Phụ nữ Việt Nam dù luôn được xem là phái yếu nhưng đã có truyền thống tự mình bươn chải, làm việc để nuôi sống gia đình. Những phụ nữ tiến bộ tin rằng, họ cần làm việc, có thu nhập. Nhà nữ quyền đầu tiên của Việt Nam, bà Đạm Phương, từ đầu thế kỷ XX đã mạnh mẽ cổ vũ cho việc phụ nữ phải học chữ và học nghề. Câu nói nổi tiếng của bà, đến nay vẫn còn nguyên giá trị:“Con gái phải học và có một nghề để sau này nuôi con”.
Thời hiện đại, dù thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn, câu chuyện nữ quyền vẫn luôn mới. PNCN đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Quốc Bảo và nhà thiết kế Nguyễn Thu Hòa về câu chuyện nữ quyền nhân ngày dành cho phái đẹp 8/3.
|
Nhạc sĩ Quốc Bảo |
Phóng viên: Anh quan niệm thế nào về “nữ quyền” trong cuộc sống hiện nay?
Nhạc sĩ Quốc Bảo: Nếu đã là định nghĩa thì phải được mọi người chấp nhận: đó là bình đẳng giới, sự tôn trọng xã hội dành cho nữ giới. Nữ quyền là đánh giá đúng năng lực phụ nữ trong các vấn đề xã hội, nhận thức được sự đóng góp của người nữ không chỉ trong gia đình mà còn ở các lãnh vực khác ngoài khuôn khổ gia đình.
* Chúng ta vẫn thường xuyên nói đến nữ quyền, hiểu nó theo cách của mình, là phụ nữ phải đòi hỏi quyền lợi; phải mạnh mẽ, cứng rắn, biết sống cho bản thân… Phải chăng các định nghĩa ngày càng được hiểu một cách sai lệch?
- Tôi không nghĩ là người nữ “đòi hỏi”. Họ vốn đã được tôn trọng từ lâu trong chính xã hội ta. Hãy nhớ rằng, xã hội Việt thuở sơ khai theo chế độ mẫu hệ, con sinh ra chỉ biết có mẹ. Trong nghệ thuật cổ truyền (chèo, cải lương), người nữ bao giờ cũng vào những vai rất oai phong, người nam mới là kẻ thua thiệt. Còn “biết sống cho mình” thì ai chẳng muốn.
* Phải chăng nữ quyền đơn thuần là việc phân chia những trật tự trong gia đình, công việc theo một góc độ thuần túy xã hội học?
- Tôi không đồng ý cách nghĩ “nữ quyền là phân chia lại trật tự gia đình”. Nữ quyền là phương cách hữu hiệu để đề cao tính nữ, thay vì sợ rằng sẽ bị mất nữ tính, đàn ông hóa người nữ. Một trật tự gia đình ổn thỏa rồi thì đâu cần chia lại làm gì. Còn nếu chưa ổn thỏa, thì vấn đề không nằm ở chỗ đòi quyền bình đẳng theo kiểu duy ý chí, mà cần có sự thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình với nhau.
* Với nhiều phụ nữ, giữa cuộc sống được cho là “phẳng” này, họ vẫn phân vân giữa việc nên là một phụ nữ có sự nghiệp, có thu nhập hay lui về làm “hậu phương” cho chồng. Suy nghĩ này có phải đã được hình thành từ những lề thói cũ và chính bản thân người phụ nữ vẫn chưa thể tự mình bước ra?
- Rất ít chị em còn phân vân “nhà hay phố”. Chẳng qua, họ chọn lựa cái gì tốt nhất, phù hợp nhất với bản thân mình.
* Anh có nghĩ giữa nữ tính và nữ quyền có một sự tương quan và đôi khi là một?
- Như tôi đã nói, nữ quyền chính là sự khẳng định nữ tính ở mức độ cao nhất của từ này.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Lan Khôi (thực hiện)
Nhà thiết kế Thu Hòa sáng lập và giám đốc thương hiệu She by Hoa Nguyen: Nữ quyền là hiểu, tin tưởng chính mình
Phóng viên: Bạn có nghĩ “nữ quyền” chứa đựng một nội hàm to lớn?
|
Nhà thiết kế Thu Hòa |
Nhà thiết kế Thu Hòa: “Nữ quyền” thực ra chẳng có gì to tát như phụ nữ vẫn thường hình dung, cũng không có nghĩa nữ giới có quyền thống trị “bắt nạt” đàn ông.
