Nữ “Robin Hood” dành hơn 20 năm giúp đỡ người nghèo tại Singapore

16/11/2020 - 15:44

PNO - Fion Phua đã hoạt động tình nguyện từ rất lâu, đến mức mọi người quen gọi cô bằng biệt danh “Robin Hood” vì những nỗ lực giúp đỡ người nghèo.

Việc Singapore phong tỏa một phần do dịch COVID-19 lây lan vào tháng Tư khiến cô Phua luôn băn khoăn về số phận của những người mù, người bệnh liệt giường và người già neo đơn.

Cô Phua đã phải dừng các hoạt động tình nguyện của mình trong một tháng cho đến khi quyết định tiếp tục hành trình vào tháng 5. Đội ngũ tình nguyện viên nòng cốt của cô hỗ trợ đáp ứng những nhu cầu cấp thiết cho người dân như sửa ống nước, đồ dùng, phân phát thuốc hoặc tiếp nhận các nguồn lực của chính phủ.

“Chúng tôi ủng hộ giãn cách xã hội, không phải sự cô lập xã hội”, cô Phua nói.

Cô Phua (phải) đến thăm nhà một người lao động nghèo tại Singapore.
Cô Phua (phải) đến thăm nhà một người lao động nghèo tại Singapore

Mạng lưới không chính thức mà cô thành lập, Keep Hope Alive, đã hoạt động không mệt mỏi trong hơn hai thập kỷ để tiếp cận những người kém may mắn tại Singapore ở nhiều khu vực khác nhau. Mô hình được xây dựng dựa trên việc các thành viên cống hiến thời gian và kỹ năng độc đáo của mình, thay vì quyên góp tiền.

Hiện tại, mạng lưới thực hiện các chuyến thăm hàng tuần vào sáng Chủ nhật, trong bộ đồ bảo hộ cá nhân, khẩu trang và tấm che mặt bất chấp cái nóng nhiệt đới. Họ chia thành các nhóm nhỏ, đến gõ cửa tại các căn hộ cho thuê ở khu vực Henderson.

Sau khi xác định nhu cầu của cư dân, các tình nguyện viên đã hành động ngay lập tức - lắp chuông xe đạp trên xe lăn, cắt tỉa móng tay, dọn dẹp nhà cửa và kiểm tra xem các vật dụng trong nhà có cần thay thế hay không.

Tình nguyện viên từ tổ chức Keep Hope Alive vận chuyển những thùng trái cây tươi đến một khu nhà ở dành cho người lao động.
Tình nguyện viên từ tổ chức Keep Hope Alive vận chuyển những thùng trái cây tươi đến một khu nhà ở dành cho người lao động

Thợ làm tóc lâu năm Mark Yuen (65 tuổi) là một trong những tình nguyện viên. Ông nói: “Đối với một số người, cắt tóc không chỉ đơn thuần là làm đẹp và giữ gìn vệ sinh mà còn mang lại cảm giác thoải mái. Nó khiến người ta cảm thấy rằng họ không đơn độc… mà luôn có ai đó quan tâm”.

Ông Mark Yuen chọn cắt tóc để giúp những người già cô đơn bớt đi nỗi buồn giữa đại dịch.
Ông Mark Yuen chọn cắt tóc để giúp những người già cô đơn bớt đi nỗi buồn giữa đại dịch

Một loạt các mặt hàng quyên góp cũng được sắp xếp để phân phát cho người dân - gạo, dầu ăn, trứng, hộp sản phẩm tươi sống, vitamin và đồ chơi trẻ em. Người dân háo hức xếp hàng dài để mua sắm những mặt hàng thiết yếu hoặc đắt hàng như máy giặt, giường bệnh và ghế sofa.

Tháng trước, tủ lạnh của một cư dân bị hỏng. Các tình nguyện viên đã xác minh tình hình, sau đó chở một chiếc tủ lạnh mới đến thẳng nhà bếp và tặng kèm một loạt phiếu mua hàng siêu thị, tỏi, hành và rau. Để cảm ơn, cô đã pha trà cho các tình nguyện viên.

Cô Sukkuriya Beevi từ Ấn Độ và cậu con trai vui mừng khi nhận được chiếc tủ lạnh mới.
Cô Sukkuriya Beevi từ Ấn Độ và cậu con trai vui mừng khi nhận được chiếc tủ lạnh mới

Trong thời gian Singapore phong tỏa một phần, các hoạt động tập trung động người đều phải đình chỉ để bảo vệ những người cao tuổi dễ bị ảnh hưởng. Mạng lưới của cô Phua đã phát điện thoại thông minh và dạy mọi người nhận cách gọi điện video, truy cập các dịch vụ trực tuyến của chính phủ.

Họ vui mừng khôn xiết khi được nhìn thấy người thân của mình qua màn hình dù không thể tiếp xúc trực tiếp: “Trong thế giới kỹ thuật số này, đó là một hình thức quan tâm mới, một hình thức yêu thương mới… Đó là tình người qua mạng Internet”.

Người dân đến nhận và mua các mặt hàng thiết yếu với giá rẻ từ sự kiện hỗ trợ của tổ chức Keep Hope Alive.
Người dân đến nhận và mua các mặt hàng thiết yếu với giá rẻ từ sự kiện hỗ trợ của tổ chức Keep Hope Alive

Cô Phua hy vọng trong một cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19, mọi người vẫn giữ được thói quen chia sẻ và đồng cảm.

Cô khẳng định: “COVID -19 sẽ không kết thúc trong một, hai ngày, thậm chí không phải một, hai năm. Vì vậy, chúng ta phải điều chỉnh lối sống của mình để chăm sóc những người yếu, người nghèo, người bệnh, người bị trầm cảm. Chúng ta phải ở đó vì họ".

Ngọc Hạ (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI