Tại những quốc gia có nền điện ảnh phát triển và những liên hoan phim (LHP) lớn, vấn đề nữ quyền ngày càng được đề cao.
Không đứng ngoài cuộc, điện ảnh Việt cũng đang dần có những bước tiến nhất định trong vài năm qua để khẳng định vai trò, năng lực và khí chất của phụ nữ với ngành phim ảnh. Dẫu thành quả còn rất khiêm tốn nhưng những tín hiệu ban đầu cũng đủ để tiếp sức cho những hy vọng lớn hơn trong tương lai.
Nhân lực nữ gia tăng trong điện ảnh Việt
Vừa qua, lễ trao giải phim ngắn CJ đã vinh danh 4 tác phẩm xuất sắc nhất, trong đó có phim của 2 nữ đạo diễn trẻ (Mặn, ngọt - Dương Diệu Linh và Ba lô hồng - Chu Ánh Nguyệt). Các tác phẩm này sẽ có cơ hội được mang đi trình chiếu, quảng bá ở các LHP quốc tế.
|
Hai đạo diễn nữ trẻ được vinh danh trong lễ trao giải phim ngắn vừa qua. |
Cuộc chơi đã khép lại nhưng ít nhiều nhen nhóm những hy vọng với người trẻ, giới làm phim Việt Nam, đặc biệt với bộ phận nữ giới. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng khi phụ nữ ngày càng thể hiện được tài năng, vai trò của mình trong lĩnh vực điện ảnh.
Một vài năm qua, nhân lực là nữ giới ngày càng gia tăng đáng kể trong làng phim Việt. Họ bắt đầu đảm đương nhiều công việc mà trước nay vốn được nhìn nhận chỉ thuộc về nam giới, như đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch, hoạ sĩ thiết kế. Danh sách này ngày càng được nối dài, gồm có: Ngô Thanh Vân, Trương Ngọc Ánh, Hồng Ánh, Nguyễn Hoàng Điệp, Luk Vân, Đặng Thái Huyền, Cao Thuý Nhi, Kay Nguyễn…
|
Ngô Thanh Vân, gương mặt nữ tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất phim ảnh tại Việt Nam. |
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết trong quá trình giảng dạy, chị quan sát những năm gần đây tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, tỉ lệ nữ thi vào các chuyên ngành đạo diễn, biên kịch… tăng lên rất nhiều. Tỉ lệ đậu cũng rất cao, thậm chí chiếm đến phân nửa số lượng của một lớp. Con số này sẽ còn gia tăng rõ rệt trong thời gian tới, như một quy luật tất yếu.
Lý giải về việc này, nữ đạo diễn cho biết: “Ở những quốc gia có nền điện ảnh đang phát triển, mọi thứ tươi mới hơn, định kiến dành cho phụ nữ ít hơn, suy nghĩ thoáng hơn. Điện ảnh Việt chỉ mới phát triển trong khoảng 10-15 năm trở lại đây, trùng với thời gian điện ảnh tư nhân ra đời; kinh tế phát triển, nhận thức của con người cũng thay đổi khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, do vậy cơ hội cho phụ nữ trong mọi ngành nghề cũng phát triển theo, trong đó có điện ảnh”.
Có sự khác biệt, khó khăn nào khi phái đẹp bước vào lãnh địa vốn được mặc định là của nam giới? Câu trả lời của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là không, ngay cả với những nhà làm phim trẻ dù bước đầu rất khó nhằn để tiến đến con đường chuyên nghiệp.
|
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp ủng hộ nữ giới tham gia việc làm phim, đặc biệt ở những khâu trước nay vốn được nhìn nhận chỉ thuộc về nam giới. |
“Tôi tin với công việc đạo diễn, dù là giới nào, miễn có tài năng và đam mê thực sự, chăm chỉ, tử tế thì đều có thể làm phim được”, Nguyễn Hoàng Điệp nói.
Trong công việc sáng tạo, nữ giới có lợi thế hơn bởi sự mềm mại, duyên dáng, uyển chuyển trong suy nghĩ. Tuy nhiên trong quá khứ, vì nhiều yếu tố mà lợi thế này chưa được phát huy. Đạo diễn Charlie Nguyễn cung cấp một thông tin khá thú vị: “Nếu phái nữ làm phim tốt, chắc chắn sẽ được ủng hộ nhiều hơn nam đạo diễn bởi họ có góc nhìn tinh tế. Theo thống kê từ CGV và một số đơn vị phát hành khác, trong những khán giả đến rạp, phái nữ sẽ quyết định xem phim nào. Nói như thế để thấy rõ nếu đạo diễn nữ làm phim tốt, sự đồng điệu giữa khán giả và đạo diễn nữ sẽ cao, khả năng thành công lớn”.
Tuy nhiên trên thực tế vài năm trở lại đây, những tác phẩm của nữ đạo diễn, biên kịch tại Việt Nam thành công không nhiều, chưa đủ tạo sức nặng cho nền điện ảnh. Tín hiệu tốt nhất vẫn đang ở sự gia tăng về số lượng.
Hình ảnh phụ nữ trên phim ảnh: Đã đến lúc cần thay đổi?
Đi kèm với sự gia tăng nhân lực nữ trong khâu sản xuất, hình ảnh phụ nữ Việt trên màn ảnh ít nhiều đã có sự thay đổi để bắt kịp thời đại. Người phụ nữ đầy cam chịu trong Mùa len trâu, Áo lụa Hà Đông, Mùi đu đủ xanh… chỉ còn trong quá khứ. Dẫu sự thay đổi chưa là bao vì vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những lề thói, định kiến bao đời: nhẫn nhịn, chịu đựng, sướt mướt, uỷ mị, ràng buộc hôn nhân và chịu sự chi phối của nam giới.
|
Hình ảnh phụ nữ Việt trên màn ảnh có sự thay đổi nhưng chưa nhiều. |
Một số tác phẩm có cố gắng xây dựng hình ảnh phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ như: Sài Gòn: Anh yêu em, Taxi, Em tên gì?, Gái già lắm chiêu, Cô Ba Sài Gòn… nhưng cuối cùng vẫn yếu đuối, uỷ mị và ràng buộc bởi nam giới. Mới đây, teaser Hai Phượng ra mắt, cho thấy hình ảnh “đả nữ” mạnh mẽ của Ngô Thanh Vân nhưng đằng sau đó lại hé lộ cuộc sống đầy khổ cực. Những phim dành đất cho nữ giới, thể hiện được vai trò, năng lực của họ một cách tích cực vẫn còn hạn chế.
Khi xem những tác phẩm tại buổi trình chiếu các dự án phim ngắn của những nhà làm phim trẻ Việt Nam, một đạo diễn Hàn Quốc đặt vấn đề liệu có mất cân bằng giới tính không khi hình ảnh người phụ nữ trong các tác phẩm gần như lép vế so với nam giới. Họ phải gánh những điều tiếng như: đi đánh ghen, phá thai… Câu hỏi nhỏ nhưng khiến không ít người có mặt phải trăn trở, suy nghĩ.
Mặc dù các nhà làm phim đều độc lập về suy nghĩ nhưng hình tượng phụ nữ trên màn ảnh đều có nhiều điểm chung. Một trong những nguyên nhân cốt lõi chính là sự tác động về văn hoá đã tồn tại trong hàng nghìn năm qua về phụ nữ Việt, tạo nên một khuôn mẫu vô hình. Mà văn hoá thì không thể thay đổi trong một giờ, một phút.
|
Hai Phượng, nhân vật hành động mới của Ngô Thanh Vân mạnh mẽ, gai góc nhưng đằng sau đó vẫn là sự lam lũ của người phụ nữ. |
Lý giải thêm về việc này, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhận định: “Các nhà làm phim độc lập trong sáng tạo nhưng họ vẫn đang chịu một đơn đặt hàng khổng lồ, vô hình từ công chúng để tạo nên hình ảnh người phụ nữ. Khi nào nhu cầu của công chúng thay đổi, hình ảnh người phụ nữ sẽ thay đổi theo, một cách tự nhiên nhất. Công chúng không còn yêu thích nhân vật nữ uỷ mị, sướt mướt thì hình ảnh người phụ nữ tươi vui, mạnh mẽ, chủ động sẽ lên ngôi. Hình ảnh này đã có nhưng chưa nhiều”.
Điện ảnh Việt Nam khi lấy phụ nữ làm chủ đề chính mới thể hiện được ý thức về sự cân bằng giới tính, còn tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ hầu như chưa định hình. Hơn nữa câu chuyện nữ quyền tại Việt Nam chỉ mới manh nha, chưa thực sự trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu. Chính vì thế, việc thay đổi hình tượng phụ nữ trên màn ảnh vẫn còn cần thêm thời gian.
“Chúng ta đang phát triển điện ảnh về số lượng, thời gian tới sẽ tiến tới việc quy hoạch chất lượng nhiều hơn. Tại thị trường Việt Nam, chúng ta sẽ khó để có được hình mẫu siêu anh hùng nữ. Nhưng tôi nghĩ có cách khác hơn là kể về người phụ nữ chân thật nhất, thẳng thắn, đừng né tránh để tạo cảm giác thương hại. Đó cũng là bước đầu để tiến tới những thay đổi lớn hơn”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói.
Thành Lâm