Với tôi, nữ quyền chính là khi phụ nữ được trân trọng, có quyền yêu và được yêu, được làm những gì họ thích, cảm thấy cuộc sống tươi vui, có ý nghĩa. Đó mới là giá trị của “nữ quyền” thật sự.
*Có ý kiến cho rằng, nữ quyền đang được hiểu theo chủ quan của từng cá nhân, thậm chí có vẻ đã sai lệch.
- Tôi nghĩ định nghĩa thì không sai lệch nhưng đôi khi cách hiểu có phần chủ quan. Tôi luôn đơn giản mọi định nghĩa trong cuộc đời mình. Tôi tin rằng, được sống theo cách mình muốn, làm những gì mình yêu, chẳng cần phải “đòi hỏi” ai hết, thì chính là lúc chúng ta có đầy đủ nữ quyền nhất. Khi đòi hỏi, gồng lên chứng tỏ mình mạnh mẽ, chẳng phải là chúng ta đang bị lệ thuộc vào một điều gì đó sao?
*Phải chăng nữ quyền chỉ đơn thuần là việc phân chia lại những trật tự trong gia đình, trong công việc theo một góc độ thuần túy xã hội học?
- Tôi nghĩ phần lớn phụ nữ làm việc gì cũng vì họ thích và chọn. Khi người phụ nữ nhận trọng trách chăm chồng chăm con, họ tin đấy chính là hạnh phúc của đời mình. Nên khi nói về nữ quyền lại cho rằng đấy là “phân chia” thì e rằng rạch ròi quá. Nữ quyền là khi người đàn ông hiểu và yêu thương người phụ nữ của họ hơn, từ ý thức đó sẽ tự động dẫn tới những hành động cần thiết.
*Hiện vẫn không ít người phân vân giữa việc nên là một phụ nữ có sự nghiệp vững vàng hay lui về làm “hậu phương” cho chồng. Suy nghĩ này có phải được hình thành từ những định kiến xã hội, bản thân người phụ nữ vẫn loay hoay trong đó?
Rất nhiều bạn bè của tôi vẫn làm tròn trọng trách ở cả hai nơi, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Nếu băn khoăn phải chọn một trong hai nghĩa là vẫn còn đang luẩn quẩn trong cái vòng tự trói buộc mình. Tại sao không nghĩ mình và chồng có thể cùng hỗ trợ, chia sẻ với nhau trong cả công việc và chăm sóc gia đình? Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của người bạn đời, nhưng bản thân phụ nữ nên có mục tiêu sống rõ ràng và theo đuổi định hướng của cuộc đời mình.
*Người ta thường cho rằng, muốn có nữ quyền thì phụ nữ không còn nữ tính nữa. Vì nữ tính thường được gắn với những gì nhẹ nhàng, mềm mại trong khi nữ quyền lại được hiểu theo nghĩa ngược lại. Nếu theo cách hiểu ấy, làm sao dung hòa “nữ quyền” và“nữ tính”?
- Phần đông những người cổ vũ nữ quyền thường từ chối đi theo những định kiến xã hội về việc phải làm phụ nữ theo cách truyền thống, nên nhiều người cho rằng, những ai đề cao vai trò nữ quyền sẽ không thể giàu nữ tính. Quan điểm này mang nặng định kiến, bởi một bên là nhận thức và lý trí, một bên là nội tâm và tính cách cá nhân.
Thông thường, tôi thiết kế những bộ váy rất mềm mại, nữ tính, mọi người thường bảo đó là “bánh bèo”. Khách hàng của tôi đều là những phụ nữ thành đạt, họ rất độc lập, ủng hộ nữ quyền nhưng vẫn mặc đồ do tôi thiết kế trong những buổi tiệc đối ngoại, tiệc trà - nơi cần thể hiện nét đẹp của phái nữ. Họ hiểu và tin vào bản thân. Đối với họ, nữ tính hay không không quan trọng, mà thần thái và bản lĩnh làm một người phụ nữ đẹp, tinh tế mới là vấn đề cần quan tâm.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ
Đoàn Tâm (thực hiện)
-