinh dậy thì đã biết chăm chút cho vẻ ngoài. Có em mới lớp 6, lớp 7 mà đi học đã dùng son môi đỏ đậm, giáo viên có nhắc nhở cũng như nước đổ lá môn. Rồi thì dạo quanh mạng xã hội, thấy bạn cùng lứa mình có “gấu”, crush (người trong mộng) để yêu đương, khoe mẽ, thế là các em cũng cố kiếm “gấu” để phòng thân.
Việc các cặp nam nữ học sinh chở nhau đi học, gọi nhau chồng chồng vợ vợ khiến người ngoài nghe nổi hết da gà. Buổi trưa ở những cửa hàng tiện ích, quán trà sữa... không khó để bắt gặp các cặp đôi non choẹt ngồi chờ tới giờ học chiều. Chúng học bài thì ít, mà ôm nhau xà nẹo, thậm chí hôn hít như xung quanh không có ai.
Yêu đương sớm thì cũng biết… ghen tuông sớm. Ghen thì phải… đánh ghen! Mà đánh ghen sao cho… ngầu thì phải lên mạng học hỏi. Thì đó, đầy rẫy các clip đánh ghen kinh thiên động địa của các cô, các chị trên ấy. Không ít các clip nữ sinh đánh nhau, xé quần áo bạn học là do ghen. Vì con đó giựt mất bạn trai nên phải… đánh dằn mặt!
Động cơ và công thức đánh ghen của nữ sinh y hệt người lớn: túm tóc, tát tai, lột quần lột áo nhằm hạ thấp nhân phẩm của “tình địch”, dằn mặt để "cho mày không quen ai được nữa". Rồi các clip đánh nhau xấu xí ấy nhanh chóng phát tán trên mạng như một chiến tích hả hê.
Xem các clip học sinh đánh nhau lột quần áo của con trẻ phát tán trên mạng, chúng tôi giật mình thon thót. Lo nhất là biết đâu có ngày mở mạng thấy nhân vật chính, nhân vật phụ các clip bạo hành học đường là con mình. Các hội nhóm phụ huynh lần nữa dặn dò nhau về nhà dạy bảo, giáo huấn con và áp sát con chặt hơn nữa. Nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng, những gì trẻ cố tình giấu giếm và thực hiện khuất mặt khuất mày cha mẹ, làm sao kiểm soát hết được đây!
Trần Huyền Trang