edf40wrjww2tblPage:Content
Nạn nhân thương tâm trong vụ đánh hội đồng trên là em P. chắc phải mất một khoảng thời gian dài mới quên đi những cảnh tượng hãi hùng mà mình phải hứng chịu từ những bạn bè cùng lớp. Nếu không có một lộ trình chữa trị tâm lý chuyên nghiệp, em P. có thể bị trầm cảm, hoặc có thể ngược lại…sẽ rất bạo lực với cộng đồng xung quanh.
Vì thông thường người ta chỉ cho những gì mình đã nhận. Nhận yêu thương sẽ cho yêu thương. Trừ những nhân cách lớn thì “người ta sẽ cho những gì mình thiếu” như nhà văn Sơn Nam từng viết.
Ngoài nạn nhân P. bị bạn đánh vì lý do …lãng xẹt (cũng như bao vụ đánh nhau khác diễn ra khắp đất nước khiến hơn 6.200 người nhập viện trong các ngày Tết năm Ất Mùi) thì chính các em đánh em P. cũng là nạn nhân.
Các em vừa là nạn nhân của chính mình, cũng vừa là nạn nhân của những đổ vỡ từ người lớn. Điểm qua các em đánh P, đa phần đều bị thiếu nền tảng của giáo dục gia đình. Em Lâm Trần Bình T. thì cha mẹ ly dị, mẹ đi làm xa, bình thường ngoan nhưng hôm ấy…cũng không kiềm chế được hành vi côn đồ, hùa theo đám đông tấn công bạn nữ yếu đuối.
Em Lâm Trí N. cũng vậy, cha mẹ bỏ đi, em ở với ông bà. Em V. lớp trưởng cầm đầu vụ đánh nhau thì ba mẹ sống ly thân, em sống với chú… Tất cả đều có một tuổi thơ đứt gãy.
Theo nghiên cứu của các nhà xã hội học, 80 - 90% tội phạm đều là những người có một tuổi thơ bị băm nát bởi sự cư xử hà khắc, lạnh lùng, thiếu tình thương… của gia đình, nhà trường. Chỉ có một số ít vươn lên thành chỗ dựa cho người yếu đuối. Đồng thời, những tội phạm trở thành lương thiện cũng là nhờ họ gặp được những nhân cách lớn giáo dục, yêu thương họ.
Thế đấy, chúng đã được sinh nhưng chúng đã không được giáo dưỡng đúng cách và yêu thương đúng cách, dẫn đến hành xử không đúng cách. Đáng lẽ bài học đầu tiên khi chúng bắt đầu sống với cộng đồng và đến hơi thở cuối cùng là phải tôn trọng sinh mệnh, thân thể và phẩm hạnh người khác thì chúng được giáo dục những điều đao to búa lớn, những gì quá hàn lâm, sách vở….
Tuy nhiên, cũng phải dạy chúng biết cách bảo vệ mình, phải biết ra đòn khi tự vệ trước kẻ xấu, như ra đòn tự vệ trước kẻ thù xâm lược Tổ quốc, chứ không ngồi yên chịu trận.
Bài học thứ hai cần phải dạy cho học sinh và cần phải tập thành thói quen sống còn, đó là quản lý, nhận biết những cảm xúc, những ý nghĩ nông nổi và ngăn chặn nó, trước khi nó biến thành hành động.
Nhưng nhà trường hiện nay thiếu phần đó, trường đào tạo làm giáo viên cũng thiếu phần đó. Do đó, không ít giáo viên cũng cư xử bạo lực với học sinh khi các em nghịch, hay vi phạm kỷ luật, khi bị điểm kém, khi thành tích lớp đi xuống…
Lúc đó, các em sẽ bị mắng nhiếc, liếc nhìn hay xưng hô “tui, mấy người”. Đó cũng là một dạng bạo lực tinh thần khó nhìn thấy. Mà nguyên nhân sâu xa là nền giáo dục hiện nay thiếu chú trọng việc giáo dục, trang bị phương cách lãnh đạo bản thân, quản trị cái đầu cho người học mà chỉ chú trọng nhồi nhét kiến thức.
Cứ thế, cứ thế, từ thế hệ này sang thế hệ khác ra trường, chúng lập gia đình, chúng đi làm, chúng va chạm thực tế …thì chúng hành xử trong trạng thái thiếu bình tĩnh khi sự cố đến, dẫn đến những vụ giết nhau chỉ vì một lời nói, một cú va chạm giao thông nhẹ nhàng.
Bây giờ thì P. bị sang chấn tâm lý, cơ thể đôi phần bị tổn thương, còn các bạn đánh P. có thể bị đuổi học do vi phạm kỷ luật. Nhưng một khi những em như V, như T, như N. bị đuổi ra khỏi trường và cho chúng lang thang trong xã hội thì đó cũng là một thất bại của người làm giáo dục. Bởi giáo dục là chuyển hóa con người từ xấu thành tốt, từ dở thành hay, từ ngu dốt trở thành hiểu biết…
Đúng ra, các em trên nên được cách ly khỏi bạn bè một thời gian để đến một ngôi trường mà nơi đó có những người thầy có trái tim nhân ái, có tầm nhìn rộng mở, biết dẫn dắt, chuyển hóa…trang bị cho chúng cách kiềm chế cảm xúc để chúng nhận thức lại hành vi và chuyển hóa mình. Sau một thời gian, tâm tính thay đổi, nhận thức thay đổi thì các em sẽ được quay lại học cùng bạn bè.
Còn nếu chỉ trừng trị hành vi, không khéo còn tăng phần bạo lực trong một con người.
Ngoài ra, nguyên nhân sâu xa của cách cư xử bạo lực hiện nay là do cây xanh trong nhà trường và ngoài cộng đồng cũng quá ít. Mảng xanh thì mất dần, trái đất thì nóng lên… đương nhiên đầu óc con người dễ bị kích động hơn nhiều.
Ngày xưa, cách đây 3 - 4 thế kỷ miền Nam còn rừng nhiều, nên triều đình hay điều những tù nhân vô khai phá. Mục đích để phạt nhưng sâu xa cũng là để cho thiên nhiên thuần hóa, cho họ hiền lành hơn. Trước một mảng xanh bao la bát ngát thì con người ít khi trỗi dậy thú tính.
Đa phần các vụ bạo lực được tung lên mạng hiện nay đều do nữ sinh gây ra. Điều đó chứng tỏ các em bị lây nhiễm cái xấu từ thông tin xấu. Do đó, nhà nước phải có biện pháp mạnh để ngăn chặn những thông tin xấu trên mạng, xử lý nghiêm kẻ phát tán.
Một vụ việc đã xảy ra hơn hai tháng, mà nhà trường, giáo viên chủ nhiệm…mới biết chứng tỏ các em trong lớp cũng bị những bạn đàn anh đàn chị đe dọa kinh khủng, cũng đồng thời chứng tỏ người lớn chưa trang bị cho các em còn lại thái độ dũng mãnh khi đối đầu với cái xấu, dám lên tiếng bảo vệ người yếu thế. Điều này thật nguy hiểm.
Khi người ta im lặng cho cái ác, cái xấu lộng hành cũng là đang tự giết dần mình.
NHÂN TIẾN
Kính mời bạn đọc gửi bài, ý kiến cho diễn đàn “Con tôi có bị đánh hội đồng tại lớp?” qua các địa chỉ: - Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang - Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com - Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn. Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút). Phụ Nữ trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc. |